Từ chuyện vợ “gài bẫy” chồng vào tù, vợ chồng nên nhớ tới nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn này để tránh phải "cạn tàu ráo máng" với nhau
Gia đình - Ngày đăng : 08:02, 31/08/2021
"Gài bẫy" chồng vào tù vì mâu thuẫn
Vụ việc mua ma túy về giấu vào xe máy của chồng cũ rồi báo công an nhằm đưa người này vào vòng lao lý là câu chuyện đầy cay đắng. Theo chia sẻ, T. và anh Y. đã ly hôn từ năm 2016 nhưng vẫn sống chung với nhau như vợ chồng. Họ đã có tới 4 người con. Vì nghi ngờ chồng có quan hệ ngoài luồng nên T đã tìm mọi cách để "dạy chồng".
Không đánh ghen, chửi bới, ngăn cản mà T đã tìm mua 3 gói ma túy đá với giá 7 triệu đồng. 1 phần được T lấy hòa với nước chanh cho chồng uống, số còn lại nhét vào đuôi xe máy của chồng. Tiếp đến, T gọi cho công an báo chồng mình đang tàng trữ trái phép chất ma túy. Khi cơ quan điều tra, T đã thú nhận toàn bộ hành vi của mình.
Trước đó, cũng vì mâu thuẫn với chồng mà N.T.V, sinh năm 1982 ở Tây Hồ (Hà Nội) đã chi cả tỷ đồng để "gài bẫy" đưa chồng vào tù. V sống như vợ chồng với anh N.V.T. Trong quá trình chung sống, vì mâu thuẫn tình cảm và làm ăn, V đã nảy ý định cho ma túy vào xe ô tô của anh T để anh bị bắt.
V đã đưa phong bì và ghi rõ số nhà, biển số xe cho một cán bộ công an nhờ bắt. Người chồng bị bắt giữ nhưng sau đó cơ quan điều tra không thể chứng minh tội phạm. Khi được thả, anh T đã thu thập chứng cứ rồi tố cáo hành động vu khống của người tình. Cuối cùng, tòa án đã tuyên N.T.V 6 năm 6 tháng tù giam.
Quanh việc vợ/ chồng hoặc các cặp sống chung như vợ chồng dùng mà túy để "gài bẫy" đối phương vào tù, các chuyên gia cho rằng điều này không chỉ trái với đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Hiện nhiều sự việc xuất phát từ mâu thuẫn mà hành động mất tính người trong gia đình lại gia tăng cả về tần suất và mức độ khiến nhiều người lo ngại.
Nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, vợ chồng hết tình còn nghĩa. Việc dùng thủ đoạn để đẩy người khác vào tù tội là điều không thể chấp nhận được, chứ chưa nói người đầu gối tay ấp. Trong quá trình chung sống, vợ chồng hoặc các cặp sống chung như vợ chồng xảy ra mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Nếu cứ để mâu thuẫn tích tụ không giải quyết sẽ như quả bom có thể hẹn nổ bất cứ lúc nào. Bởi vậy, vợ chồng cần thẳng thắn trao đổi những điều mình cảm thấy khó chịu để chia sẻ với nhau, hòa giải sớm…
Trên thực tế có nhiều việc vợ chồng đánh nhau, giết nhau vì mâu thuẫn gia đình chứ không chỉ "gài bẫy" nhau như trên. Tội ác từ mâu thuẫn gia đình khó xác định trước vì thường mâu thuẫn không phải khi nào cũng phát lộ mà âm ỉ "tàn phá" quan hệ. Cùng với đó, thiếu đi kiểm soát cảm xúc, hành vi sẽ dẫn tới những hành động không đáng có.
Để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, các cặp cần nhớ:
- Vợ chồng cố gắng đừng đi tới mâu thuẫn, cần có tính nhân nhượng. Để có được điều này, vợ chồng cần có sự tự chủ tinh thần, kinh tế, có lòng độ lượng…
- Hãy nhớ khi đưa ra đòi hỏi với người khác nên tự mình nhìn rõ điều gì đã làm mình không vừa ý. Bạn cần đặt mình vào vị trí của đối phương, thay vì chỉ trách móc.
- Khi vợ chồng mâu thuẫn, đừng che giấu sự bực bội đến hôm sau. Mâu thuẫn bộc lộ càng sớm, ảnh hưởng lại càng nhỏ khi được hòa giải sớm. Rất nhiều người lạm dụng "chiến tranh lạnh" là vũ khí tối thượng nhưng mâu thuẫn không nói ra hay được chia sẻ dần dần lại trở thành ngọn lửa khó kiểm soát.
- Vợ chồng học cách dàn hòa với nhau. Khi cơn nóng giận qua đi, vợ chồng cần bình tâm lại để trao đổi vấn đề vừa tranh cãi. Việc dàn hòa cần phải đúng lúc chứ không sớm hơn hay muộn hơn thời điểm cần thiết. Thời điểm cần thiết này mỗi cặp vợ chồng sẽ lựa chọn từ sự nhạy cảm, trực giác của mình. Khi trao đổi, tránh dùng những từ nói bóng gió, những lời châm biếm mỉa mai, xưng hô lạnh lùng… làm đối phương thêm ức chế.
- Vợ chồng cần học cách kiên nhẫn, học các duy trì thường xuyên không khí tốt lành trong gia đình. Quan hệ tốt đẹp trong gia đình được hình thành từ những điều dường như rất nhỏ. Các gia đình hạnh phúc thường tế nhị, quan tâm lẫn nhau. Sự chung thủy, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau… sẽ tạo nên sự ổn định về tinh thần, cân bằng tâm lý trong mỗi thành viên của gia đình. Vợ chồng hiểu nhau, thông cảm, giúp đỡ nhau nhưng không dựa dẫm và cũng đừng yêu cầu điều gì khi tự mình có thể làm được.
Theo Gia đình & xã hội