IMF muốn kiềm chế 'sự hoang dã' của thị trường tiền số
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:47, 19/08/2021
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang muốn kiềm chế sự "hoang dã" của thị trường tiền kỹ thuật số trong bối cảnh đã có hơn 100 loại tiền số của ngân hàng trung ương đang được lên kế hoạch và các stablecoin và các loại tiền số khác đang ngày càng trở nên phổ biến.
Trước đà tăng mạnh của thị trường tiền số, IMF đã cảnh báo, tiền điện tử đang phổ biến một cách bất ngờ với sự xuất hiện của các loại tiền mã hoá, stablecoin, tiền kỹ thuật số quốc gia,... xâm lấn thị trường tiền tệ và một điểm đáng lưu ý đó là "không được giám sát đa phương", có nguy cơ gây ra sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Biển quảng cáo cho sàn giao dịch tiền điện tử Gemini ở New York (Mỹ). (Ảnh: EPA-EFE) |
Hơn 100 quốc gia có kế hoạch tung ra các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong khi các loại tiền ổn định và tiền điện tử được hỗ trợ bằng tài sản đang ngày càng phổ biến.
Stablecoin (đồng tiền ổn định) là loại tiền kỹ thuật số phát triển trên nền tảng blockchain và có giá trị ổn định. Giá của stablecoin được neo vào một tài sản ổn định khác như vàng hay tiền pháp định như USD, EUR...
IMF cho biết, giá trị của stablecoin đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 6 tháng qua, từ 25 tỷ USD lên 75 tỷ USD, trong khi tài sản tiền điện tử tăng gấp đôi từ 740 tỷ USD lên 1,4 nghìn tỷ USD. Các tài khoản tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia. Giống như nhiều thành quả trong sự đổi mới công nghệ, sự ra đời của tiền kỹ thuật số luôn có 2 mặt, tốt và xấu. Nhưng sự phát triển của các định chế mới này, không phải là thứ nên để phó mặc cho thị trường điều tiết.
Có ý kiến cho rằng, hình thức tiền tệ mới sẽ giải phóng mọi người khỏi sự chuyên chế của các chủ ngân hàng thương mại, sự kiểm soát của Ngân hàng Trung ương, sự can thiệp của các cơ quan quản lý và thoát khỏi hầu như tất cả sự kiềm chế tiền tệ đang có.
Nigel Green, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư deVere Group cho rằng, tiền điện tử sẽ là con đường của tương lai, dù ai là người chiến thắng hay thua cuộc trong câu chuyện chứng minh về chúng, thì điều cuối cùng vẫn là khái niệm về tiền điện tử phải được định nghĩa.
"Điều cần thiết là phải nhìn xa hơn sự chói lọi của công nghệ và sự hấp dẫn của các dịch vụ thanh toán tương lai, từ đó tạo ra các chính sách sâu sắc hơn trước những thách thức", chuyên gia Nigel Green phân tích.
Các loại tiền tệ được sử dụng cho các giao dịch quốc tế, chẳng hạn như lập hóa đơn và thanh toán cho hàng nhập khẩu, có thể thay đổi khi tiền kỹ thuật số ra đời. IMF gợi ý rằng, đồng USD có thể củng cố vị trí thống trị hơn nữa, nếu nó có sẵn ở dạng kỹ thuật số, với chi phí thấp và cho cơ sở người dùng rộng rãi. Một kịch bản khác là những loại tiền số được phát triển dựa trên lợi thế về chi phí, sự tin cậy và dễ sử dụng.
(Theo SCMP/ VOV)