Luật hàng hải của Trung Quốc: Mỹ phản ứng chỉ để phớt lờ?
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:20, 05/09/2021
Phản ứng nhanh nhưng... nhẹ
Cụ thể, ngày 1/9, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple đã trả lời tờ Stars & Stripes rằng đây là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại. Quy định của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Ông cũng khẳng định lại các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp, gồm tại Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do trên biển, các quyền và lợi ích của biển Đông và các quốc gia ven biển khác.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, khi được hỏi về vấn đề này, khẳng định các nước nên có quy định chung cho tất cả về các nguyên tắc của trật tự dựa trên luật lệ. Mỹ luôn khẳng định điều này với Trung Quốc và đồng minh và đối tác.
Ngoài ra, Mỹ không ngại phản đối và đã nhiều lần cùng đồng minh và đối tác phản đối những yêu sách quá mức và bất hợp pháp của Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Ngày 2/9, Trung tá Martin Meiners khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên biển và trên không "ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Ngày 3/9, Phó Đô đốc Tuần duyên Mỹ Michael McAllister cho biết quy định của Trung Quốc đi ngược lại thỏa thuận và thông lệ quốc tế. Điều này rất đáng lo ngại vì những quy định đó, nếu được thực thi, sẽ tạo nền tảng cho bất ổn và xung đột."
Phó Đô đốc cũng cho biết thêm rằng các quốc gia ngày càng quan tâm đến hợp tác tuần duyên với Mỹ để bảo bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải do lo ngại về hành động cưỡng ép của Trung Quốc nhưng thiếu năng lực để đối phó.
Một hình thức phớt lờ?
Nếu so sánh với phản ứng của Mỹ khi Trung Quốc áp dụng luật hải cảnh (cho phép bắn đạn thật vào tàu nước ngoài) hồi đầu năm 2021, các tuyên bố này có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, Mỹ đưa ra tuyên bố chỉ trích nhanh hơn rất nhiều, ngay cùng ngày quy định của Trung Quốc có hiệu lực. Lần trước, Trung Quốc đưa ra luật hải cảnh từ cuối năm 2020, có hiệu lực ngày 1/2/2021 nhưng Mỹ ngày 19/2 (sau hơn 2 tuần luật có hiệu lực) mới đưa ra tuyên bố. Phản ứng của Mỹ lúc đó cũng chậm hơn rất nhiều phản ứng của các như Nhật Bản, Philippines hay Việt Nam đã lên tiếng.
Thứ hai, phản ứng lần trước của Mỹ xuất phát chủ yếu từ phía Bộ Ngoại giao: Ngày 19/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price tuyên bố trong họp báo “lo ngại” về ngôn ngữ trong luật hải cảnh; Ngày 16/3, Ngoại trưởng Blinken bày tỏ quan ngại với những diễn biến “gây rối” như luật hải cảnh của Trung Quốc...
Tuy nhiên, lần này, phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ mới chỉ dừng lại ở cấp Người phát ngôn. Các tuyên bố còn lại đều tới từ các quan chức quốc phòng. Ngoài ra, nội dung phản ứng phía Bộ Ngoại giao cũng không trực tiếp nhằm vào quy định mới của Trung Quốc như lần trước. Phát ngôn của Ned Price có thể coi là "nhẹ hơn" phát ngôn từ phía các quan chức quân đội Mỹ nhiều. Bên cạnh đó, khi được hỏi, Ned Price cũng né tránh thông tin liệu chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về luật an toàn hàng hải mới hay không.
Tất nhiên, chúng ta không nên loại trừ khả năng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có những phát ngôn về quy định này về sau (như Ngoại trưởng Blinken đã làm sau khi luật hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực hơn một tháng).
Thứ ba, phản ứng lần này của Mỹ không nhấn mạnh vào đồng minh - đối tác như lần trước. Sau khi luật hải cảnh có tác dụng, Mỹ nhấn mạnh Mỹ "đồng lòng với Việt Nam, Nhật và các nước láng giềng" trong vấn đề này. Thậm chí, vấn đề còn được đưa vào họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước Quad ngày 18/3.
Lần này, Mỹ chỉ tập trung vào các chỉ trích dựa trên quyền tự do hàng hải – quyền vốn được quy định theo Công ước luật biển UNCLOS 1982.
Hải quân Trung Quốc có nhiều động thái gây căng thẳng trên Biển Đông CHINAMIL |
Có hai lý do để giải thích các khác biệt này. Mỹ có thể không coi quy định này là nghiêm trọng như luật hải cảnh trước đó của Trung Quốc vì quy định chỉ yêu cầu thông báo thông tin (chưa cụ thể những thông tin gì), không nhắc đến hành động đáp trả bằng vũ trang...
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể "phớt lờ" quy định này và vẫn tiến hành hoạt động như bình thường, tương tự như động thái của Mỹ khi Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Hồi tháng 11/2013, Trung Quốc yêu cầu các nước phải thông báo hoạt động khi bay vào vùng ADIZ (tương tự quy định lần này). Đáp lại, Mỹ ngay trong tháng 11/2013 đã điều máy bay ném bom vào vùng Trung Quốc tuyên bố ADIZ mà không thông báo. Mỹ sau đó cũng có nhiều hành động ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc khi các nước này tuyên bố phản đối hoặc điều máy bay vào vùng Trung Quốc tuyên bố ADIZ.
Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc vẫn cần được theo dõi sát sao dù mức độ ảnh hưởng có nghiêm trọng tới đâu bởi: (i) đây vẫn là hành động trái với quy định về tự do hàng hải trong UNCLOS; (ii) có thể Trung Quốc "cố ý" chưa nêu cụ thể định nghĩa "lãnh hải" và đối tượng tàu áp dụng để linh hoạt điều chỉnh sau này; và (iii) việc Trung Quốc sử dụng "vùng lãnh hải" thay vì "Đường Chín đoạn" hay "vùng nước lịch sử" như trước kia cũng cho thấy Trung Quốc đang có thay đổi trong cách tiếp cận pháp lý với các yêu sách biển (Phán quyết Biển Đông 2016 đã khẳng định các khái niệm này không có căn cứ). Phản ứng của Mỹ, theo đó, cũng cần điều chỉnh phù hợp.