Covid-19: Mỹ khuyến cáo việc tự ý dùng thuốc ivermectin; buộc tiêm vaccine toàn bộ binh sĩ Lầu Năm Góc; nguy cơ làn sóng dịch mới ở Ấn Độ

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:48, 24/08/2021

Baoquocte.vn. Theo tờ Bloomberg, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã khuyến cáo người dân không tự ý uống thuốc ivermectin để điều trị hoặc phòng ngừa Covid-19.
Bệnh nhân mắc Covid-19 Boris Bryant nằm trong phòng cách ly tại khu điều trị ở Đại học Arkansas ở Little Rock, Arkansas, Mỹ, ngày 16/8. Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua. Trước sự lây lan nghiêm trọng của biến thể Delta
Bệnh nhân mắc Covid-19 nằm trong phòng cách ly tại khu điều trị ở Đại học Arkansas, Little Rock, Arkansas, Mỹ, ngày 16/8. (Nguồn: Reuters)

Khuyến cáo được đưa ra ngày 22/8 khi Bộ Y tế bang Mississippi thông báo về việc hơn 70% các cuộc gọi gần đây đến trung tâm xử lý ngộ độc của bang xuất phát từ những trường hợp uống ivermectin, là loại thuốc trị kí sinh trùng của gia súc.

Ông Thomas Dobbs, nhân viên y tế của bang, cho biết đã nhận được báo cáo về những người uống thuốc này như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Cơ quan y tế bang cảnh báo rằng 85% người gọi đến báo cáo ngộ độc thuốc ivermectin chỉ có triệu chứng nhẹ.

Liên quan đến báo cáo trước đó về việc sử dụng ivermectin, Viện Y tế quốc gia (NIH) cho biết hầu hết các nghiên cứu về việc sử dụng ivermectin để phòng ngừa mắc Covid-19 đều có "những hạn chế đáng kể", cũng như không có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng hay không sử dụng loại thuốc này trong đại dịch.

Trong khi đó, FDA cho hay, ivermectin không phải là thuốc chống virus và dùng liều lượng lớn thuốc này rất nguy hiểm, có thể gây tác hại nghiêm trọng.

Mặc dù chủ yếu dùng cho động vật, FDA cho biết ivermectin đã được phê duyệt sử dụng liều nhỏ ở con người để điều trị hai căn bệnh do giun kí sinh gây ra.

Bang Mississippi có tỷ lệ mắc Covid-19 trên đầu người cao nhất tại Mỹ và tỷ lệ tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 thấp nhất.

* Ngày 23/8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ yêu cầu mọi binh lính đang phục vụ trong lực lượng này, kể cả quân dự bị, phải tiêm phòng Covid-19 sau khi vaccine cùa hãng Pfizer/BioNTech được giới chức nước này cấp phép đầy đủ.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, hiện vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép đầy đủ nên Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị ban hàn hướng dẫn mới, theo đó yêu cầu tất cả thành viên của lực lượng này phải tiêm phòng.

Bộ trên sẽ ban hành hướng dẫn mới về thời gian thực hiện yêu cầu trong những ngày tới.

Hiện nhiều cơ quan công quyền tại Mỹ bắt đầu yêu cầu nhân viên tiêm phòng Covid-19 nếu muốn đến trụ sở làm việc.

Mới nhất, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio thông báo các giáo viên và nhân viên trường công lập tại đây sẽ phải tiêm vaccine phòng Covid-19.

Cơ quan y tế thành phố yêu cầu mọi nhân viên cơ quan giáo dục sẽ cần tiêm ít nhất 1 mũi trước ngày 27/9. Phát biểu tại họp báo, ông de Blasio cho biết các trường học cần phải tuyệt đối an toàn trong suốt năm học.

Chương trình tiêm chủng tại Mỹ được cho là sẽ có động lực sau khi ngày 23/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech.

Đây cũng là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vaccine Covid-19 khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

* Ngày 23/8, hãng PTI trích đánh giá của giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết một làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba ở Ấn Độ có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 nếu một biến thể mới, độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện và ảnh hưởng đến người dân Ấn Độ vào cuối tháng 9.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng làn sóng lây nhiễm thứ ba có thể không thấy số lượng ca nhiễm mới tăng cao như làn sóng lây nhiễm thứ hai và nhiều khả năng xảy ra tương tự làn sóng lây nhiễm đầu tiên.

Hgười đàn ông chạy ngang qua những giàn hỏa táng người tử vong do mắc Covid-19 tại một lò hỏa táng ngoài trời ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 26/4. Do số người qua đời do Covid-19 tăng đến hơn 2.000 người mỗi ngày, các đài hỏa táng ở Ấn Độ đều trong tình trạng q
Hình ảnh tại một lò hỏa táng ngoài trời ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 26/4, trong làn sóng dịch thứ 2. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, nhà khoa học của IIT-Kanpur, thành viên nhóm nghiên cứu Manindra Agrawal dự đoán cũng có thể Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba nếu không có biến thể mới, dễ lây lan hơn biến thể Delta xuất hiện.

Trong trường hợp đó, nước này có thể thấy các trường hợp nhiễm Covid-19 hằng ngày lên đến 150.000 ca mới và cao điểm vào tháng 11. Cường độ của làn sóng dịch Covid-19 thứ ba có thể không giống làn sóng thứ hai nhưng tương tự như làn sóng đầu tiên.

Nhóm nghiên cứu y khoa của Ấn Độ cho rằng các dự đoán dựa trên các giả định. Làn sóng Covid-19 thứ hai, chủ yếu là do biến thể Delta, quét qua Ấn Độ từ tháng 3 đến tháng 5, lây nhiễm cho hàng triệu người và khiến hàng nghìn người khác tử vong.

Riêng ngày 7/5, Ấn Độ ghi nhận 414.188 trường hợp mắc Covid-19. Biến thể Delta hiện gây ra nhiều làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở các khu vực trên thế giới.

Ông Agrawal cho biết dữ liệu nghiên cứu sớm được công khai.

Nhóm nghiên cứu mô hình Sutra tháng trước đã dự đoán rằng đợt nhiễm Covid-19 thứ ba ở quốc gia Nam Á có thể bắt đầu vào tháng 8 và đạt đỉnh vào tháng 10. Các trường hợp nhiễm hằng ngày được dự đoán sẽ tăng từ 150.000 -200.000 ca mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trường hợp mắc bệnh mới trong tháng 8 vẫn chưa có xu hướng gia tăng.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết tiêm chủng là vũ khí mạnh nhất trên toàn thế giới để chống lại dịch Covid-19 và hơn 580 triệu người đã được tiêm chủng tại đây cho đến thời điểm hiện nay.

Hải An