Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt

Du lịch online - Ngày đăng : 07:08, 04/09/2021

Được mệnh danh là tiểu Tây Tạng ở Ấn Độ, Ladakh là vùng đất đầy bí ẩn với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 1

Giữa tháng 9/2019, Tuấn Đào có chuyến thăm vùng Ladakh, Ấn Độ. Ở bang Jammu và Kashmir, nơi có người các dân tộc gốc Ấn Độ và Tây Tạng sinh sống. Đây là một trong những khu vực dân cư thưa thớt nhất Ấn Độ. Văn hoá và lịch sử nơi đây có liên quan chặt chẽ với Tây Tạng. Ladakh nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa miền núi xa xôi.

Để đến Ladakh không dễ dàng, chúng tôi phải bắt hai chặng máy bay từ Hà Nội đến New Delhi rồi từ New Delhi đến Ladakh, trải qua nhiều đợt kiểm tra hành lý, giấy tờ để có thể đến được Leh, thủ phủ của vùng đất này, nơi có độ cao 3.000 m so với mực nước biển.

Để có thể chịu được độ cao ở đây, trước đó nửa tháng chúng tôi đã phải uống thuốc, tập thể dục cũng như mang theo một túi thuốc để uống hàng ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn dành hai ngày chỉ ở Leh để quen độ cao cũng như khí hậu nơi đây.

“Đến Ladakh mà đi ôtô là một sự phí phạm”, đó là câu nói của những người đi trước nên chúng tôi quyết định thuê xe máy để khám phá. Và để an toàn, cả nhóm thuê thêm một xe ôtô backup và hai người bản địa đi cùng chỉ đường cũng như để sửa chữa hỏng hóc. Có những khu vực tại đây cả vài trăm cây số không có cửa hàng xăng dầu, cũng như không có khách sạn, hàng quán nên có người bản địa đi cùng là điều cần thiết.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 2

Ngày thứ 2 sau khi đến Leh, chúng tôi làm quen với chiếc xe, hành trình đến Khardung la, ngọn đèo cao nhất thế giới với độ cao lên đến hơn 5.600 m. Đã được dặn trước nhưng vẫn không thể tin được thời tiết lại có thể thay đổi đến chóng mặt như vậy, càng lên cao nhiệt độ càng thấp, giảm xuống âm độ C. Trời rét căm căm kèm sương mù và có tuyết đầu mùa. Khi lên đến đỉnh đèo, tuyết rơi khá dày, sương mù và tay tê cóng, khó khăn lắm mới có thể bóp côn xe. Chỉ ngày thứ hai chúng tôi đã biết mình sẽ trải qua những thử thách nào trong chuyến đi lần này.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 3

Ngày thứ ba, chúng tôi di chuyển đến hồ Pangon, hồ nước lợ nằm ở độ cao 4.200 m, một trong những hồ nước lợ cao nhất thế giới và là nơi quay bộ phim nổi tiếng “Ba chàng ngốc”. Trên đường đi, tuyết đã bao phủ gần như các ngọn núi, đường hơi trơn khi tuyết bắt đầu tan chảy. Nhưng bù lại, cung đường tuyệt đẹp khiến tất cả chúng tôi trở nên phấn khích tột độ.

Cung đường đến hồ Pangon không xa nhưng vì tắc đường mất gần hai giờ cho xe quân đội chạy qua nên khi đến nơi trời đã tối mịt. Tôi và người bạn đi cùng lạc mất đoàn, không điện thoại, không bản đồ, và người dân tại đây thì không biết tiếng Anh. Vậy mà chúng tôi không hiểu sao có thể mò ra đúng được cái trại nơi cả lũ sẽ cắm trại qua đêm tại đây. Thật là một điều kì diệu.

