Chàng trai dành hơn một thập kỷ cải tạo núi thành khu du lịch nổi tiếng
Du lịch online - Ngày đăng : 14:47, 30/08/2021
Hơn 10 năm trước, ngọn núi Heo Rừng gần làng của Abu được ví như một "kho báu bị chôn giấu" khi không có điện với nước sạch, xung quanh chỉ có sông băng, suối nước nóng và lợn rừng.
Phong cảnh ở đây tuyệt đẹp. Ban ngày có thể ngắm nhìn núi tuyết Gongga mù sương còn đêm xuống được chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao. Tuy nhiên không có nhiều người biết tới núi Heo Rừng.
Abu là một chàng trai sinh ra và lớn lên tại vùng đất này. Thuở nhỏ, cậu thường lên núi chăn bò. Khi bò đã ăn no, Abu có thể đi nhặt trứng chim nướng hay vặt quả rừng ăn.
Chàng trai cải tạo núi hoang thành khu du lịch nổi tiếng ở Tứ Xuyên (Ảnh: Sina).
Dù cuộc sống thiếu thốn và vất vả nhưng anh vẫn cảm thấy quãng thời gian chăn bò giữa khung cảnh thiên nhiên trong lành ấy là hạnh phúc nhất. Thậm chí, Abu còn luôn tự hỏi: "Tại sao ngọn núi đẹp như vậy lại gọi tên là Heo rừng?".
Bố mẹ của Abu là nông dân. Để đỡ gánh nặng gia đình, năm 14 tuổi. Abu lên núi tìm thảo dược bán cho thương lái hoặc đi phục vụ du khách ở sông băng tại Khu thắng cảnh Hailuogou gần nhà để có tiền đóng học phí.
Giá mỗi chuyến đưa khách qua sông băng là 60 tệ (212.000 đồng) với quãng đường 3,5 km và mất ít nhất 30 phút để di chuyển nhưng cậu bé thường chỉ nhận được 1/3 số tiền. Vì còn nhỏ, lại làm việc nặng nên mỗi khi kết thúc công việc để trở về nhà, cậu thường bị nôn. Tuy nhiên, cậu vẫn chăm chỉ làm công việc đó suốt 4 năm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Vác gỗ, đào đường để cải tạo núi hoang
Tốt nghiệp phổ thông, Abu đến Thành Đô làm việc. Nhưng không chịu nổi nhịp sống bon chen, xô bồ nơi thành phố nên cậu quyết định về quê, mở một quán bar nhỏ ở thị trấn cổ Moxi.
Abu tự tay cải tạo núi hoang để thực hiện ước mơ lan tỏa vẻ đẹp quê nhà tới du khách (Ảnh: Sina).
Để có thêm kinh phí trang trải khi lượng khách ghé thăm ít, Abu phải làm thêm công việc giặt ga trải giường và chăn màn cho nhà trọ, đồng thời tiếp tục làm hướng dẫn viên du lịch tự do tại những điểm đặc biệt chỉ người dân địa phương biết tới.
Mỗi lần giới thiệu với du khách, anh liên tục nghĩ về câu hỏi làm sao để thay đổi quê hương: "Tại sao nhiều người tới Hailuogou trong khi núi Heo rừng cũng đẹp không kém lại ít được quan tâm, biết đến?".
Sau nhiều lần trăn trở như vậy, Abu nảy ra ý tưởng táo bạo là đổi tên ngọn núi này để gây ấn tượng với du khách. Vì thích bộ phim "Notting Hill", anh đã dùng tên đó đặt cho đỉnh núi, phiên âm sang tiếng Trung là "Nhược Đinh Sơn".
Năm 2008, Abu bắt đầu công cuộc cải tạo núi Nhược Đinh Sơn bằng việc dựng một ngôi nhà gỗ trên núi, vừa để ở, vừa thuận tiện cho việc khai phá đất hoang. Thấy cậu bé hàng xóm họ Chai ở nhà nhàn rỗi nên anh rủ cùng tham gia. Số tiền khoảng 2.000 tệ (7,6 triệu đồng) tiết kiệm từ khi làm hướng dẫn viên du lịch được chàng trai trẻ sử dụng làm kinh phí xây nhà gỗ.
Abu cùng cậu bé hàng xóm họ Chai tự vác gỗ, đào đất, làm nhà trên núi (Ảnh: Sina).
Trên núi chẳng có đường đi cũng không có điện, nước. Mọi vật liệu xây nhà đều phải dùng sức người. Dù cơ thể đầy vết thâm tím, có khi bật cả máu, thậm chí còn bị người dân trong làng coi là chuyện điên rồ nhưng Abu vẫn kiên trì với kế hoạch của mình. Sau vài ngày, anh dựng được một ngôi nhà gỗ đơn sơ, mái lợp bằng những tấm phim dán kính.
