Tàu sân bay - niềm tự hào của Hải quân Ấn Độ

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:32, 31/08/2021

INS Vikrant - tàu sân bay nội địa đầu tiên do Ấn Độ sản xuất, đã bước vào giai đoạn thử nghiệm để chuẩn bị đưa vào phục vụ trong biên chế của lực lượng hải quân nước này. Không phải ngẫu nhiên mà INS Vikrant được gọi là niềm tự hào của Ấn Độ.

Tân Hoa xã dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, tàu sân bay INS Vikrant bắt đầu chạy thử nghiệm ở vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Cochin ở miền Nam Ấn Độ từ ngày 4-8 vừa qua. INS Vikrant do Cục Thiết kế Hải quân Ấn Độ thiết kế, trong khi việc chế tạo được giao cho công ty đóng tàu thuộc sở hữu nhà nước Cochin Shipyard Limited (CSL). Sau quá trình thử nghiệm, tàu sân bay này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 8-2022.

Dù được liệt vào các quốc gia đủ năng lực tự thiết kế và đóng mới một con tàu sân bay hiện đại, song INS Vikrant mới là tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ sản xuất, với hơn 76% vật liệu được gắn mác “Made in India”. Trước khi INS Vikrant ra đời, Hải quân Ấn Độ chỉ có một tàu sân bay duy nhất trong biên chế là INS Vikramaditya, được Liên Xô chế tạo cách đây khoảng 35 năm, sau này được Ấn Độ mua và tân trang lại.

Tàu sân bay INS Vikrant trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Ảnh: Indian Navy

Có lẽ cũng chính vì thế mà Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gọi chuyến chạy thử nghiệm lần này của tàu INS Vikrant là “thời điểm tự hào đối với Ấn Độ”. Theo hãng tin RT, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, một phát ngôn viên của Hải quân Ấn Độ cũng tự hào nói rằng, INS Vikrant là con tàu lớn nhất, phức tạp nhất từng được thiết kế và đóng ở Ấn Độ.

Tờ India Today cho biết thêm, tàu sân bay INS Vikrant dài 262m, bề rộng 62m, lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động lên tới 7.500 hải lý. INS Vikrant có tới hơn 2.300 khoang, có thể chở theo 1.700 sĩ quan và thủy thủ khi làm nhiệm vụ trên biển và bao gồm nhiều khoang đặc biệt được thiết kế dành cho các nữ sĩ quan.

Nhưng sức mạnh của INS Vikrant nằm ở hệ thống vũ khí hiện đại, đa dạng được lắp đặt trên con tàu này. Ước tính INS Vikrant có thể mang theo 30 máy bay chiến đấu và trực thăng, trong đó có máy bay chiến đấu MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm Kamov-31 và sắp tới là các trực thăng đa nhiệm MH-60R Seahawk do Mỹ chế tạo. Ngoài ra, tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ sản xuất còn được trang bị một số loại radar tầm xa để phát hiện tàu đối phương trên biển hoặc máy bay trên không.

Như mô tả của Chính phủ Ấn Độ, tàu sân bay INS Vikrant đang trong quá trình thử nghiệm là tài sản tiềm năng nhất trên biển và là “tài sản quân sự không gì so sánh được” của hải quân nước này.

“Mổ xẻ” nhận định này, nhà phân tích hải quân Ben Ho thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng, tàu sân bay INS Vikrant sẽ đem đến cho Ấn Độ nhiều lựa chọn hơn nhằm đối phó với những kịch bản trong tương lai, bao gồm cả tình huống xảy ra khủng hoảng giữa New Delhi và các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, theo nhà phân tích Ben Ho, việc sở hữu một hạm đội tàu sân bay lớn hơn sẽ giúp Ấn Độ tự tin và mạnh mẽ hơn trong chiến lược biển của mình.

Tương tự, Yogesh Joshi, nhà nghiên cứu tại Đại học quốc gia Singapore nhận định, tàu sân bay INS Vikrant sẽ giúp Ấn Độ tăng cường sự hiện diện, thể hiện sức mạnh lớn hơn ở Ấn Độ Dương, đồng thời trở thành công cụ đối phó với bất kỳ nguy cơ nào trong tình huống khủng hoảng. Dĩ nhiên, năng lực tấn công của hải quân nước này cũng được nâng lên trông thấy.

Một số chuyên gia khác thì lại cho rằng, INS Vikrant có thể trở thành nhân tố làm thay đổi chiến lược của bộ tứ gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ở khu vực. Theo đó, với tàu sân bay hiện đại này, Ấn Độ sẽ sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở Ấn Độ Dương, từ đó giúp Mỹ và hai thành viên còn lại trong bộ tứ “rảnh tay” hơn để tập trung cho các chiến lược khác.

TRUNG DŨNG