Địa điểm cắm trại ngay phía hồ gió thổi mạnh làm các lều rung lên bần bật, nhưng bù lại, chỉ cần ngẩng đầu lên là thấy được cả một dải ngân hà trước mặt, gần đến nỗi tôi cảm thấy ngộp thở. Một vẻ đẹp không dễ gì có thể chiêm ngưỡng được trong đời. Tôi trải qua buổi đêm trong lều đầy khó nhọc, mặc một đống quần áo, đeo 3 miếng giữ nhiệt và 2 cái chăn vậy mà vẫn rét cóng, mũi thì chảy máu vì lạnh. Nhưng đến sáng, bạn sẽ hiểu vì sao nơi này lại nổi tiếng đến vậy. Một hồ nước xanh ngắt được bao quanh bởi các ngọn núi phủ tuyết. Khung cảnh đẹp đến mê mẩn khiến tôi chỉ muốn ở lại đây thêm ngày nữa. Nhưng các khu lều sau hôm nay đều sẽ đóng cửa vì mùa đông sắp đến. Chúng tôi đành trở về Leh và hứa sẽ quay lại đây trong thời gian gần nhất.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 4

Người dẫn đoàn thay vì cho cả nhóm trở lại khách sạn như cũ lại đổi địa điểm đến một khu lều cách trung tâm khoảng 15 km, khi đến nơi trời tối và lạnh. Khu lều thì ở một nơi gần giống như bãi đá sông Hồng, trời tối đường rất khó đi nên cả nhóm đều không hiểu vì sao lại chọn nơi này, thay vì khu trung tâm có nước nóng, các quán ăn ngon mà lại chọn nơi khỉ ho cò gáy này. Hơn nữa, địa điểm ngày hôm sau của chúng tôi, Zanskar, vùng đất mà khi chúng tôi nói rằng sẽ đi bằng xe máy thì tất cả các du khách đã trải qua đều ra sức can ngăn. Cung đường xấu nhất, xa xôi nhất, hiểm trở nhất mà hầu hết mọi người đều chọn đi ô tô. Nhưng cuối cùng cả đám vẫn quyết định đi và đồng ý rằng nếu cảm thấy không thể đi được sẽ trở về.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 5

Trên ảnh là Rangdum lúc bình minh, một vùng đất cao 4.010 m, nơi chúng tôi nghỉ chân trên đường đến Zanskar, bốn bề được bao quanh bởi các dãy núi.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 6

Sáng hôm sau, khi đã trải qua một bữa ăn có đầy đủ thịt thà, rau củ (một phần do chúng tôi mua ở chợ mang đến để tự nấu) và giấc ngủ ngon lành trong lều sau mấy ngày lái xe, cả nhóm lại một lần nữa choáng ngợp trước khung cảnh nơi đây. Chúng tôi đang cắm trại giữa những rặng cây đang chuyển màu vàng của mùa thu, dòng suối trong vắt chảy nhẹ nhàng qua các rặng cây. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây đẹp đến mức chúng tôi còn suýt bỏ ý định đi Zanskar để ở lại đây thêm.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 7

Trên đường đến Zanskar bằng xe máy, chúng tôi đi qua các vùng đất đã bắt đầu chuyển mình theo mùa thu, các hàng cây đã bắt đầu ngả vàng lung linh trong nắng, những ánh mặt trời đã dịu bớt, không khí ban đêm se lạnh. Quãng đường hai ngày đầu đẹp như trong tranh khiến chúng tôi thả mình theo cung đường, còn tự nghĩ rằng cung đường đẹp như thế này sao lại bị mọi người cảnh báo là xấu và nguy hiểm. Những dòng sông trắng xoá chảy hai bên thung lũng, đâu đó là những rặng cây lá vàng đung đua trong nắng. Bầu trời thì xanh ngắt, tất cả đều đồng ý rằng quyết định đi Zanskar là vô cùng xứng đáng.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 8

Những con đường bắt đầu đầy đá dăm, rồi sau đó ổ gà, ổ voi, những tảng đá to tướng giữa đường, những con đường... mà không ai nghĩ đấy là đường. Bất cứ chỗ nào bạn có thể tìm được không gian để lái xe vào thì đấy... có lẽ chính là đường. Tốc độ trung bình của chúng tôi chỉ còn 20 km/h. Nhưng bù lại, bạn có thể lần đầu được chiêm ngưỡng tận mắt những dòng sông băng hùng vĩ, những khung cảnh có lẽ bạn chỉ thấy được trên phim ảnh, hay các kênh khám phá của nước ngoài. Được thấy dòng sông băng khổng lồ đến nhường này có lẽ cũng đã làm thoả mãn phần nào mỗi người chúng tôi. Khi đến được Zanskar, chúng tôi hò reo vui mừng vì đã chinh phục được con đường kinh khủng đó.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 9

Thay vì ở 2 lại đêm như đã định, chúng tôi lại quyết định một kế hoạch mới, chỉ ở lại đây một đêm và quay trở về ngôi làng cách đó chừng 50 km để ở nhà người dân. Đây có lẽ là một trong những quyết định đúng đắn. Ngôi nhà chúng tôi ở nằm trong một ngôi làng nhỏ, ở đây mỗi nhà đều đào cho mình một rãnh nước chảy từ suối qua, mọi sinh hoạt như rửa bát, rửa rau củ, hay vệ sinh cá nhân đều được thực hiện ở rãnh nước này.

