Mì ăn liền tăng giá chóng mặt tại Miền Tây, nhiều tỉnh điều tiết để tránh cháy hàng
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:40, 02/09/2021
Mì ăn liền tăng giá chóng mặt tại nhiều tỉnh Miền Tây
Liên tiếp những ngày đầu tháng 9, giá mì ăn liền đã tăng chóng mặt từ 50% đến gần 100% khiến người tiêu dùng bất ngờ.
Anh Xuyên (ngụ Vĩnh Long) cho biết mấy nay tìm mua mì ăn liền khá khó khăn, không chỉ tại chợ mà còn cả hệ thống siêu thị khi nguồn cung dường như rất ít mà giá cả thì trên trời.
"Một thùng mì ăn liền tôi hay ăn trước kia giá từ 70.000 đồng/thùng 30 gói 65g thì nay đã lên gần 100.000 đồng mà vẫn khó mua. Nếu mua lẻ thì tạp hóa tính từ 3.000 đồng đến 3.500 đồng/gói, có loại lên gần 5.000 đồng/gói", anh Xuyên nói.
Tại Kiên Giang, theo anh Toàn (TP. Rạch Giá), việc tìm mua mì ăn liền tại đây cũng rất khó mà giá cũng tăng đáng kể.
"Tôi mua để đi trao quà ở huyện cũng tìm đỏ mắt mới có loại 95.000 đồng/thùng, tăng khoảng 30.000 đồng/thùng thời điểm trước dịch".
Ghi nhận tại nhiều thị trường, loại mì 65g trong giai đoạn tháng 8 vẫn còn giá tầm 63.000 đồng/thùng/30 gói thì nay bỗng tăng lên gần 110.000 đồng/thùng mà vẫn khó mua.
Riêng với loại mì 85g thì giá dao động từ 125.000 đồng/thùng/30 gói trở lên. Loại mì giấy loại thùng 100 gói cũng tăng đáng kể khi ở mức từ 250.000 đồng/thùng so với trước kia chỉ 207.000 đồng/thùng.
Theo một nhà phân phối kinh doanh mì ăn liền tại Vĩnh Long, tình hình khan hiếm hàng đúng là có xảy ra những ngày gần đây bởi chuỗi cung ứng bị hụt.
"Mỗi lần về cũng chỉ vài trăm thùng mà còn chia cho nhiều đại lý, cửa hàng tạp hóa nên nguồn cung hạn chế, chưa kể chi phí tăng cao nên đẩy giá mì lên theo".
Chấn chỉnh tình trạng mì ăn liền tăng giá, khan hàng
Thông tin từ Sở Công thương Vĩnh Long thống kê cho thấy, mặt hàng mì gói hiện tăng từ 10 - 25% so với trước do nhu cầu tiêu thụ tăng cao từ 2 tháng qua.
Cụ thể, mì Tiến vua 53.000 - 60.000 đồng/thùng, mì Kokomi 65gram giá 60.000 - 80.000 đồng/thùng, mì 3 Miền thường giá 80.000 - 110.000 đồng/thùng, mì Hảo Hảo có giá 93.500 - 125.000 đồng/thùng, mì 3 Miền gold 115.000 - 130.000 đồng/thùng, mì Omachi 180.000 - 190.000 đồng/thùng, mì Colusa giá 300.000- 320.000 đồng/thùng... Mức giá này theo nhiều tiểu thương cho biết đã tăng từ 30% đến gần 90% cho một số loại mì ăn liền hiện có.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, trong thời gian giãn cách, một số mặt hàng thực phẩm đóng gói như mì gói, cháo gói, miến, phở, hủ tiếu… tại một vài tiệm tạp hóa, điểm kinh doanh các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có tình trạng hết hàng cục bộ, một phần trong đó là khâu vận chuyển gặp khó khăn nên lượng hàng đôi khi có những rất ít không đủ nhu cầu.
"Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ làm việc với các đại lý, nhà phân phối để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, găm hàng, tăng giá đột biến. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra quản lý, theo dõi địa bàn, nếu phát hiện nơi nào tăng giá vượt mức quy định sẽ xử lý kịp thời", ông Kiên nhấn mạnh.
Tại Kiên Giang, đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết đơn vị cũng thường xuyên bám sát địa bàn để tuyên truyền thực hiện nghiêm việc niêm yết và bán đúng giá, bên cạnh không đầu cơ, găm hàng, tăng giá vượt mức quy định, trong đó có mặt hàng mì ăn liền.
Một nhà phân phối mì ăn liền tại Tiền Giang thông tin, thị trường hiện đang thiếu mặt hàng mì gói 3 Miền bởi ảnh hưởng COVID-19 nên chỉ hoạt động tối đa 50% công suất.
Riêng Hảo Hảo do bị ảnh hưởng thương hiệu cùng bất lợi trong phương án sản xuất 3 tại chỗ nên sản phẩm còn khó đầu ra.
Với các mặt hàng mì gói như Kokomi, Unif, Tiến Vua, Cung Đình,... hiện vẫn đáp ứng đầy đủ cho thị trường dù nguồn cung thời điểm có phần hạn chế.
Xử lý mạnh tay tình trạng bán thêm hàng hóa khác khi mua mì ăn liền
Song song với việc cháy hàng tăng giá, người tiêu dùng tại một vài tỉnh Miền Tây phản ánh còn gặp tình trạng phải thêm tiền mua hàng hóa khác nếu muốn mua mì ăn liền.
Nếu như tình trạng mua mì Hảo Hảo phải kèm rau đã được phản ánh tại một siêu thị tại TP.HCM thì tại Vĩnh Long, nhiều khách hàng cũng khá bất ngờ khi mua mì ăn liền 3 Miền của Uniben phải mua kèm nước giải khát BONCHA Mật Ong theo tỷ lệ 24 thùng mì loại 30 gói mua kèm 3 thùng nước.
Tình trạng này cũng gặp với một vài loại mì ăn liền bắt phải kèm theo mua hạt nêm tại Kiên Giang khiến người dùng bất bình dọa tẩy chay sản phẩm. Vấn đề này sau đó đã được Sở Công thương chấn chỉnh để tránh tâm lý lo ngại từ người tiêu dùng cho mặt hàng không có nhu cầu vẫn phải mua.