Sài Gòn, những ngày vừa đi vừa khóc
Xã hội - Ngày đăng : 16:19, 31/08/2021
Tờ giấy “một cung đường hai điểm đến” cho phép tôi thỉnh thoảng đi từ nhà đến trường làm nhiệm vụ. Cung đường bình thường chỉ 10 phút rộn ràng, nhưng giờ với tôi là rất căng thẳng. Vì đã chặn chốt nhiều hẻm nên tôi luôn phải đi qua 2-3 bệnh viện lớn của thành phố trên con đường ấy.
Gần 3 tháng nay, tôi lần lượt chứng kiến các bệnh viện từ phong tỏa, đến ngăn đôi, rồi dần dần chuyển sang chuyên trị Covid-19, chứng kiến xe cấp cứu xếp hàng ở cổng bệnh viện, có hôm thấy cả bệnh nhân thở khó nhọc trên xe. Giờ thì trước cổng bệnh viện không chỉ có xe cấp cứu, mà có cả một xe của trại hòm chờ sẵn.
Nói chuyện nhà gần bệnh viện, tôi phải cảm ơn bác trưởng ban tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh lắm. Cách đây mấy hôm bác cho ý kiến các xe cấp cứu chỉ nháy đèn không nên hú còi nữa nếu đường không có ai, bởi tiếng xe liên tục hú trong không gian yên tĩnh đến lặng người thực sự là nỗi ám ảnh đối với dân Sài Gòn.
Cung đường bình thường chỉ 10 phút rộn ràng, nhưng giờ với tôi là rất căng thẳng.
Ngày nào tôi cũng tập yoga trên tầng, nhưng đến đoạn tọa thiền tập thở thì lâu lắm rồi tôi không làm được, vì đếm nhịp thở cũng là đếm tiếng còi xe, thấy tần suất mà lòng nặng trĩu. Mấy nay nhờ bớt tiếng còi xe nên có hôm tôi được nghe tiếng gió, tiếng chim hót lanh lảnh giữa lúc 11h, gọi là “trưa trầy trưa trật”, hót gì nữa không biết, cứ làm như mới sáng ban mai.
Hôm nọ cô bạn thân tôi hỏi thăm và nói "Thôi giờ cứ cầu mong không dính bệnh mày ạ". Tôi trả lời “Mày ơi, giờ mong ước của dân Sài Gòn “cụ thể” hơn nhiều lắm: mong không bị F0, bị thì nhẹ, nặng thì được hỗ trợ, nặng hơn thì được nằm viện, nằm viện thì có phương tiện cấp cứu, và lỡ có sao thì mọi việc được chu toàn, không phải chờ đợi lạnh lẽo ở container…, đau lòng cả người đi và người ở lại.
Mọi người nghe một ngày mấy ngàn ca nhiễm, mấy trăm ca tử vong đều thấy sợ phải không, nhưng với người Sài Gòn bây giờ, đó không chỉ là các con số nữa mà là người thân, đồng nghiệp, bạn bè, sinh viên, những cái tên, những con người cụ thể, những ký ức rất rõ ràng.
Tết này, đã có hàng ngàn người lớn tuổi ở Sài Gòn không thể cùng con cháu đón Tết sang, cũng có nhiều bạn trẻ không còn được tiếp tục những ước mơ hay chỉ đơn giản là không được uống cà phê vỉa hè và ăn cơm tấm bánh mì nữa.
Tôi cảm nhận rõ ràng Covid-19 ngày càng siết chặt thành phố. Cách đây hơn một tháng, thành phố “băng bó” thấy thương, giờ thì rào kẽm gai chia vùng, đỏ thì lo lắng và xanh cũng bất an, màu có thể đổi bất kỳ lúc nào nếu chủ quan. Mình có ở vùng xanh mà người thân ở vùng đỏ thì cũng làm sao yên lòng được.
Cách đây hơn một tháng, thành phố “băng bó” thấy thương, giờ thì rào kẽm gai chia vùng, đỏ thì lo lắng và xanh cũng bất an.
Những ngày đầu nỗi lo âu cũng trọng đại lắm, lo dự án giảm tốc độ triển khai, lo giảm thu nhập, lo biết bao giờ mới được tung tăng đi lại như xưa. Giờ đây nỗi lo trở nên “nhỏ mọn” hơn nhiều, lo tuần tới có đủ đồ ăn không, máy giặt máy bơm máy lạnh trong nhà lỡ hỏng làm sao sửa. Thậm chí, chị em còn lo… đến tháng không có gì mà dùng khi không đi siêu thị và cửa hàng tiện ích được nữa.
