Mỹ rút khỏi Afghanistan, cục diện Trung Á sẽ đi về đâu?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:00, 29/08/2021

Baoquocte.vn. Mỹ rút quân và chiến thắng của Taliban ở Afghanistan đã để lại khoảng trống quyền lực ở Trung Á, song liệu Trung Quốc và Nga có thể tận dụng tốt cơ hội này?
Một đoàn người di tản lên máy bay vận tải C-17 Globemaster của quân đội Mỹ. (Nguồn: AP)
Đoàn người di tản lên máy bay vận tải C-17 Globemaster của Mỹ tại sân bay Hamid Karzai ở Afghanistan. (Nguồn: AP)

Hành trình 20 năm

Hai thập niên trước, sau ngày 11/9, Mỹ đã đạt nhiều thỏa thuận về căn cứ quân sự, hàng không và hậu cần khắp Trung Á để hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan.

Khi ấy, hiện diện của Mỹ ở khu vực đồng nghĩa với sự xuất hiện một dòng viện trợ nước ngoài liên tục cho nhiều quốc gia nhỏ hơn, với mục tiêu tăng cường các chương trình chống khủng bố, đẩy mạnh nỗ lực chống buôn bán ma túy và bảo đảm an ninh tại biên giới.

Lúc đó, Trung Quốc và Nga đã nhanh chóng chấp nhận sự xuất hiện của Mỹ tại Trung Á. Tổng thống Nga Vladimir Putin là lãnh đạo thế giới đầu tiên gọi điện cho người đồng cấp Mỹ George W. Bush sau vụ 11/9 và đề nghị hỗ trợ chiến dịch ở Afghanistan.

Tương tự, Trung Quốc chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ như một cách để kiềm chế người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với tư cách là một nhánh của Al Qaeda. Đồng ý với yêu cầu của Bắc Kinh, Washington đã đưa Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) vào danh sách các tổ chức được coi là khủng bố của Bộ Ngoại giao và cho phép một số quan chức Trung Quốc tiếp cận tù nhân người Duy Ngô Nhĩ tại Vịnh Guantanamo.

Chỉ sau vài tháng, chiến dịch quân sự của Mỹ đã mang tới thay đổi đáng kể ở Trung Á. Washington đã lật đổ Taliban, mở rộng hiện diện tại khu vực và xây dựng hàng loạt quan hệ đối tác an ninh mới. Nhiều quốc gia Trung Á đã ủng hộ liên minh quốc tế ở Afghanistan, thúc đẩy kiềm chế chiến binh Hồi giáo và ủng hộ cải cách chính trị-kinh tế.

Tuy nhiên, ngay sau khi Taliban bị lật đổ, Washington bắt đầu đối mặt với nhiều mâu thuẫn và phần lớn lại đến từ chính sự hiện diện rộng khắp của Mỹ tại khu vực này.

Mỹ mong muốn duy trì quan hệ đối tác an ninh với các quốc gia Trung Á. Song điều này lại xung đột với mong muốn của Washington về thúc đẩy quyền chính trị cơ bản và năng lực quản trị tại khu vực này.

Trung Quốc và Nga đã nắm bắt cơ hội này để phát triển thiết chế riêng và tổ chức an ninh riêng như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực bằng cách kết nối Afghanistan với Trung Á và Nam Á đã vấp phải sự đối kháng mạnh mẽ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) của Nga.

Ngay sau khi Taliban bị lật đổ, Washington bắt đầu đối mặt với nhiều mâu thuẫn và phần lớn lại đến từ chính sự hiện diện rộng khắp của Mỹ tại khu vực này.

Mỹ đi, Nga-Trung đến

Sau khi Mỹ rút và Taliban tiếp quản Kabul, Trung Quốc và Nga đã tăng cường an ninh tại biên giới Tajikistan và Afghanistan thông qua tập trận đầu tháng Tám. Sự vắng mặt của Mỹ đã mở ra khả năng hình thành quan hệ đối tác mới trong khu vực. Trước tình hình đó, Bắc Kinh và Moscow đã nhanh chóng có các điều chỉnh chính sách với Taliban.

Đáp lại, lực lượng này cũng tích cực đàm phán để tìm kiếm sự công nhận của hai cường quốc khu vực này. Đầu tháng Bảy, sau khi hàng trăm binh sỹ Afghanistan chạy sang Tajikistan, một phái đoàn Taliban đã thăm Moscow, khẳng định lực lượng này sẽ tôn trọng biên giới quốc tế và đảm bảo an ninh cho quan chức và phái bộ ngoại giao Nga ở Afghanistan.

Taliban cũng hoan nghênh nỗ lực đầu tư và tái thiết của Trung Quốc, sẵn sàng hỗ trợ và đảm bảo an ninh cho Bắc Kinh tại biên giới Tân Cương và người Duy Ngô Nhĩ.

Tuy nhiên, sự hiện diện tại Trung Á của Trung Quốc và Nga chắc chắn không hề suôn sẻ. Cụ thể, Bắc Kinh và Moscow cần đóng góp vào quá trình đảm bảo an ninh, phát triển mạng lưới kinh tế và thúc đẩy quá trình chuyển đổi chính trị lâu dài ở Afghanistan.

Trong khi đó, dù đã rút hầu hết quân khỏi Afghanistan, Mỹ vẫn có thể sử dụng nhiều đòn bẩy quan trọng, nhất là chính sách giao dịch tiền tệ, để tác động tới tình hình tại Kabul.

Ngoài ra, Washington có thể đem an ninh của Afghanistan ra thảo luận trong đàm phán song phương với Pakistan và mở rộng chương trình nghị sự của đối thoại C5+1 thường xuyên của Washington với các quốc gia Trung Á. Giới hoạch định chính sách Mỹ cũng có thể cân nhắc tham vấn CSTO và SCO về vấn đề an ninh và nhân đạo ở khu vực.

Kỷ nguyên can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Á đã kết thúc, song không vì thế mà ảnh hưởng của nước này tại đây sẽ biến mất. Thay vào đó, di sản của Washington vẫn tiếp tục có vai trò quan trọng, định hình tương lai Afghanistan nói riêng và Trung Á nói chung.

Huy Sơn