Kỷ luật mềm dẻo để đạt được những điều tích cực

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 21:17, 19/08/2021

Khi trẻ mắc lỗi, người lớn cần có biện pháp kỷ luật để răn đe. Thế nhưng, việc lựa chọn hình thức kỷ luật như thế nào sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của một đứa trẻ.

Không chỉ là giám đốc đào tạo của hệ thống giáo dục Tsubaki, TS Nguyễn Thị Thu được cho là người đầu tiên đưa phương pháp đọc Ehon của cha mẹ Nhật Bản về Việt Nam, đồng thời là tác giả của nhiều tựa sách hay dành cho cha mẹ.

Kỷ luật mềm trong gia đình nằm trong số đó. Sách được phát hành vào đúng thời điểm giãn cách xã hội, khi các thành viên trong mỗi gia đình có nhiều thời gian ở bên cạnh nhau hơn. Lúc này, việc quan tâm giáo dục con cái qua những cử chỉ nhỏ càng được chú trọng.

Giao duc con bang ky luat mem anh 1
Trẻ luôn quan sát cách cha mẹ ứng xử với nhau. Ảnh: Pinterest.

Cha mẹ cần có kỷ luật trước

Việc giáo dục trẻ trong mùa dịch đặc biệt quan trọng vì vai trò từ nhà trường đang “tạm ngừng hoạt động” do lệnh giãn cách xã hội. Cả gia đình sẽ có nhiều khoảnh khắc cùng nhau làm việc nhà, giải trí, ăn uống và trò chuyện.

Theo TS Nguyễn Thị Thu, trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, cách ứng xử của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới nhân cách của trẻ. Càng có nhiều thời gian bên cạnh nhau, trẻ sẽ càng quan sát được nhiều điều từ người lớn.

Nữ tác giả cho rằng tồn tại 5 nguyên tắc mà các bậc phụ huynh cần ghi nhớ khi giáo dục con tại nhà: Không can thiệp khi người kia đang dạy dỗ con; là đồng minh khi con có hành động thiếu tôn trọng bố hoặc mẹ; không chê bai khuyết điểm của nhau, nói xấu nhau trước mặt con; giữ thể diện cho nhau trước mặt người khác; và ghi nhận những điểm mạnh của đối phương

Chẳng hạn, hiện nay, nhiều gia đình có thói quen cùng nhau nấu ăn trong khi thực hiện lệnh giãn cách. Khi bố nếm giỏi hay trình bày một món ăn đẹp mắt, mẹ nên dành vài lời khen cho bố trước mặt con. Việc làm đó đơn giản, nhưng chúng như “gia vị hàng ngày để cuộc sống gia đình thêm đầm ấm”, nhất là ở thời điểm không khí dịch bệnh vốn đã rất căng thẳng.

Bên cạnh đó, cùng nhau chia sẻ công việc nhà, hình thành thói quen gọn gàng, ngăn nắp, cũng là những việc các bậc phụ huynh nên làm cùng con mỗi ngày.

Giao duc con bang ky luat mem anh 2
Sách Kỷ luật mềm trong gia đình được tác giả viết dành cho các gia đình Việt đang có con trong độ tuổi từ 3-10. Ảnh: T.H.

Nguyên tắc “kỷ luật mềm”

Khi không phải đến trường, nỗi lo bài vở cũng không quá nhiều, trẻ thường có thói quen tìm đến các hình thức giải trí khác nhau. Những thiết bị điện tử thông minh là sự lựa chọn của đa số trẻ nhỏ trong thời hiện đại.

Nhìn thấy con xem YouTube hay chơi game trên smartphone, cha mẹ thường có xu hướng la mắng, cấm đoán và yêu cầu chúng phải dừng lại ngay lập tức, hoặc sẽ đưa ra các hình phạt để răn đe, cảnh cáo.

Nhiều khuyến cáo tiêu cực về việc không nên cho trẻ tự do xem TV, điện thoại; nhưng cha mẹ thời hiện đại vẫn loay hoay không biết nên xử lý thế nào trước nỗi “nghiện” của con trẻ.

Nếu như người lớn có những “điều lệ” nhất định phải tuân thủ để giữ hình ảnh trước mặt con, thì khi cùng dạy con, tác giả cũng đề ra các nguyên tắc mềm dẻo trước mỗi hành vi phạm lỗi của trẻ.

TS Nguyễn Thị Thu cho rằng không nên cấm con sử dụng thiết bị điện tử thông minh, thay vào đó, hãy kiểm soát thời gian sử dụng của con bằng cách đề ra những “kỷ luật mềm” rõ ràng.

Việc học online tại nhà khiến smartphone trở thành thiết bị hữu hiệu. Học online trong mùa dịch là cách duy nhất giúp trẻ duy trì và nâng cao được kiến thức một cách đa dạng. Lúc này, cấm trẻ sử dụng đồng nghĩa với việc không cho trẻ học qua các kênh giảng dạy trên YouTube.

Thay vì cấm đoán, bố mẹ chỉ cần dạy con nhận biết bản chất của việc sử dụng điện thoại. Theo đó, khi trẻ còn quá nhỏ, người lớn không nên dùng điện thoại để dụ trẻ. Khi lên 3, thì nên hạn chế thời gian cho trẻ xem điện thoại mỗi ngày. Khi 7 tuổi, cha mẹ có thể gợi ý những kênh YouTube bổ ích để con vừa học vừa chơi.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên tìm hiểu, giải thích lý do vì sao những trang mạng này hữu ích, trong khi những trang khác lại không nên xem.

Với mỗi giai đoạn, không phải cứ cấm đoán và răn đe là sẽ tốt cho con. Nói cách khác, nếu giữ được tính “kỷ luật mềm”, trẻ sẽ cân đối được thời gian giải trí và học tập, từ đó an vui trải qua những ngày dịch bệnh bên gia đình.