Giá gạo 'chạm đáy' trong hơn 1 năm: Vì đâu nên nỗi?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 19:56, 22/08/2021
Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8, giảm mạnh 83 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 (390 USD/tấn), theo Reuters.
Theo Bộ Công Thương, việc không thể tiêu thụ lúa tươi tại ruộng dẫn đến giá lúa gạo nội địa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giảm liên tục trong nhiều tuần qua. Cụ thể, giá bình quân lúa tươi loại thường tại ruộng từ ngày 1/5 là 6.200 đồng/kg, ngày 1/6 là 5.800 đồng/kg, ngày 1/7 là 5.200 đồng/kg và đến ngày 5/8 giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg.
Không chỉ gạo đồ của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này cũng đã giảm xuống mức thấp do cầu thị trường yếu.
Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Hiện, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giao dịch ở mức 352 - 356 USD, giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2021.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387 - 400 USD/tấn trong tuần này, từ 380 - 395 USD/tấn một tuần trước đây, nhưng vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.
Có thể thấy, giá gạo của Việt Nam đang ở mức thấp hơn Thái Lan và tiệm cận với gạo của Ấn Độ. Trong khi hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, giá gạo Việt luôn cao hơn gần 100 USD so với gạo Ấn Độ.
Nguyên nhân khiến giá gạo giảm mạnh
Theo các thương nhân xuất khẩu, nguyên nhân khiến giá gạo giảm mạnh là do nhu cầu thấp, chi phí vận chuyển cao hơn, trong khi COVID-19 bùng phát cũng làm hạn chế khả năng giao hàng của doanh nghiệp.
Lúa tươi được thương lái thu mua dao động từ 5.300 - 5.800 đồng/kg, giảm từ 350 - 800 đồng/kg so với giá đặt cọc trước đó (tùy vào từng loại giống). (Ảnh: TTXVN)
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT của Intimex, cho hay, từ ngày 16/8, Công ty CP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã tiếp nhận lại dịch vụ đóng rút gạo tại Bến 125 - Cảng Cát Lái với quy mô 2 băng chuyền, công suất 70 container/ngày. Tuy nhiên với khối lượng cần giao lên tới 120.000 tấn trong tháng 8/2021, khả năng sẽ khó đáp ứng được.
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết: "Ban đầu Trung An dự kiến sau ngày 16/8 sẽ nối lại các đơn hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách đến hết tháng 8/2021 đã khiến kế hoạch thay đổi".
"Chúng tôi đã gửi thư xin lỗi tới đối tác và xin giao chậm các đơn hàng của tháng 8 sang tháng 9, còn tháng 9 thì kéo dài đến tháng 10/2021. Tổng số lượng gạo cần giao trong đợt này trên 22.000 tấn", ông Bình thông tin.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vinh Phát, ông Trần Ngọc Trung, cho hay, đối với các hợp đồng mới hầu như không doanh nghiệp nào dám ký vì diễn biến thị trường còn tùy thuộc vào dịch bệnh.
"Hiện hàng tồn kho của chúng tôi còn nhiều nên chỉ khi giải tỏa hết doanh nghiệp mới tiếp tục ký mới. Đó là chưa kể chi phí vận chuyển hiện ở mức quá cao cũng cản trở hoạt động xuất khẩu”, ông Vinh chia sẻ" trên Báo Công Thương.
Về tình hình xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết tháng 7/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sụt giảm do tác động của dịch bệnh cũng như căng thẳng cước tàu biển kéo dài.
"Hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Nếu tình trạng này tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành hàng và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.
(Theo VTV)