Tôi nhớ có hôm hai đứa con tôi đang nô đùa, chạy ầm ầm ở cầu thang thì bị tôi quát ầm ĩ, bắt ngồi im, chơi ipad cũng được nhưng không được chạy nhảy, đơn giản lúc đó có ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi “Lỡ ngã gãy tay chân sao đi bệnh viện được?". Thấy chúng ngơ ngác tôi biết mình vô lý, nhưng đó là thực tế chúng tôi đang phải đối mặt.
Nhớ lại năm ngoái cũng thời điểm này tôi bị bệnh, chần chừ tự chữa mãi rồi đi mới đi khám và chữa trị khá lâu, tôi rùng mình chợt nghĩ nếu là năm nay, chắc tôi đã không dám đi bệnh viện và có thể bị nặng hơn rất nhiều.
Tâm trạng tôi những ngày này thất thường, nhiều khi mới vui lên được chút thì lại chùng xuống vì những tin nhắn buồn. Nhiều hôm nấu được món ngon, nồi phở bò giữa mùa khan hiếm, chưa kịp khoe trên Facebook thì nhận tin nhắn “em ơi, chị ơi,… đã F0 rồi, nhà em phong tỏa rồi, em trai chị ý, mẹ bạn ấy đã mất rồi”, thế là chả còn muốn viết gì nữa, nói gì nữa. Im lặng hình như là sự nể trọng đối với nỗi buồn, nỗi đau trong thời điểm này.
Sài Gòn, những ngày này đường phố vắng lặng, đìu hiu.
Lâu lắm không thấy mình viết gì, nhiều người thân, bạn bè ở Hà Nội, ở cả châu Âu cũng lo lắng. Chị tôi cứ len lén xem có “dấu xanh” Facebook biểu hiện nó đang "online" không, thấy xanh thì đoán nó chắc còn ổn. Có bạn sốt ruột quá hỏi chị ơi, không thấy chị viết gì, chị có ổn không? Bé ơi, em sao rồi?
Thực lòng là mình chẳng biết phải trả lời sao, cũng không dám nói rằng “Em ổn”.
Em còn là người may mắn so với bao người cơ cực ngoài kia, em đã được tiêm vắc xin, em vẫn đang có việc làm, thậm chí rất bận, em còn đủ tiền và thạo việc đi chợ online nên chưa thiếu ăn, nhưng em ổn sao được khi thành phố của em, trường của em, công ty đối tác, bạn bè, người thân quen, đang đối mặt với dịch bệnh với vô vàn khó khăn hiện tại và cả tương lai.
Nhưng, ngoài lúc “vừa đi vừa nín khóc”, người Sài Gòn vẫn phải sống, phải làm việc nhiều hơn để thích nghi với nhiều thay đổi, thậm chí cũng bắt đầu phải nghĩ đến những việc cần làm khi dịch bệnh thuyên giảm.
Than vãn, sợ hãi, trách móc chắc chắn không phải là giải pháp, thậm chí còn gây tổn thương thêm, đặc biệt việc chỉ trích khi chưa có thông tin đầy đủ và khách quan là điều tối kỵ.
Nếu không ở tuyến đầu, việc mình cần làm lúc này là cố gắng trở thành một trong những tuyến sau bình tĩnh và yên ổn nhất. Ít nhất là tự lo cho mình thật tốt để không ai phải giúp mình, khỏe hơn thì có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện có tổ chức tốt, giúp người khó khăn hơn, yếu hơn, thậm chí ngồi nhà và gửi chút đóng góp cho tuyến đầu cũng là việc nhỏ có thể làm.
Nếu không ở tuyến đầu, việc mình cần làm lúc này là cố gắng trở thành một trong những tuyến sau bình tĩnh và yên ổn nhất.
Y tế thực sự quá tải, cố gắng đừng để phải gặp họ lúc này, cố gắng tự học, tự đọc những thông tin chuẩn xác và tin cậy để không hoảng loạn. Cứ nói rằng số liệu không đúng đâu, nhưng tôi theo dõi bản đồ Covid TP.HCM hàng ngày, tôi thấy số F0 được cập nhật kỹ tới từng khu phố, có thể hơi chậm, nhưng có đấy, nhờ đó mà tôi biết hẻm nhà tôi có bao nhiêu ca và phát hiện ngày nào.
Công việc nhiều khó khăn, nhiều thứ không như ý, nhưng cứ cố làm, cố giúp nhau và hỗ trợ nhau, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Cuộc sống cũng cần sự đổi thay mạnh mẽ, những việc xưa mình làm bị coi là “hâm”, bị mắng “sạch cho lắm vào nên hay ốm”, giờ cũng thành cẩm nang tự bảo vệ mình mà các bác sỹ chia sẻ. Đấy là phải “rửa tiền mặt” bằng xà phòng, rửa trứng trước khi bỏ vào tủ lạnh, xịt khuẩn bao bọc rau trước khi cất, phơi đồ vật dưới nắng 15-20 phút trước khi mang vào nhà.
