Algeria-Morocco: Cháy rừng thổi bùng căng thẳng
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:26, 26/08/2021
Căng thẳng Algeria-Morocco đẩy lên cao sau khi Algiers đơn phương cắt đứt quan hệ với Rabat ngày 24/8. (Nguồn: jeuneafrique) |
Phát biểu về quyết định trên, Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra cho đây là điều cần làm trước nhiều “hành động thù địch của quốc gia láng giềng”. Trước đó ít lâu, Văn phòng Tổng thống Algeria từng cảnh báo Algiers sẽ “xem xét lại” mối quan hệ với Rabat.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Morocco coi quyết định trên là không hợp lý và dựa trên “cái cớ sai lầm”, song trong bối cảnh căng thẳng song phương gần đây, hành động trên “là có thể dự đoán được”.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit khẳng định, cả Algeria và Morocco đều là thành viên quan trọng của AL và lấy làm tiếc về tình hình hiện nay. Ông kêu gọi hai bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng, đồng thời hy vọng rằng, Algeria và Morocco sẽ sớm khôi phục quan hệ, dù là ở mức tối thiểu, nhằm duy trì ổn định và lợi ích song phương và khu vực.
Nhìn từ bên ngoài, nguồn cơn trực tiếp của căng thẳng này là các đợt cháy rừng lớn ở khu vực gần đây. Thời tiết khô hanh, nhiệt độ cao và gió mạnh khiến hỏa hoạn liên tục bùng phát tại nhiều khu rừng ở hai bên. Theo ông Rachid el-Anzi, Giám đốc Sở phụ trách tài nguyên rừng và nguồn nước vùng Chefchaouen thuộc Morocco, do mọi người đều đã di tản từ trước nên không có thương vong.
Tuy nhiên, Algeria không may mắn như vậy. Cháy rừng nhiều tuần qua khiến ít nhất 90 người thiệt mạng. Cảnh sát Algeria phải vào cuộc, bắt giữ 36 người tham gia sát hại tập thể một nhân vật bị tình nghi liên quan tới vụ hỏa hoạn.
Tuần trước, lực lượng này bắt giữ 22 người được cho là đứng đằng sau các vụ cháy rừng và quy trách nhiệm cho nhóm Hồi giáo Rashad và Phong trào Độc lập Kabylie (MAK), phong trào tự trị vùng Kabylie với phần lớn người dân nói tiếng Amazigh.
Đặc biệt, Văn phòng Tổng thống Algeria nhận định MAK “được sự hậu thuẫn và giúp đỡ từ thế lực bên ngoài, đặc biệt là Morocco và thực thể theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái”.
Đợt cháy rừng đã thổi bùng lên ngọn lửa âm ỉ trong quan hệ song phương, chủ yếu liên quan đến vấn đề chủ quyền với khu vực tranh chấp Tây Sahara.
Xung đột tiếp tục kéo dài giữa Morocco và Mặt trận Polisario, phong trào của người Sahrawi được Algeria hậu thuẫn từ năm 1975 tới nay. Hai nước đã đóng cửa biên giới láng giềng từ năm 1994.
Quyết định của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, công nhận chủ quyền của Rabat với khu vực Tây Sahara đã khiến quan hệ Algeria-Morocco trở nên căng thẳng chưa từng có trong 45 năm qua.
Thậm chí, ngày 18/7, Bộ Ngoại giao Algeria đã triệu hồi Đại sứ tại Morocco nhằm phản đối việc Đại sứ Morocco tại Liên hợp quốc Omar Hilal, trong buổi họp của Phong trào Không liên kết (NAM), đã lên tiếng kêu gọi “quyền tự quyết cho người dân sống tại vùng Kabylie” thuộc Algeria. Algiers cũng khẳng định sẵn sàng có hành động quyết liệt hơn, và điều gì đến thì cũng phải đến.
Cháy rừng đã được kiểm soát, nhưng ngọn lửa đang thiêu đốt quan hệ Algeria-Morocco thì chưa.