Chống phân biệt chủng tộc: Hãy cam kết bảo đảm bình đẳng, công bằng và nhân phẩm cho mọi người

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:12, 01/09/2021

Ngày 31/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc nhân Ngày Quốc tế về người gốc Phi (31/8).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: Reuters)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi mọi người dân, chính phủ trên thế giới cần hành động khẩn cấp nhằm cam kết loại bỏ tận gốc nạn phân biệt chủng tộc. (Nguồn: Reuters)

Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, đây là dịp để thế giới nhắc lại những đóng góp to lớn của những người gốc Phi trong mọi lĩnh vực.

Theo ông, người gốc Phi đã phải chịu sự bất công và phân biệt đối xử mang tính hệ thống trong nhiều thế kỷ và tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt cho đến ngày nay. Mọi người dân, chính phủ trên thế giới cần hành động khẩn cấp nhằm cam kết loại bỏ tận gốc nạn phân biệt chủng tộc.

Ông Guterres kêu gọi: “Cùng nhau, chúng ta hãy cam kết thực hiện phần việc của mình và bảo đảm sự bình đẳng, công bằng và nhân phẩm cho tất cả mọi người”.

Dự kiến, LHQ sẽ tổ chức hội nghị về chống phân biệt chủng tộc trong tháng 9 tại New York (Mỹ) nhằm kỷ niệm 20 năm sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Durban (Nam Phi) năm 2001 và thông qua "Tuyên bố Durban và Chương trình hành động" về chống phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, Pháp mới đây cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không tham dự hội nghị này của LHQ.

Hội nghị Durban năm 2001 dù đã thông qua kế hoạch hành động chống lại nạn phân biệt chủng tộc, nhưng lại kết thúc trong mâu thuẫn gay gắt do các cáo buộc bài Do Thái bắt nguồn từ Mỹ và Israel.

Tình trạng bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề liên quan sự phân biệt đối xử và kỳ thị sắc tộc tiếp diễn trong nhiều kỳ hội nghị sau đó và kéo dài đến thời điểm hiện tại.

Nhiều quốc gia đã tẩy chay sự kiện này vì lo ngại hội nghị có thể bị “sử dụng như một diễn đàn phục vụ những lợi ích khác”.

An Chu