Cập nhật Covid-19 ngày 1/9: Biến thể Delta lây lan mạnh trước Tết Trung thu; biểu tình chống thẻ xanh ở Italy; biến thể Mu có khả năng kháng vaccine

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:49, 01/09/2021

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 218,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,53 triệu trường hợp tử vong và gần 195,4 triệu bệnh nhân bình phục.
Ngân sách năm 2022 của Hàn Quốc có thể lên tới hơn 500 tỷ USD
Số ca mắc mới Covid-19 đang tăng và biến thể Delta lây lan mạnh trước kỳ nghỉ Tết Trung Thu ở Hàn Quốc. (Nguồn: Reuters)

Tại Mỹ, quốc gia này là nước chịu tác động mạnh nhất bởi Covid-19, số ca mắc đã vượt mốc 40 triệu người. Cụ thể, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 40.108.986 ca mắc, trong đó có 657.892 ca tử vong.

Đáng chú ý, sự lây lan của biến thể Delta đã khiến số ca mắc tại Mỹ tăng trở lại. Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận 152.935 ca trong tổng số 601.144 ca mắc mới trên toàn cầu, đứng đầu thế giới. Số ca tử vong mới tại Mỹ là 1.214 ca.

Đứng thứ hai là Ấn Độ với 32.810.892 ca mắc và 439.054 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil khi nước này ghi nhận 20.777.867 ca, trong đó có 580.525 ca tử vong.

* Tại châu Á

Ngày 1/9, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo số ca mắc mới Covid-19 ở Hàn Quốc đã tăng trở lại mức hơn 2.000 ca và biến thể Delta đang lây lan mạnh trước kỳ nghỉ Tết Trung thu trong tháng này.

Theo KDCA, Hàn Quốc đã phát hiện thêm 2.025 ca mắc mới, trong đó có 1.992 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm lên 253.445.

Trong số 3.455 ca nhiễm các biến thể virus SARS-CoV-2 được thống kê trong khoảng thời gian từ ngày 22-28/8, biến thể Delta chiếm tới 99,2%.

Nước này đang lên kế hoạch tăng cường biện pháp phòng dịch đến hết tháng 9, tháng có kỳ nghỉ Tết Trung thu.

Trong khi đó, số ca mắc mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm nhưng số lượng bệnh nhân nặng vẫn tăng cao kỷ lục ngày thứ 19 liên tiếp.

Ngày 31/8, nước này phát hiện thêm 17.713 ca mắc mới trên toàn quốc, giảm 3.827 ca so với một tuần trước đó.

Hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở Nhật Bản là 1.460.046 ca, tăng 153.953 ca so với một tuần trước đó.

Trong 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, thủ đô Tokyo là địa phương có số ca mắc nhiều nhất (338.750 ca). Tiếp theo là Osaka (164.773 ca), Kanagawa (144.508 ca) và Saitama (98.953 ca).

Myanmar gia hạn các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với du khách cho tới ngày 30/9.

Tính tới ngày 31/8, Myanmar đã ghi nhận tổng cộng 399.282 ca mắc Covid-19, sau khi có thêm 3.399 ca mắc mới.

Với việc ghi nhận thêm 102 ca tử vong, hiện Myanmar đã có 15.389 trường hợp tử vong do Covid-19, trong khi 351.372 bệnh nhân đã khỏi hồi phục.

Hai tuần qua, Malaysia đã tiến hành giải trình tự gen đối với 265 mẫu xét nghiệm Covid-19 và xác nhận tất cả đều nhiễm biến thể Delta.

Bộ Y tế Malaysia cho biết thêm cho tới nay Malaysia đã phát hiện 1.201 ca nhiễm biến thể đáng quan ngại (VOC) và 20 trường hợp nhiễm biến thể cần lưu ý (VOI).

Trong 1.201 ca nhiễm VOC có 978 ca nhiễm biến thể Delta, 209 ca nhiễm biến thể Beta và 14 trường hợp nhiễm biến thể Alpha.

Trước tình hình biến thể mới lây lan, Hong Kong (Trung Quốc) đang thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người dân và không loại trừ khả năng áp dụng “thẻ thông hành sức khỏe”.

