Hai tàu chiến Ấn Độ đã đến Guam, 'đề pa' tập trận Malabar

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:20, 22/08/2021

Baoquocte.vn. Hai tàu chiến Ấn Độ gồm khinh hạm tàng hình INS Shivalik và tàu hộ vệ tác chiến chống ngầm INS Kadmatt ngày 22/8 đã đến Guam, Mỹ.
Hai tàu chiến Ấn Độ gồm khinh hạm tàng hình INS Shivalik và tàu hộ vệ tác chiến chống ngầm INS Kadmatt ngày 22/8 đã đến Guam, một lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, chuẩn bị tham gia tập trận Malabar-21. (Nguồn: PTI)
Hai tàu chiến Ấn Độ gồm khinh hạm tàng hình INS Shivalik và tàu hộ vệ tác chiến chống ngầm INS Kadmatt đến Guam, chuẩn bị tham gia tập trận Malabar-21 từ ngày 26-29/8. (Nguồn: PTI)

Hai tàu chiến Ấn Độ có mặt tại Guam, một lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương để tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn Malabar với sự tham gia của cả 4 thành viên nhóm Bộ tứ (Quad) từ ngày 26-29/8 tới.

Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ, Trung tá Vivek Madhwal nêu rõ: "Malabar-21 sẽ chứng kiến các cuộc diễn tập cường độ cao giữa các tàu khu trục, khinh hạm, tàu hộ tống, tàu ngầm, trực thăng và máy bay tuần tra biển tầm xa của các lực lượng hải quân tham gia".

Trong quá trình tập trận, hải quân 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ tiến hành các hoạt động phức tạp trên mặt nước, dưới mặt nước và trên không, bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật, tác chiến chống hạm, chống ngầm, phòng không, cùng các hoạt động thao dượt chung và các bài tập chiến thuật.

Người phát ngôn trên khẳng định việc tiến hành các cuộc tập trận bất chấp những biện pháp hạn chế về phòng chống dịch Covid-19 là "bằng chứng về sức mạnh tổng hợp" giữa các lực lượng hải quân tham gia và cam kết của họ trong việc tăng cường an toàn cho các vùng biển.

Tập trận Malabar bắt đầu vào năm 1992 như là hoạt động song phương giữa Ấn Độ và Mỹ. Nhật Bản trở thành thành viên thường trực từ năm 2015.

Theo lời mời của Ấn Độ, Australia đã tham gia phiên bản Malabar năm ngoái, qua đó trên thực tế đưa cuộc tập trận này trở thành cuộc tập trận của cả 4 quốc gia thành viên nhóm Bộ tứ.

Trước đó, ngày 12/8, các quan chức ngoại giao cấp cao nhóm Bộ tứ đã có cuộc họp dưới hình thức trực tuyến, trong đó tái khẳng định cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và hòa nhập trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước nêu đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ tại thủ đô Washington D.C vào cuối tháng 9 tới.

Hồng Phúc