Nỗi khổ ông chủ toà tháp mặt phố, đại gia trăm tỷ nguy cơ mất nhà

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:32, 19/08/2021

Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 kéo dài cùng các hoạt động giãn cách xã hội đang được xem là thách thức lớn đối với thị trường cho thuê văn phòng.

Quyết không giảm giá

Gần hết hợp đồng thuê nhà, anh Ngô Anh Tuấn, Giám đốc công ty kinh doanh vận tải ở Hà Nội, vẫn chưa đàm phán được với chủ nhà. Công ty anh Tuấn thuê một sàn văn phòng hơn 200m2 với mức giá 50 triệu đồng/tháng. Anh ký hợp đồng 5 năm, tới đây là hết hạn. Hơn một năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh doanh khó khăn, công ty anh cắt giảm nhiều nhân sự. Diện tích trống cũng tăng, nhưng do gần hết hạn thuê nên anh vẫn duy trì.

Hơn một tháng nay, anh liên tục hẹn với chủ toà nhà cho thuê nhưng đều không gặp được.

Anh cho hay: “Mình cũng có thiện chí thuê lâu dài cho ổn định nên mong muốn giảm diện tích thuê. Nhưng chủ nhà không đồng ý. Sau đó, mình có viết email xin giảm giá thuê hàng tháng, cả tháng nay vẫn chưa nhận được hồi âm”.

Nỗi khổ ông chủ toà tháp mặt phố, đại gia trăm tỷ nguy cơ mất nhà
Nhiều chủ nhà cho thuê không giảm giá (Ảnh minh hoạ)

Văn phòng anh Tuấn thuê là một toà nhà hạng C, do tư nhân đầu tư xây dựng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hiện, tỷ lệ trống của toà nhà khá cao, chỉ còn vài công ty là trụ được. Theo anh Tuấn, có thể chủ nhà đang gặp khó khăn khi không có khách thuê nên từ chối miễn giảm chi phí.

“Nếu chủ nhà không có thiện chí thì mình sẽ trả nhà, đi tìm thuê văn phòng nhỏ để duy trì công ty”, anh Tuấn nói.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, ông Đỗ Mạnh Hưng (Trưởng phòng hành chính công ty đào tạo kỹ năng sống ở Hà Đông, Hà Nội), kể rằng công ty gần như không hoạt động do ảnh hưởng của dịch. Các trung tâm đào tạo phải đóng cửa. công ty chỉ làm việc online, số lượng người tới văn phòng không nhiều. Thậm chí, dù đóng cửa thời gian dài nhưng dịch vụ bảo vệ, điện nước công ty vẫn phải đóng.

Mặc dù vậy, theo ông Hưng, khi đàm phán với chủ nhà về việc giảm giá tiền thuê đã nhận được cái lắc đầu.

Chủ nhà chỉ cho phép giảm thời gian đóng tiền từ 1 năm xuống 6 tháng, chia làm 2 đợt trong năm. Hợp đồng thuê vẫn tính theo năm, nếu không đồng ý có thể dọn đi. “Chủ nhà đang bắt chẹt người thuê. Chúng tôi kinh doanh ở đây đã lâu, có nhiều học viên biết tới, giờ mà chuyển đi sẽ mất hết khách”, ông lo ngại.

Rao bán để trả nợ

Thực tế, không chỉ khách thuê mà các chủ nhà cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Ông Đỗ Văn Hà (Chủ một toà nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội) đang đau đầu về khoản nợ vay ngân hàng đầu tư xây nhà văn phòng cho thuê cách đây hơn hai năm.

Năm 2017, ông Hà bỏ hơn 15 tỷ đồng, vay ngân hàng thêm 5 tỷ đầu tư một toà nhà văn phòng 10 tầng cho thuê. Chưa kể giá trị mảnh đất mặt phố trị giá gần 100 tỷ. Toà nhà đi vào hoạt động chưa được bao lâu, vốn chưa thu hồi thì gặp đại dịch. Hơn một năm nay, ông không cho thuê thêm được một mét vuông văn phòng nào, chưa kể các công ty trả lại mặt bằng sớm dù chưa hết hợp đồng.

“Biết là khó khăn, cả hai bên cùng chia sẻ, song thực tình thì những chủ nhà như tôi đang bị áp lực rất lớn. Không có khách thuê nhưng vẫn phải trả lãi vay ngân hàng. Nguy cơ siết nợ rất cao”, ông nói. Với ông Hà, thay vì giảm giá thuê trên hợp đồng, ông hỗ trợ các công ty phí dịch vụ và linh hoạt trong thanh toán. Mặc dù vậy, số lượng các công ty rời đi ngày càng nhiều khiến ông gặp áp lực lớn.

Nỗi khổ ông chủ toà tháp mặt phố, đại gia trăm tỷ nguy cơ mất nhà
Nhiều toà nhà rao bán (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, một chủ nhà khác ở khu vực Trung Hoà - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, mức giá thuê đang rất thấp so với các toà nhà khác trong khu vực. Chủ nhà chấp nhận để trống nếu bên doanh nghiệp không đồng ý tái ký hợp đồng.

Khảo sát cho thấy, so với thị trường khách sạn, văn phòng cho thuê vẫn cầm cự được. Song, diễn biến dịch ngày càng phức tạp khiến nhiều chủ toà nhà văn phòng rao bán vì áp lực trả nợ.

Đại diện đơn vị tư vấn cho thuê văn phòng Savills Hà Nội, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại, cho biết, phản ứng với diễn biến dịch bệnh, các khách thuê cảm thấy khó khăn hơn khi ra quyết định thuê văn phòng thời điểm này. Hoạt động khảo sát mặt bằng và thi công nội thất cũng gặp nhiều hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp đều quyết định tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê hoặc tạm hoãn kế hoạch chuyển văn phòng cho đến năm sau khi dịch bệnh được dập tắt.

Bà Minh đánh giá, 6 tháng cuối năm là thời điểm thị trường nhìn thấy sự chậm lại của tình hình hoạt động phân khúc phân phòng và sụt giảm trong tỷ lệ thuê thêm.

“Giá thuê văn phòng sẽ không bị tác động sau dịch. Yêu cầu giảm giá thuê có thể đến từ một số bộ phận khách thuê trong thời gian giãn cách xã hội do lệnh cấm di chuyển, không thể đến văn phòng làm việc. Xét về dài hạn, giá thuê hiện tại ở thị trường Hà Nội đang phản ánh đúng giá trị của thị trường và khả năng chi trả của khách thuê văn phòng. Do vậy, sẽ không có xu hướng giá thuê giảm đồng bộ để giữ chân khách hàng”, bà nhận định.

Để có thể thích ứng với thay đổi về doanh thu, áp lực vốn, kiểm soát chi phí trong mùa dịch, nhiều doanh nghiệp đã bỏ văn phòng truyền thống chuyển sang mô hình văn phòng linh hoạt. Chính vì thế, áp lực với các chủ nhà cho thuê văn phòng là rất lớn.

Tuy nhiên, theo bà Minh, trước khi đi chuyển đổi văn phòng, doanh nghiệp cần lưu ý rằng hợp đồng thuê văn phòng truyền thống hiện nay thường kéo dài từ 3 đến 5 năm, đi kèm với những điều khoản gia hạn trung bình từ 3 đến 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, giá thuê văn phòng dịch vụ thường đắt hơn giá thuê văn phòng truyền thống, việc tiết kiệm chi phí khi sử dụng loại hình văn phòng này là không chắc chắn.

Duy Anh

Duy Anh