Trong thời gian tới, Hong Kong có thể sẽ yêu cầu các cơ sở chỉ đón tiếp những người đã tiêm chủng.

Đồng thời, “thẻ thông hành sức khỏe” cũng có thể giúp kịp thời truy vết và ngăn chặn chuỗi lây lan, đạt được trạng thái “zero Covid-19”.

* Tại Trung Đông-châu Phi

Israel thông báo sẽ triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho quân đội.

Theo đó, những người đã tiêm mũi thứ hai 5 tháng trước đó là đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường.

Israel cho biết có tới 2.880 binh sĩ mắc Covid-19 và 3.616 binh sĩ phải cách ly tại nhà để theo dõi.

Trong khi đó, Ai Cập đang đẩy mạnh sản xuất vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) nhằm đạt mục tiêu tiêm phòng cho hơn 100 triệu người dân trước nguy cơ làn sóng thứ tư bùng phát, đồng thời sớm trở thành trung tâm xuất khẩu vaccine sang các nước châu Phi khác.

Chính phủ Ai Cập đang chuẩn bị các cơ sở mới để có thể sản xuất vài triệu liều vaccine/ngày, bên cạnh việc đàm phán với một số nhà cung cấp vaccine của châu Âu nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

Đến nay, Ai Cập ghi nhận hơn 288.000 ca, trong đó có 16.727 ca tử vong. Các chuyên gia y tế Ai Cập dự báo đỉnh làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 ở nước này sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 tới.

* Tại châu Âu

Ngày 31/8, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã lên án "bầu không khí hận thù" chống lại chiến dịch tiêm chủng, sau khi nhận được những lời “dọa giết” trên mạng xã hội.

Các cuộc biểu tình phản đối thẻ xanh của Italy đang được lên kế hoạch tại 54 ga tàu hỏa trên khắp đất nước vào ngày 1/9, ngày mà các quy tắc đi lại mới có hiệu lực.

Ireland sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 22/10 sau 18 tháng áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19.

Cụ thể, nước này sẽ thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại theo giai đoạn, trước mắt là nới lỏng hạn chế đối với các sự kiện trong nhà và ngoài trời và các cuộc tụ tập quy mô lớn từ ngày 6/9.

Thống kê chính thức cho thấy gần 90% người trưởng thành tại Ireland đã tiêm đủ liều vaccine.

Cùng ngày, Ireland đã công bố tài trợ bổ sung 1 triệu Euro (1,18 triệu USD) cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Cho tới nay, sự đóng góp của Nhóm châu Âu gồm Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên EU và các tổ chức tài chính trong khối, cho chương trình COVAX đạt gần 3 tỷ Euro, bảo đảm ít nhất 1,8 tỷ liều vaccine cho các quốc gia nghèo trên thế giới.

Đến nay, 218 triệu liều vaccine Covid-19 đã được phân phối đến 138 quốc gia thông qua COVAX.

Nhóm châu Âu cam kết chia sẻ thêm 200 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, đặc biệt là thông qua cơ chế COVAX.

* Ngày 31/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 đầu năm, có tên gọi B.1.621.

B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, đã được WHO phân loại là “biến thể đáng quan tâm” có khả năng kháng vaccine, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này.

Sau khi bùng phát ở Colombia hồi đầu năm, biến thể Mu đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu.

WHO cho biết biến thể Mu chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở Colombia, tỷ lệ này là 39%.

* Kết quả một nghiên cứu khoa học công bố ngày 31/8 tại Mỹ cho thấy những người nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ viêm cơ tim cao gấp 16 lần so với những người đã tiêm vaccine.

Theo các nhà nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim ở bệnh nhân Covid-19 xuất hiện rõ ràng nhất ở những người dưới 16 tuổi, cao gấp 37 lần so với những người không mắc ở cùng nhóm tuổi.

CDC Mỹ cũng kết luận rằng việc tiêm vaccine Covid-19 đem lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ, ngay cả đối với những đối tượng rủi ro cao nhất.

Duy Phương