Giá heo hơi giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao

Kinh doanh - Ngày đăng : 11:35, 28/08/2021

Giá heo hơi tiếp tục giảm mạnh tại nhiều địa phương đã khiến người nuôi điêu đứng. Vấn đề quá bất hợp lý khi người tiêu dùng muốn ăn thịt heo vẫn phải mua với giá cao.

Giá heo hơi giảm mạnh liên tiếp nhiều tháng

Theo báo Nông Nghiệp, giá heo hơi tại thị trường miền Bắc đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một vài nơi, khiến giá giá thu mua xuống còn 50.000 đồng - 53.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội và Hưng Yên, thương lái đang thu mua heo hơi lần lượt với giá 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người nuôi không có lời.

Tại các tỉnh Miền Trung, giá thu mua heo hơi cao nhất khu vực là 55.000 đồng/kg xuất hiện tại ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Ninh Thuận. Trong khi, tỉnh Bình Định đang giữ mức giá heo hơi thấp nhất khu vực, với 50.000 đồng/kg.Còn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục duy trì mức giá 54.000 đồng/kg.

gia-heo-hoi-giam-manh-nguoi-tieu-dung-muon-an-thit-van-phai-mua-gia-cao-1.jpg
Giá heo hơi giảm mạnh khiến người nuôi điêu đứng.

Tại Vĩnh Long, nhiều hộ chăn nuôi heo cho biết, khoảng 2 tháng nay, giá heo liên tục giảm mạnh khiến người nuôi gặp khó. Tại nhiều khu vực không có hoặc có rất ít thương lái đến mua khi giá hiện chỉ ở mức 5 - 5,5 triệu đồng/tạ.

"Tôi có 6 con heo tới lứa bán nhưng thương lái chỉ trả 5,5 triệu đồng/tạ, giá này là lỗ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/con, mà cũng phải bán để trả tiền thức ăn, chứ cầm cự nuôi chỉ thêm lỗ”, một người nuôi cho biết.

Một hợp tác xã nuôi heo tại Đồng Nai cho biết, hiện mức giá thu mua chỉ quanh quẩn 55.000 đồng/kg và ghi nhận là thấp nhất trong 3 tháng qua.

"Đầu tháng 6, giá heo hơi vẫn ở mức 69.000 - 70.000 đồng/kg, nhưng khi dịch bùng phát mạnh thì giá heo hơi giảm dần. Đến tháng 8, mỗi ký heo hơi đã giảm 15.000 đồng so với trước", đại diện hợp tác xã rầu rĩ.

Không chỉ ở Đồng Nai, giá heo hơi tại các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu… ghi nhận cũng giảm mạnh, khiến người nuôi khó càng thêm khó bởi giữ lại không được, bán cũng không xong.

Giá heo hơi đến người dùng cuối vẫn rất cao


Trong khi giá heo hơi liên tục giảm thì giá thịt heo tại chợ và siêu thị vẫn ở mức cao, thậm chí là không có hàng để bán.

Ghi nhận tại Vĩnh Long, giá thịt heo vẫn ở mức cao trên kệ chợ, riêng một vài siêu thị đã hết hàng.

gia-heo-hoi-giam-manh-nguoi-tieu-dung-muon-an-thit-van-phai-mua-gia-cao-2.jpg
Giá thịt heo vẫn rất cao tại các chợ truyền thống.

Cụ thể, chân giò heo 110.000 - 120.000 đồng/kg, nạc xay 120.000 - 130.000 đồng/kg, cốt lết 140.000 - 150.000 đồng/kg, nạc vai 140.000 - 150.000 đồng/kg, ba rọi 150.000 - 160.000 đồng/kg, đuôi heo 180.000 - 200.000 đồng/kg, sườn non 190.000 - 200.000 đồng/kg,…

Theo các tiểu thương, giá cao bởi thương lái bỏ mối cao. Tuy vậy, đôi lúc sức mua vẫn giảm nhiều bởi người tiêu dùng đã chuyển sang chọn mua thịt gia cầm, hải sản để tiết kiệm chi phí.

Một thương lái cho biết bình thường việc bỏ mối chỉ tính chi phí đi đường, nhưng nay do phải ôm thêm chi phí khác trong khâu vận chuyển vì COVID-19 nên phải qua nhiều bước trung gian, khiến giá cao hơn rất nhiều so với trước.

"Ảnh hưởng dịch là một phần, một phần do giãn cách xã hội và các chi phí xét nghiệm liên quan đã khiến không chỉ heo, mà nông sản vẫn bị nghịch lý giá vườn thấp, giá tại chợ tăng cao đến vài trăm lần".

Trong khi đó, giá thịt heo bán lẻ tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM vẫn ở giá cao ngất ngưởng. Thịt đùi heo được bán với giá từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, thịt cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 240.000 đồng/kg… Riêng giá thịt heo của các điểm kinh doanh online cũng tương đương với siêu thị, dù chi phí vận hành thấp hơn.

gia-heo-hoi-giam-manh-nguoi-tieu-dung-muon-an-thit-van-phai-mua-gia-cao.jpg
Siêu thị vẫn bán thịt heo ở mức cao, song song với nguồn hàng đông lạnh nhập khẩu.

Giá sẽ bình ổn khi chợ truyền thống mở cửa trở lại

Giải thích cho hiện tượng có hay không hiện tượng ăn dày của thương lái, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, mỗi ngày, thành phố chỉ tiêu thụ khoảng 5.000 - 6.000 con, giảm khoảng 50% so với trước.

Song song đó, giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo bán lẻ vẫn còn cao là do chi phí phát sinh của các đơn vị phân phối quá lớn. Chi phí xăng dầu, chi phí phòng chống dịch và chi phí vận hành điểm bán tăng khiến giá thịt heo cũng tăng theo.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khi các chợ truyền thống mở cửa bình thường trở lại, các thương lái hoạt động rầm rộ thì giá thịt heo sẽ phải giảm theo đúng quy luật của thị trường.

Trong khi đó, tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, đàn heo tính đến cuối tháng 6/2021 hiện có khoảng 242.600 con, tăng trên 10.000 con so cùng kỳ.

Tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mức tiêu thụ người tiêu dùng và vận chuyển sản phẩm, nên hầu hết giá sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đều giảm.

So với cùng kỳ năm trước, giá thịt heo đã giảm trên 10%. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh dẫn đến tăng giá thành chăn nuôi.

Để phần nào giảm tải thiệt hại cho người nuôi, nhiều tổ chức đoàn thể cũng đã cùng nhau giải cứu, tuy nhiên con số tiêu thụ vẫn không nhiều và rải rác chưa đồng bộ, nên có thể phải chờ thời gian giãn cách xã hội xong mới có thể trở lại giá bình thường.

Đề xuất cho việc bất hợp lý này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cần có chiến lược quốc gia về dự trữ thịt heo và các loại thực phẩm khác, bởi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện dự trữ thực phẩm thiết yếu trong 5 - 6 tháng nhằm đối phó với các kịch bản dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…

"Việc xây dựng chiến lược dự trữ cần có sự chủ trì của Nhà nước, Chính phủ và sự góp sức của nhiều thành phần trong xã hội. Các doanh nghiệp cũng sẽ chung tay vào chiến lược dự trữ thực phẩm này", ông Công nói.

Võ Thanh Bình