Covid-19 thay đổi thị trường lao động của Nhật Bản như thế nào?
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:50, 25/08/2021
Đại dịch Covid-19 thay đổi thị trường lao động của Nhật Bản như thế nào? (Nguồn: Kyodo) |
Thị trường lao động Nhật Bản đang thay đổi đáng kể kể từ đầu thập niên 2010 khi thế hệ “bùng nổ dân số” bắt đầu về hưu, qua đó mở rộng cơ hội cho phụ nữ, người cao tuổi và các nhóm dân số khác.
Tuy nhiên, tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đang thách thức những thành quả đạt được trong thập kỷ vừa qua của xứ sở hoa anh đào.
Xu thế gia tăng về tỷ lệ việc làm đã bị đảo lộn, cùng với đó là sự sụt giảm cả mức lương lẫn thời gian làm việc, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,4% của năm 2019 lên 2,9% vào tháng 6/2020.
Điều tiết lực lượng lao động
Nhìn vào những ảnh hưởng của Covid-19 đối với thị trường lao động Nhật Bản, có thể thấy, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp này vẫn là khiêm tốn so với sự sụt giảm chung của các hoạt động kinh tế.
Nhiều lao động phi chính thức - phân bổ không đồng đều ở phụ nữ, thanh niên hay người già – từng mất việc trong giai đoạn ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên hồi tháng 4/2020 hiện đang lựa chọn không tìm việc mới, và vì vậy đã bị loại ra khỏi lực lượng lao động này.
Điều đó lý giải phần nào nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.
Chính phủ Nhật Bản cũng mở rộng trợ cấp điều tiết việc làm, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tạm thời cho các lao động nghỉ việc, nhưng trên danh nghĩa họ vẫn là người có việc làm.
Để đối phó với tình trạng sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu tiêu thụ, các công ty đã giảm số giờ làm việc của người lao động. Vì vậy, phương thức điều tiết lực lượng lao động đầu tiên của Nhật Bản trước tình hình đại dịch là giảm giờ làm việc nói chung.
Tính đến ngày 13/8/2021, chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn 4 triệu đơn đề nghị trợ cấp với trị giá hơn 4.000 tỷ Yen (tương đương 36,3 tỷ USD), qua đó giúp giảm tác động của Covid-19 lên vấn đề việc làm.
Các khoản trợ cấp này tạo điều kiện cho sự sắp xếp sáng tạo về chia sẻ việc làm. Theo đó, người lao động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn như ngành hàng không, có thể tạm thời được chuyển sang làm các công việc trong những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng hơn như bán lẻ.
Cả doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn đều được hưởng lợi từ những trợ cấp này.
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ
Giống như tại các quốc gia khác, tác động của dịch Covid-19 tại Nhật Bản thay đổi theo từng ngành, trong đó ngành du lịch khách sạn và nhà hàng bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Phần lớn lao động trong các ngành này là phụ nữ thuộc lực lượng lao động phi chính thức với mức lương tối thiểu, không có bảo hiểm lao động và ít lựa chọn.
Chính phủ Nhật Bản cần xây dựng một mạng lưới an toàn kiểu “hỗ trợ xã hội” vững chắc hơn để cung cấp cho các cá nhân, đặc biệt là lao động phi chính thức, sự hỗ trợ toàn diện, chẳng hạn như đào tạo nghề và tư vấn cơ hội việc làm mới...
Sau khi nghiên cứu triển vọng trung hạn cho thị trường lao động Nhật Bản, thủ đô Tokyo hiện đang ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư kể từ tháng 4/2020, vì vậy, việc khôi phục đà tiêu dùng hộ gia đình đã bị trì hoãn.
Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài thêm vài tháng nữa, tình hình kinh doanh của các công ty bị ảnh hưởng có thể còn tồi tệ hơn và tình trạng phá sản sẽ kéo theo nguy cơ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Việc duy trì tỷ lệ việc làm hiện nay với những điều kiện kinh tế đáng buồn còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc tuyển dụng các sinh viên mới ra trường.
Theo nghiên cứu của Viện Tuyển dụng Việc làm hồi tháng 4/2021, triển vọng việc làm dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp đại học giảm xuống 1,5 trong tài khóa 2021, so với 1,53 trong tài khóa 2020, trong khi tỷ lệ này vào năm 2019 là 1,83.
Điều này cho thấy, các kế hoạch tuyển dụng lao động có vẻ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Trong “kỷ băng hà việc làm” vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đã không thể tìm được việc làm ổn định tại Nhật Bản.
Trong giai đoạn hiện nay, do sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động, tình hình có thể không nghiêm trọng như những năm 1990.
Tuy nhiên, quan trọng vẫn là phải cải cách cơ chế tuyển dụng với những người mới ra trường và thiết lập một cơ chế quanh năm đa dạng hơn để các thanh niên có thể thay đổi ngành nghề dễ dàng hơn.
Tác động trong dài hạn
Tác động lâu dài của Covid-19 đối với thị trường lao động Nhật Bản sẽ rất nghiêm trọng.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố hồi tháng 4/2020 đã buộc các doanh nghiệp trên khắp đất nước phải nhanh chóng áp dụng hình thức hoạt động từ xa, theo đó, 53% lao động tại Tokyo hiện vẫn đang làm việc từ xa.
Sự thích nghi với việc làm việc tại nhà về lâu dài có thể tái định hình mối quan hệ giữa công việc và gia đình tại Nhật Bản.
Việc nuôi con, chăm sóc bố mẹ già hay sự thay đổi công việc đột ngột của người vợ/chồng, sẽ không còn là những trở ngại trong sự nghiệp, đặc biệt là với người phụ nữ.
Nếu văn hóa làm việc linh hoạt như vậy bén rễ ở Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động có thể sẽ gia tăng mạnh hơn.
Bên cạnh làm việc từ xa, một nghiên cứu mới đây của chính phủ đã cho thấy, 10% thanh niên độ tuổi 20 có các công việc phụ để hỗ trợ nguồn thu nhập chính và 60% quan tâm đến việc tìm các công việc phụ.
Nếu điều này trở nên bình thường, thì sẽ tạo ra một văn hóa việc làm đa dạng hơn, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và gia tăng tính linh hoạt cho thị trường việc làm tại Nhật Bản.
Việc mở rộng hoạt động giáo dục thường xuyên nhằm mục đích phát triển nguồn nhân lực cũng rất quan trọng.
Tác động của Covid-19 đối với công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số của Nhật Bản cũng rất rõ nét. Ngày càng nhiều công ty đòi hỏi lao động trẻ phải có kỹ năng kỹ thuật số thì mới được nắm giữ các vị trí quan trọng.
Như vậy, đây rõ ràng là sự thay đổi so với phương thức tuyển dụng lao động kiểu “thành viên” truyền thống theo phong cách Nhật Bản mà trong đó, các lao động “giao phó” cuộc sống cho một công ty.
Công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số này đang đẩy nhanh sự xói mòn của “thâm niên” và “làm việc trọn đời”, 2 trụ cột trong việc tuyển dụng đã cản trở sự cải cách và tính linh hoạt của thị trường lao động Nhật Bản, qua đó mở ra không gian cho những thay đổi tích cực.
*Yuri Okina là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhật Bản và Phó Chủ tịch Điều hành Viện Nghiên cứu Nippon.