Có chỗ ở, chàng trai trẻ cùng bạn hàng xóm tiếp tục bắt tay vào công cuộc làm đường. Không có tiền mua vật liệu xây dựng cũng như thuê nhân công, cả hai chỉ dùng tay đào rồi cuốc, kiên trì tạo nên một con đường đất dài và hẹp. Nhưng cứ khi mưa lớn, đường lại hỏng nên dù chỉ dài 5km nhưng phải sửa đi sửa lại mất nhiều năm.
Căn nhà gỗ mà Abu và Chai tự làm được trên đỉnh núi Nhược Đinh Sơn (Ảnh: Sina).
Căn nhà có nội thất đẹp, tiện nghi và tầm nhìn mở rộng ra khung cảnh thiên nhiên bên ngoài (Ảnh: Sina).
Một vấn đề quan trọng khác là phải có nguồn nước sạch ổn định. Vì phải vác nước từ dưới chân núi lên nhà gỗ rất cực khổ nên Abu và Chai tìm kiếm các khu vực xung quanh xem có nguồn nước trên núi không.
Sau cả tháng trời, họ tìm được nước và nhanh chóng mua ống nước, kéo rồi chôn xuống. Nhưng nước chảy ra đục ngầu và ít, có mưa thì nước chảy, trời không mưa lại khô cong. Chỉ 3 tháng sau, nguồn nước cũng cạn kiệt.
Không nản chí, Abu tiếp tục đi tìm và cuối cùng lấy được nước từ vách đá cách nhà gỗ vài cây số, khắc phục vấn đề về nước sạch mà cả hai cực khổ kiếm bấy lâu.
Thành quả sau 13 năm miệt mài
Bằng sự quyết tâm và nỗ lực, sau nhiều năm, Abu đã giải quyết được vấn đề nước sạch trên núi, cải thiện cơ sở hạ tầng. Thậm chí anh còn đưa được điện lên đây và thành công xây dựng trạm thu phát tín hiệu riêng với vùng phủ sóng Wifi đầy đủ.
Nhận thấy những sự thay đổi tích cực trên ngọn núi dưới bàn tay của Abu và Chai, dân làng đã trở nên tin tưởng hơn và ủng hộ nhiệt tình. Năm 2014, 46 cư dân ở làng Baiyangping đã tham gia vào kế hoạch xây dựng ngọn núi này dưới hình thức chia cổ tức và cổ phần đất rừng tập thể.
Hành trình 13 năm cải tạo núi hoang thành điểm du lịch nổi tiếng của Abu đã thay đổi diện mạo khu làng và được người dân ủng hộ.
Hàng loạt homestay sang trọng, hòa với thiên nhiên được gây dựng, thu hút khách du lịch ghé thăm nhiều hơn. Có lúc khách trên núi quá tải, họ phải di chuyển xuống làng. Thậm chí, vốn làm nghề mộc, người dân còn quyết định mở nhà trọ hoặc cửa hàng buôn bán để kiếm thêm thu nhập đáng kể mỗi năm.
Những bữa tiệc ngoài trời tại căn nhà gỗ (Ảnh: Sina).
Năm 2016, với sự hỗ trợ của chính phủ, con đường đất Abu đào trên núi cũng được xây lại bằng phẳng và rộng rãi hơn, "biến" núi Nhược Đinh Sơn thành điểm du lịch quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trong 13 năm đầu, dù bận rộn canh tác nhưng Abu vẫn trực tiếp nhận đón khách lên tham quan núi. Anh đưa khách đi dạo, khám phá thiên nhiên, ăn thịt nướng, ngắm bầu trời đầy sao và kể cho họ nghe câu chuyện về Nhược Đinh Sơn.
Năm 2017, đạo diễn Hong Kong Trình Tiểu Đông cũng đến Nhược Đinh Sơn khảo sát, tìm địa điểm cho bộ phim mới. Điều khiến ông bất ngờ và xúc động hơn cả cảnh đẹp nơi đây chính là câu chuyện về Abu và Nhược Đinh Sơn.
Ngọn núi trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút du khách ghé thăm, trong đó có cả những người nổi tiếng (Ảnh: Sina).
Vị đạo diễn còn quyết định làm một bộ phim về chính chàng trai trẻ đã cải tạo đất hoang thành khu du lịch này. So với phiên bản gốc do chính Abu kể lại, trong phim còn có thêm một diễn viên nữ.
Khi đóng máy, đoàn làm phim đã để lại một căn nhà gỗ - nơi họ sinh hoạt trong suốt thời gian quay phim như món quà kỷ niệm tới núi Nhược Đinh Sơn. Abu đã tự sửa sang lại căn bếp trong ngôi nhà này và tận dụng nó làm bối cảnh để quay vlog.
Chàng trai trẻ cũng khai hoang thêm một mảnh đất trồng rau, làm chuồng cho gà, hai con ngựa và nuôi cả chó mèo. Abu nói rằng Nhược Đinh Sơn giống như một chiếc cửa sổ, khi mở ra sẽ khiến người ngoài nhìn vào, biết thêm về quê hương mình. Đặc biệt, đó cũng là cánh cửa cho những đứa trẻ như anh lớn lên từ làng sẽ nhìn thấy sự thay đổi của thế giới.