Người dân xóm trọ ở TP.HCM rưng rưng nhận cứu trợ từ bộ đội
Xã hội - Ngày đăng : 13:28, 24/08/2021
"Chúng tôi biết ơn nhiều lắm"
Nhận phần quà từ tay chiến sĩ bộ đội, bà Kim Thị Phương (thuê trọ tại khu phố 4, phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM) không kìm được cảm xúc, nước mắt hoen mi bà chia sẻ "đây là lần đầu tiên bà được nhận thực phẩm từ tay bộ đội đúng thời điểm khó khăn. Chúng tôi biết ơn chính quyền và các chiến sĩ rất nhiều đã không quản ngại dịch bệnh, đem quà đến tận nhà thế này...".
Vợ chồng con trai ly hôn, bà Phượng bỏ hết việc ở quê lên Sài Gòn chăm sóc cháu nội. Con trai bà Phượng chạy Grab nên cuộc sống cũng chỉ gắng gượng qua ngày. Dịch bùng phát, công việc của anh cũng bị đình trệ. Mấy tháng qua, cả gia đình sống tằn tiện bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi trước đó và quà của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân trao tặng.
Chị Nguyễn Duy Trinh xúc động khi nhận được quà từ bộ đội trao tặng |
Nhận thực phẩm từ bộ đội trao tận tay, chị Nguyễn Duy Trinh rưng rưng "tôi làm nhân viên cho một trung tâm tiệc cưới, mấy tháng nay trung tâm tạm dừng hoạt động nên bị thất nghiệp".
Nghĩ như những đợt trước, dịch sẽ nhanh chóng qua nên chị Trinh ráng ở lại thành phố, không ngờ lần này kéo dài quá lâu, hơn 3 tháng chị không kiếm được đồng nào. Không việc làm, không có tiền, không thể về quê, chị phải khất nợ tiền nhà với chủ trọ.
Người dân xóm trọ nghèo ở phường 3, quận Tân Bình được các chiến sĩ bộ đội tới tận nơi trao quà |
“Lần đầu tiên tôi nhận được quà hỗ trợ do chính tay các anh bộ đội trao tặng, tôi rất vui và xúc động”, chị Trinh bày tỏ.
Trong căn phòng trọ rộng chưa tới 10m2 , bà Nguyễn Thị Thảo (64 tuổi, thuê trọ tại hẻm 208 Bùi Thị Xuân (phường 3, quận Tân Bình) đang loay hoay cho mẹ ăn bữa sáng. Thấy các chiến sĩ bộ đội và cán bộ phường và tổ dân phố tới thăm, trao quà, bà Thảo lật đật chạy ra, luôn miệng cảm ơn.
Đã 64 tuổi nhưng bà Thảo vẫn phải đi làm thuê, làm mướn để lo cho mẹ già hơn 90 tuổi bị bệnh liệt giường và cháu nội mới 7 tuổi |
Dù tuổi đã cao nhưng bà Thảo vẫn phải đi làm thuê, làm mướn tại các quán ăn để nuôi người mẹ hơn 90 tuổi nằm liệt giường nhiều năm nay cùng đứa cháu nội bị cha mẹ bỏ rơi từ khi 7 tháng tuổi. Khi thành phố thực hiện giãn cách, quán nơi bà làm thuê đóng cửa, bà cũng không có việc làm nên cái ăn đối với 3 người trong gia đình bà là cả gánh nặng.
“Tôi cố gắng tiết kiệm để mẹ và cháu tôi không bị đứt bữa, cũng may thỉnh thoảng cũng nhận được thực phẩm hỗ trợ từ địa phương”, bà Thảo rụt rè nói. Nhận phần quà từ tay chiến sĩ bộ đội, bà Thảo xúc động luôn miệng cảm ơn.
Gõ cửa từng nhà giúp bà con vượt qua dịch bệnh
Suốt mấy tiếng đồng hồ lo khuân vác hàng hóa, vận chuyển rồi đi trao tới tận tay người dân, nhưng các chiến sĩ bộ đội thuộc Sư đoàn 309, Quân đoàn 4, vẫn miệt mài gõ cửa từng nhà...
Vừa được điều động về phường 3, quận Tân Bình để chăm lo đời sống bà con trong những ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội chưa được một ngày nhưng các anh đã nhanh chóng bắt nhịp vào công việc.
Các chiến sĩ bộ đội bốc quà lên xe để đi trao tặng người dân trong xóm trọ ở phường 3, quận Bình Tân |
Theo Đại úy Trần Văn Tuấn, tổ của anh có 15 chiến sĩ, hàng ngày các anh được Ban chỉ huy sự phường phân công đi trực tại các chốt và trao quà cho bà con khó khăn trên địa bàn.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ, chăm lo cho bà con vượt qua khó khăn trong đại dịch này”, Đại úy Tuấn thay mặt các chiến sĩ khẳng định quyết tâm.
Theo ông Võ Đức Chinh (Bí thư Đảng ủy phường 3) cho biết, trên địa bàn phường 3 có 5 khu phố, từ đầu dịch tới nay, phường thường xuyên chuyển quà của các tổ chức, các mạnh thường quân và của thành phố về cho bà con. Trong dịp siết chặt giãn cách này, cách 2-3 ngày những hộ nghèo trong tất cả các khu phố lại nhận được quà hỗ trợ.
Các chiến sĩ bộ đội vận chuyển quà vào khu trọ |
Cũng theo ông Chinh, không chỉ người dân thường trú trên địa bàn phường mới nhận được quà mà sinh viên, công nhân cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền.
Ngày 24/8, cán bộ phường phối hợp với bộ đội trao 200 phần quà gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu do Tập đoàn Viettel tặng cho các phòng trọ trên địa bàn phường.
Thanh Phương