Ngân hàng ồ ạt bán cổ phiếu tăng vốn hoạt động, dồn lực cho tín dụng cuối năm

Kinh doanh - Ngày đăng : 10:36, 01/09/2021

HDBank, SeABank, MBBank... đang có động thái mạnh tay cho việc chào bán và chuyển nhượng cổ phiếu trong tháng 9 để dồn lực cho tín dụng hứa hẹn tăng trưởng mạnh vào cuối năm.

Trong phương án tăng vốn 2021 và 2022, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank - HDB) vừa trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ việc phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 40 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cho cán bộ nhân viên ngân hàng để tăng vốn điều lệ thêm 400 tỷ đồng.

Cuối tháng 8 vừa qua, HDBank đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tỷ lệ 25%. Vốn điều lệ của ngân hàng cũng tăng thêm hơn 3.984 tỷ đồng lên gần 20.073 tỷ đồng.

ngan-hang-o-at-ban-co-phieu-de-tang-von-hoat-dong-don-luc-cho-tin-dung-cuoi-nam(1).jpg
HDBank dự kiến huy động thêm hơn 2.000 tỷ đồng phục vụ cho vay dài hạn.

Với số vốn điều lệ được bổ sung, HDBank có kế hoạch dùng 2.000 tỷ đồng để cho vay trung dài hạn và phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng.

HDBank hiện là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,8%, thuộc nhóm ngân hàng có nợ xấu thấp nhất. Hiệu quả quản trị và hiệu suất sinh lời được nâng cao với lãi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROAE) tăng mạnh từ 21,6% lên 25,6%. Lãi ròng trên tổng tài sản (ROA) tăng từ 2% lên 2,1%.

Nằm trong kế hoạch huy động thêm hơn 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - SSB) cũng đã thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành 136 triệu cổ phiếu SSB cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 58% so với thị giá của SSB trên thị trường chứng khoán. Với phương án này, sau khi được chấp thuận, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng từ 13.434 tỷ đồng lên hơn 14.784 tỷ đồng.

ngan-hang-o-at-ban-co-phieu-de-tang-von-hoat-dong-don-luc-cho-tin-dung-cuoi-nam-1.jpg
SeABank sử dụng 2.040 tỷ đồng huy động thêm từ cổ phiếu để cho vay tín dụng doanh nghiệp và cá nhân.

Trong lần huy động này, SeABank dự kiến thu về 2.040 tỷ đồng, trong đó sẽ dùng 1.540 tỷ đồng để cho vay khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, 500 tỷ sẽ đầu tư trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu Chính phủ.

Con số 352,5 triệu cổ phiếu cũng được Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) dự kiến phát hành để tăng vốn lên 15.275 tỷ đồng trong quý 3 và quý 4 năm nay.

Theo MSB, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn cho Ngân hàng, đồng thời nâng cao năng lực tài chính để đầu tư vào các dự án chiến lược như ngân hàng số, thay mới core-banking, hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong trong giai đoạn 2021 - 2023.

ngan-hang-o-at-ban-co-phieu-de-tang-von-hoat-dong-don-luc-cho-tin-dung-cuoi-nam-2.jpg
MSB tăng vốn cho mục tiêu chuyển hướng ngân hàng số.

Tính đến 30/6/2021, lũy kế MSB đạt hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 3 lần với cùng kỳ, hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021. Tổng tài sản đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm, hoàn thành 96% kế hoạch năm. Riêng chỉ số ROAA và ROAE đều khả quan, tương ứng đạt 2,08% và 20,9%.

Trong một thông tin liên quan, ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - MBB) vừa đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu cho mục đích cá nhân. Nếu giao dịch thành công, ông Minh sẽ giảm sở hữu tại MBBank từ hơn 3 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 0,08% vốn điều lệ xuống còn hơn 1 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 0,03% vốn điều lệ.

MBBank đang là ngân hàng có mức dự phòng rủi ro cao trong toàn ngành. Tính đến hết quý 2/2021, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu của MBBank đạt tới 310%.

Kết thúc quý 2/2021, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.406 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng MBBank đạt 7.986 tỷ đồng, tăng 56% và hoàn thành 61% chỉ tiêu sau nửa đầu năm. Sau khi trừ đi các khoản thuế phí phải nộp, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng nửa đầu năm 2021 tăng 55%, đạt gần 6.149 tỷ đồng.

Võ Thanh Bình