Tiết lộ những điều ít ai biết về Tết Trùng Cửu
Dòng chảy - Ngày đăng : 01:08, 03/09/2021
Tết Trùng cửu 2021 là ngày nào?
Tết Trùng cửu (Tết Trùng dương, Tết người già…) diễn ra vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ trọng đại của người Trung Hoa, sau này mới được du nhập vào Việt Nam.
Năm nay, Tết Trùng cửu là thứ Năm, ngày 14/10/2021 dương lịch (ngày 9/9/2021 âm lịch).
Nguồn gốc Tết Trùng cửu
Về sự ra đời của Tết Trùng cửu, có nhiều thuyết khác nhau được lưu truyền nhưng phổ biến nhất là 2 câu chuyện sau. Thuyết thứ nhất kể lại rằng, vào đời Hậu Hán, Hoàng Cảnh theo thầy là Phí Trường Phòng học đạo tiên. Một ngày nọ, Trường Phòng nói với Hoàng Cảnh: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Vâng lời thầy, Hoàng Cảnh dẫn gia đình lên núi, đến tối khi về nhà, quả thực vật nuôi trong nhà đã chết hết.
Cũng bởi câu chuyện này mà về sau, cứ đến ngày 9/9 âm lịch, người ta lại bảo nhau bỏ nhà lên núi lánh nạn. Theo thời gian, tập tục này đã trở thành Tết Trùng cửu.
Thuyết thứ hai được ghi trong sách Phong Thổ Ký lại viết về vua Kiệt - một bạo chúa độc ác, tàn bạo. Vì muốn trừng phạt ông, ngày 9/9 Thượng đế đã giáng xuống một trận đại hồng thủy khiến bao con người, tài sản chìm trong biển nước. Vì lẽ ấy mà mỗi năm, cứ đến ngày này, người dân lại gom thực phẩm, cùng nhau lên núi.
Ngày nay, tại Việt Nam, dấu ấn của Tết Trùng cửu dần trở nên phai mờ, không còn như lúc mới du nhập vào. Tuy ít được biết đến, song Tết Trùng cửu vẫn là một ngày lễ có ý nghĩa nhân văn.
Ý nghĩa ngày Tết Trùng cửu
Số 9 là số dương, là biểu tượng của sự viên mãn và đồng nghĩa với sự tiếp tục sinh sôi, phát triển. Trong tiếng Hán, số 9 đồng âm với từ “cửu”, nghĩa là lâu dài, ngụ ý trường thọ, mạnh khỏe. Sự lặp lại hai lần số 9 được gọi là trường cửu.
Với người Hoa, ngày 9/9 là dịp để thể hiện sự kính trọng, yêu thương người lớn tuổi. Vào ngày này, những người trẻ tuổi dù bận rộn vẫn sẽ cố gắng dành thời gian bên ông bà, cha mẹ của mình.
Ngoài ra, Tết Trùng cửu còn có cách gọi khác là “Từ thanh”, tức là “tạm biệt thảm cỏ xanh”. Theo quan niệm dân gian, sau ngày 9/9 là mùa đông, cây cối không còn xanh tốt. Thời điểm đó không còn thích hợp để ra vùng ngoại ô chơi. Thế nên, Trùng cửu là cơ hội đi chơi của mọi người trước khi thời tiết bước sang đông.
Các hoạt động vào ngày Trùng cửu
Đi leo núi
Cổ thi có câu: "Gặp ngày Trùng cửu đăng cao". "Đăng cao" là lên chỗ cao, nhiều văn nhân thi sĩ vẫn thường mang bầu rượu, túi thơ cùng nhau lên núi cao, say sưa ngâm vịnh. Cũng có người lên núi để nhớ về tập tục “lánh nạn” khi xưa.
Giờ đây, vào ngày 9/9, mọi người lựa chọn cùng nhau đi leo núi rèn luyện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng. Nhiều cuộc thi được tổ chức đã thu hút rất nhiều người tham gia.
Ngắm hoa và uống rượu hoa cúc
Trùng cửu là thời điểm giao mùa dễ khiến người ta bị bệnh. Hoa cúc có thể chữa nhiều bệnh, rượu của nó giúp tránh trúng gió, thanh nhiệt cơ thể, giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu.
Mặc dù hoa cúc có nhiều loại nở quanh năm nhưng từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau được gọi là mùa hoa cúc. Tết Trùng dương cũng nằm trong khoảng thời gian này, có lẽ bởi vậy mà người ta thường xuyên ngắm hoa cúc vào ngày 9/9 âm lịch. “Năm ngoái giữa rừng không có lịch/ Nhìn hoa cúc nở biết trùng dương”
(Thiền sư Huyền Quang - Việt Nam)
Tổ chức các chương trình hướng về người lớn tuổi
Sau mùa thu, khi đã thu hoạch hoa màu, con cháu thường làm nhiều món ngon hiếu kính với ông bà, cha mẹ.
Xã hội ngày càng phát triển, các hoạt động hướng về người cao tuổi xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh việc phụng dưỡng, chăm sóc y tế... con cháu nên tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp cận các bộ môn thể thao như dưỡng sinh, golf... Đặc biệt ,golf là bộ môn thể thao mang nhiều lợi ích cho sức khỏe như tốt cho hệ thần kinh, giúp tăng cường nhịp tim, cải thiện được tầm nhìn và giúp các người cao tuổi ngủ ngon hơn.
Dù ở Trung Quốc hay Việt Nam, việc kính trọng, bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, những người lớn tuổi vẫn luôn là điều cần thiết. Đừng chỉ đợi đến ngày lễ, Tết mà hãy luôn quan tâm họ, bạn nhé!