Khủng hoảng vì thiếu chip, nhiều nhà sản xuất trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo bán chip giả
Đi chợ công nghệ - Ngày đăng : 16:42, 22/08/2021
Nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng tăng mạnh và tình trạng thiếu chip khiến các nhà sản xuất, từ smartphone đến ô tô, đều trở nên khó khăn. Không dừng lại ở đó, một vấn đề nổi cộm khác đang tác động đến những công ty cần mua chip, đó là xuất hiện những công ty lừa đảo đang bán chip bán dẫn giả.
Quá trình hoàn chỉnh để thiết kế một con chip hợp pháp có thể mất đến nửa năm. Thời gian giao hàng, khoảng thời gian từ khi đặt hàng cho đến khi nhận được chip, ngày càng tăng, điều này cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng.
Đại dịch là nguyên nhân chủ yếu, nhưng nhiều nhà sản xuất ô tô cũng đã đánh giá sai nhu cầu của người dùng. Khi người tiêu dùng bắt đầu đặt hàng xe mới, các nhà sản xuất đã chết lặng và nhận ra rằng họ không thể bổ sung lượng chip được sử dụng để sản xuất xe của họ.
Thêm vào đó là nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất smartphone, một số công ty có hiện tượng tích trữ chip, dẫn đến việc nhiều công ty rơi vào tình trạng hoảng loạn, họ liều mình chuyển sang các nguồn không đáng tin cậy để mua chip thay vì chuỗi cung ứng thông thường của họ. Như vậy, những kẻ sản xuất hàng nhái đã có môi trường hoàn hảo cho những trò gian lận của chúng.
Những kẻ làm giả đã bắt đầu quảng bá sản phẩm của chúng thông qua quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, thường không phải là nơi mà bạn mong đợi các nhà cung cấp chip hợp pháp sẽ tìm khách hàng. Trong khi một số kẻ lừa đảo vận chuyển cho người mua chip bán dẫn giả được sản xuất kém hoặc không hoạt động, một số chọn cách lừa đảo khác có “lợi nhuận” cao hơn, trong đó người mua phải trả trước cho các chip mà họ không bao giờ nhận được và kẻ lừa đảo cũng đưa ra mọi lý do để từ chối giao.
Việc xây dựng các cơ sở chế tạo mới mất quá nhiều thời gian, khó có thể trở thành giải pháp thiết thực cho tình trạng thiếu chip
John Annand, một nhà phân tích và giám đốc trong nhóm cơ sở hạ tầng tại công ty phân tích doanh nghiệp Info-Tech Research Group, cho biết, "Nhiều vụ gian lận xảy ra đơn giản là vì người mua bị áp lực phải trả tiền cho các nhà phân phối chip lừa đảo trên web, những người này sẽ vội đóng cửa các trang web vào thời điểm sản phẩm được cho là giao đến nơi, hủy mọi khả năng đòi lại tiền của người mua.”
Tệ hơn, nhiều công ty bị lừa đã từ chối tiết lộ công khai vì họ không muốn đối thủ cạnh tranh biết về điều đó. Điều này ảnh hưởng đến việc truyền thông tin giúp ngăn chặn những kẻ làm hàng giả. Mike Borza, nhà bảo mật chính tại công ty thiết kế chip Synopsys, nói: “Các công ty không muốn thừa nhận rằng họ không đủ hiểu biết hoặc không có đủ quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng của họ để ngăn lừa đảo”.
Bán chip giả là một hành vi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, Borza nói: "Chúng có thể hoạt động không chính xác trong một số điều kiện nhất định hoặc hỏng hóc vĩnh viễn trước tuổi thọ dự kiến thông thường. Những lỗi hỏng hóc này có thể tạo ra các vấn đề về độ tin cậy và bảo hành, gây tốn kém cho nhà sản xuất sản phẩm và làm xói mòn lòng tin của khách hàng."
Tham khảo: PA