Tín hiệu mới về vắc xin, nữ đại gia dược phẩm bất ngờ nổi sóng

Bất động sản - Ngày đăng : 13:37, 27/08/2021

Nữ đại gia trong lĩnh vực tài chính và bất động sản kín tiếng bất ngờ nổi bật trong lĩnh vực y dược khi cổ phiếu tăng giá dữ dội với thông tin nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19.

Mở cửa phiên giao dịch 27/8, cổ phiếu VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex tiếp tục tăng trần thêm 4.400 đồng lên 67.400 đồng/cp. Đây là phiên tăng thứ 15 liên tiếp, trong đó có 14 phiên tăng trần.

Tổng cộng, tính từ 9/8 tới nay, cổ phiếu VMD đã tăng gấp khoảng 2,7 lần, từ mức 24.700 đồng lên mức 67.400 đồng/cp như hiện tại.

Vimedimex tăng trần liên tục trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ doanh nghiệp này nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam.

Trước đó, VMD chính thức trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners của các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Thông qua Thỏa thuận nguyên tắc, Group 42 đã ủy quyền cho VMD là đơn vị nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam và là cơ sở đề nghị, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 Hayat-Vax, được sản xuất tại UAE đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công ty Royal Strategics Partners đã đồng ý bán và ký Hợp đồng nhập khẩu với VMD 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Janssen, 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer, 10 triệu liều vắc xin Covid 19 Sputnik V. Các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được Bộ y tế phê duyệt, cấp phép nhập khẩu.

Cổ phiếu VMD tăng giá mạnh dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này không thực sự ấn tượng. Các cổ phiếu dược phẩm và y tế khác cũng tăng mạnh cho dù kết quả kinh doanh của ngành nói chung không khởi sắc trong nửa đầu 2021.

Tín hiệu mới về vắc xin, nữ đại gia dược phẩm bất ngờ nổi sóng
Tin chứng khoán ngày 27/8: Đại gia tài chính, bất động sản nổi danh thần tốc trong lĩnh vực y dược

Trước đó, hồi đầu tháng 6, Vimedimex đã từng ghi nhận chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần khi doanh nghiệp này nằm trong danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin được Bộ Y tế công bố.

Trong nửa đầu 2021, VMD ghi nhận lợi nhuận 19 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước. Một điểm đáng chú ý là khối lượng giao dịch trong những tuần vừa qua ở mức thấp, chỉ hơn chục nghìn cổ phần được chuyển nhượng mỗi phiên và không có giao dịch thỏa thuận.

Trên thị trường, nhiều cổ phiếu ngành dược vừa và nhỏ có sự bứt phá mạnh. Cổ phiếu Dược phẩm Bến Tre (DBT), Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP), Dược phẩm Phong Phú (PPP)... tăng mạnh.

Hồi đầu tháng 9/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt một nhà đầu tư 550 triệu đồng do dùng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để thao túng giá cổ phiếu Vimedimec. Nhà đầu tư này tạo cung cầu giả đối với VMD từ 4/1/2016 - 29/4/2016, giá cổ phiếu VMD biến động trong khoảng giá 26.500đ/cp – 39.500đ/cp.

Vimedimex tiền thân là công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập từ năm 1984. Cho đến năm 2006, công ty chính thức đổi tên thành Y Dược phẩm Vimedimex với vốn điều lệ khi đó là 25 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông Vimedimex cô đặc, với khoảng 75% vốn thuộc sở hữu của các cổ đông lớn.

CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 nắm giữ nhiều nhất với 45,34% vốn. Hiện, bà Nguyễn Thị Loan là chủ tịch Vimedimex và cũng là chủ tịch tại Vimedimex 2. Còn trai bà Loan, Lê Xuân Tùng nắm giữ gần 7,4% cổ phần. Tổng cộng nhà bà Loan nắm giữ gần 53% cổ phần tại VMD.

Bà Loan hiện là chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu BĐS Vimefulland. Trước đó, nữ tướng này từng là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB); Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS) và CTCP Quản lý quỹ Quốc tế.

Nữ tướng Nguyễn Thị Loan rút vốn khỏi VietABank trong năm 2019 sau một thập kỷ Vimedimex đầu tư tại ngân hàng này.

Tín hiệu mới về vắc xin, nữ đại gia dược phẩm bất ngờ nổi sóng
Biến động chỉ số VN-Index.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 27/8

Thị trường chứng khoán tiếp tục phiên ảm đạm với hàng loạt mã giảm giá ngay từ thời điểm mở cửa. Chiều hướng giảm, VN-Index có thể test ngưỡng hỗ trợ 1.278-1.286 điểm.

Trên HoSE, 222 mã đang trong sắc đỏ; trên sàn HNX cũng có số lượng mã giảm giá gấp đôi số mã tăng.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh ngay từ đầu phiên. Các mã ngân hàng như MBB, VIB, MSB, CTG, HDB, LPB, ACB, TPB... đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, HDB giảm 3,7%, CTG giảm 3,2%, ACB giảm 3%, LPB giảm 2,4%, TCB giảm 2,6%, SHB giảm 2,1%, TPB giảm 1,8%.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển vẫn là điểm sáng của thị trường. VOS tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên mức giá 14.450 đồng/CP với giao dịch sôi động với dư mua trần gần 1,7 triệu đơn vị. Các cổ phiếu cảng biển và vận tải biển như MVN, VNA, VOS, HAH, SGP... vẫn đồng loạt tăng mạnh.

Tại thời điểm 9h21’, VN-Index mất 8 điểm và rơi về ngưỡng 1.293 điểm, HNX-Index cũng mất gần 3 điểm về 334 điểm.

Theo BSC, dòng tiền đầu tư suy yếu khi trong phiên liền trước. Nhóm ngành kiềm chế đà giảm của thị trường là nhóm dệt may, truyền thông và hóa chất. Độ rộng thị trường trở về trạng thái trung lập với thanh khoản thị trường suy giảm so với phiên trước, báo hiệu tâm lý giao dịch cẩn trọng của nhà đầu tư. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSEvà mua ròng tại HNX.

Chốt phiên chiều 26/8, chỉ số VN-Index giảm 8,43 điểm xuống 1.301,12 điểm. HNX-Index tăng 0,85 điểm lên 336,85 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 91,55 điểm. Thanh khoản xuống thấp, trong cả ngày đạt 21,9 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 17,8 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

V. Hà