Vì quá thèm thịt và rau, chúng tôi tự mò vào mảnh vườn be bé nơi nghỉ qua đêm, đào những củ khoai tây bé bằng quả trúng cút, hay mua nguyên một đùi cừu đem nướng ngay trong vườn. Cả hai vali đồ ăn chúng tôi mang theo từ Việt Nam đã gần cạn, người dân ở vùng đất này theo ba đạo. Một đạo không ăn thịt lợn, một đạo không ăn thịt bò, và một đạo thì ăn chay. Vì vậy đồ ăn ở đây không có nhiều, rau củ cũng hiếm, và những nơi chúng tôi đi qua thì hầu như đều chỉ ăn chay. Những người theo chủ nghĩa “meat love” như chúng tôi đã tìm đủ cách để kiếm cho mình những tảng thịt ở đây và tự chế biến tại bếp của họ. Những ngôi nhà nhỏ nhắn, trên nóc được xếp đầy rơm, củi khô, phân bò cho một mùa đông sắp đến, chúng tôi đã được trải nghiệm những gì là gần gũi, giản dị nhất tại đây. Một trải nghiệm khó quên cho cả nhóm.

Trên ảnh là một cậu bé chúng tôi gặp trên đường.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 10

Ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu hành trình gian khổ quay lại con đường “kinh khủng” để trở về Leh. Có người còn đùa hay gọi trực thăng để đưa cả lũ về. Trời bắt đầu có mây mù và có vẻ có tuyết. Chúng tôi bằng một cách nào đó lê lết qua được qua con đường gian khổ, quần áo bạc phếch vì bụi và cái lạnh thấu xương. Một điều không ngờ nhất đã xảy ra, những tưởng lại là một nơi ngủ tạm bợ như những ngày trước nhưng không. Một căn nhà hai tầng đẹp đẽ còn nguyên mùi sơn, những căn phòng ấm áp, nệm êm, có hẳn nước nóng trong phòng tắm. Ngoài ra còn có cả một phòng nhỏ trải đệm để uống trà, với view là những dãy núi phủ tuyết.

Cả lũ tần ngần không tin vào mắt mình, chúng tôi còn không dám bước vào vì cả lũ quá bẩn thỉu so với một chỗ ở thần tiên đến vậy. Khi cả nhóm vừa tắm xong, chúng tôi nhận được lời mời của chủ nhà sang khu nhà của ông để uống trà chiều. Các bạn có tin được không, chúng tôi vừa trải qua những con đường kinh khủng, ăn những thứ thức ăn mà cố lắm mới ăn được vậy mà giờ đây chúng tôi được mời uống trà chiều, nơi có trà, bánh, mứt mơ thơm ngon trong căn phòng rộng rãi, ấm cúng. Tôi còn được xem bóng đá ngoại hạng Anh tại đây, một điều xa xỉ mà không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng ra.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 11

Trên đường về chúng tôi còn đi qua Lamayuru - nơi được gọi là Moon land - vì địa hình ở đây giống ở trên mặt trăng. Nhưng với chúng tôi, những khung cảnh hùng vĩ trên chuyến hành trình từ ngày đầu đến đây vẫn còn quá ngây ngất. Những con người vô cùng thân thiện mời chúng tôi đến nhà, những tu viện cổ từ hàng nghìn năm trước, những ngọn núi hùng vĩ phủ tuyết, hay bầu trời đầy sao. Tất cả những thứ đó đã khiến chúng tôi mê mẩn vùng đất này.

Hành trình khó quên đến Ladakh của nhiếp ảnh gia Việt - 12

Một cô gái chăn dê mà chúng tôi gặp trên đường.

Giờ thì tôi đã hiểu, những người bạn tôi có những người không đi đâu hết, chỉ muốn quay lại đây hết lần này đến lần khác, để được trải nghiệm những khung cảnh như thế này.

Tuấn Đào (VnExpress)