Nỗi ám ảnh mang tên Dòng chảy phương Bắc 2, Tổng thống Ukraine kêu gọi Ba Lan cùng hành động

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:05, 24/08/2021

Baoquocte.vn. Ngày 23/8, trên trang web cá nhân, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky đề nghị Ba Lan cùng phản đối việc khởi động đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Nỗi ám ảnh mang tên Dòng chảy phương Bắc 2, Tổng thống Ukraine kêu gọi Ba Lan cùng hành động
Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky đề nghị Ba Lan cùng phản đối việc khởi động đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. (Nguồn: AAP)

Bên lề Diễn đàn "Nền tảng Crimea", người đứng đầu Ukraine đã hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đang có chuyến thăm 3 ngày tới Kiev. Hai bên đặc biệt lưu ý việc thống nhất lập trường đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Coi việc thực hiện Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga ở châu Âu là mối đe dọa đối với an ninh của Ukraine, ông Zelensky nói: “Chúng ta phải phối hợp để ngăn chặn việc khởi động dự án đó. Điều này là để phục vụ lợi ích an ninh năng lượng của toàn châu Âu”.

Thảo luận về triển vọng hợp tác của Kiev và Warsaw trong các dự án nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, nước này và Ba Lan cần đoàn kết và cùng nhau chống lại Nga.

Trước đó, Tổng thống Zelensky so sánh việc khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với một cái kết tồi tệ của bộ phim, cho rằng, cả thế giới đều nhận thức được tính chất phá hoại của việc vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống này, trong đó có tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng ở Ukraine do giá cả tăng cao.

Trong một tin khác liên quan, cùng ngày, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine và Mỹ bên lề Diễn đàn "Nền tảng Crimea" ở Kiev, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cho biết, nước này sẽ cởi mở đối với các đề xuất liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2.

Tuy vậy, ông Altmaier cũng lưu ý "không nên tạo ra những cản trở không thể khắc phục được” đối với dự án.

Dòng chảy phương Bắc 2 là tuyến đường ống dẫn khí đốt, gần như đã hoàn thiện, từ Nga sang Đức với tổng công suất 55 tỷ m³/năm.

Những nước ra sức phản đối dự án là Mỹ, vốn đang muốn quảng bá nguồn khí thiên nhiên hóa hỏng (LNG) sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), cũng như Ukraine và Ba Lan, những quốc gia gọi đó là dự án mang động cơ chính trị.

Washington đã 4 lần áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cản trở việc thực hiện dự án, tuy nhiên công tác thi công dự án đã đến giai đoạn cuối và sẽ hoàn thành vào cuối mùa Hè này.

Bảo Hà