Tôi thậm chí còn ưu tiên ăn trái cây có vỏ và rửa sạch vỏ trước khi gọt, bởi các ca nhiễm từ siêu thị, từ thức ăn trực tiếp là điều đã được ghi nhận. Có hôm tôi thèm ổi, mà rửa đến sờn cái vỏ cũng chưa dám ăn, cuối cùng tôi lại trụng nước sôi rồi gọt vỏ, tự thấy mình kỹ quá, mà biết làm sao được.
Cuộc sống cũng cần sự đổi thay mạnh mẽ...
Với số ca nhiễm của Sài Gòn bây giờ và của nhiều nơi nữa, còn lâu lâu lắm mới “hết dịch” nếu chúng ta chỉ chăm chăm đếm số F0.
Chúng ta cần tiêm vắc xin nhiều nhất có thể, đặc biệt cho người già và người bệnh nền. Các F0 bị nhẹ hoặc không triệu chứng, hạn chế nhập viện, trang bị cho người dân hiểu biết chính xác nhất và các hỗ trợ y tế tốt nhất để có thể vượt qua nếu không may mắc bệnh. "F0 không hoang mang" - chia sẻ của bác sỹ Trương Hữu Khanh là khẩu hiệu tôi rất thích lúc này!
Nói đến không hoang mang, nhiều khi tôi “giận” báo chí lắm. Vẫn biết rằng mùa này “mắt thấy tai nghe”, đôi khi là thấy qua máy tính, nghe qua điện thoại, nhưng thay vì chăm chăm đếm F0, lo đánh vào nỗi hoảng sợ “toang” của dân chúng, báo chí cần có những bài phân tích kỹ, các graphic dễ thương và có tư vấn chuyên môn để hướng dẫn những việc người dân cần, như hướng dẫn đi chợ online chẳng hạn, chắc chắn sẽ khiến người dân yên tâm hơn.
Giống như tuần trước người thân người đọc báo rồi lo sợ hoảng hốt hỏi thăm tôi khi nghe tin ký túc xá trường tôi có F0. Người thân của tôi đâu có đọc được thông tin trên báo là các F0 của trường tôi sức khỏe ổn định, các em ráng sức bảo vệ luận văn, thi cử rất nghiêm túc từ bệnh viện dã chiến, từ khu cách ly. Cô giáo hỏi thăm còn dặn lại “cô giữ sức khỏe ý, tụi em tuổi 20 lo gì cô ơi”.
Nói thật lòng, những người trong vùng dịch như tôi, đang mong manh lắm đấy! Nghe người ta nói “toang như Sài Gòn” mà buồn, thấy người ta thư thái cắm hoa bày tiệc mà cũng tủi cho thành phố sầm uất của mình, đang phải cấp đông từ cọng hành trở đi để yên tâm ở nhà.
Dù sao thì, cuộc sống vẫn tiếp diễn và tái sinh!
Thế cho nên lời nhắn bất ngờ của người thầy từ xa “Mai Hương ơi Hà Nội vẫn chờ em đó” cũng làm khóe mắt mình cay cay, làm mình có thêm niềm tin rằng trong cuộc chiến mỏi mệt này, mình và thành phố của mình không cô đơn.
Tôi không thiếu thốn và cũng chưa cần đi chợ giúp, nhưng như bao “cô gái” khác của Sài Gòn, tôi cũng chờ mấy “chú bộ đội” đến phát quà, thứ thiết yếu chúng tôi cần, đôi khi không phải mớ rau bao gạo đâu, là nụ cười của họ, là cảm giác được nhận sự quan tâm đấy.
Dù căng thẳng khi thấy khẩu AK của chú bộ đội trực chốt, nhưng tôi cũng bật cười khi dân phòng, bộ đội nghiêm túc yêu cầu tôi trình giấy đi đường mà rồi lại nói “ xin lỗi chị nghe, tụi em đang làm nhiệm vụ”.
Tôi hi vọng, Sài Gòn đang ổn hơn, số người dân kêu cứu trên nhóm “Giúp nhau mùa dịch” khoảng một tuần nay có vẻ giảm đi, thông tin về việc người dân kịp thời được kiểm tra, hỗ trợ cũng nhiều hơn. Học kỳ mới online của trường đại học chúng tôi đã bắt đầu từ giữa tháng 8, và bọn trẻ phổ thông cũng sắp học online rồi, có cả sách giáo khoa điện tử hỗ trợ.
Chắc sẽ nhiều chuyện hài hước xảy ra với cô trò tụi nó, có nhiều em gặp khó khăn khi học online, nhưng rõ ràng đó là lựa chọn không tồi trong thời điểm này rồi, cố gắng giúp nhau để cùng vượt qua.
Dù sao thì, cuộc sống vẫn tiếp diễn và tái sinh!
Sài Gòn, ngày…tháng… năm không quên !