Mùa Vu Lan với "tứ trọng ân", như dòng suối trong lành, mát dịu

Du lịch online - Ngày đăng : 19:00, 18/08/2021

Tứ trọng ân” như một dòng suối trong lành, mát dịu, len lỏi đến từng trái tim của mỗi con người và đã trở thành nguồn sống tinh thần trong tâm thức con người: tri ân và báo ân.

Mùa Vu Lan với

Phật tử làm lễ trong mùa Vu Lan. Ảnh minh họa

Theo thầy Thích Đạo Tâm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giá trị đạo đức tiêu biểu của Phật giáo là tinh thần tri ân và báo ân, được thể hiện cụ thể trong lễ Vu lan hàng năm theo truyền thống của đạo Phật.

Hiếu thảo trở thành bông hoa đạo đức

Lễ Vu lan dần trở thành ngày hội của tình thương yêu con người. Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên, vị đại đệ tử của Phật, với lòng chí hiếu cứu mẹ ra khỏi cảnh ngã quỷ khổ đau tăm tối nơi địa ngục.

Vu lan là ngày lễ truyền thống hàng năm nhằm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là dịp để cho mỗi người nhắc nhở lại bổn phận làm con của mình, tinh thần hiếu thảo trong mỗi mùa Vu lan đã trở thành bông hoa đạo đức, nhắc nhở mỗi người con phải tự soi xét, sống có hiếu hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn để đền đáp tình thương rộng lớn của những đấng sinh thành, người đã dâng trọn cả cuộc đời cho con.

Mùa vu lan không chỉ đơn thuần là cầu an lạc cho cha mẹ hiện còn tại thế và cầu siêu cho cha mẹ, ông bà và tổ tiên, bố thí cho những vong hồn không nơi thờ cúng, mà còn mang nhiều ý nghĩa rộng lớn hơn, nhân văn cao đẹp hơn đó là; mùa yêu thương đối với cộng đồng quốc gia và dân tộc.

Phật giáo với những triết lý duyên sinh, nhân quả, vô thường, vô ngã, mỗi một cá nhân hiện hữu đều do nhiều mối tương duyên, tương sinh để tồn tại. Do vậy không ai có thể sống một cuộc sống biệt lập, mà không có các mối quan hệ khác.

Nhà Phật chủ trương mỗi người đều mang trên mình bốn ân nặng (tứ trọng ân) đó là: 1, Ân trời đất (thiên nhiên) bao bọc chở tre cho sự sinh sống của muôn loài. 2, Ân quốc gia (đất nước). 3, Ân sư trưởng, phụ mẫu (thầy tổ, thầy dạy, và cha mẹ, ông bà). 4, Ân thập phương tín thí (đồng bào, xã hội). “Tứ trọng ân” được xem như một dòng suối trong lành, mát dịu, và đã len lỏi đến từng trái tim của mỗi con người, trở thành nguồn sống tinh thần trong tâm thức con người: Tri ân và báo ân.

Mùa Vu Lan với

Vu lan là ngày lễ truyền thống hàng năm nhằm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ

Trong Sám Mục Liên có dạy: “Hiện tiền đại chúng hãy nên biết rằng, ân đức cha mẹ không bến, không bờ thực khó đáp đền. Dù trăm nghìn đời nghiền thân làm vị đề hồ dâng cúng cho cha mẹ cũng không báo đáp hết công ơn cha mẹ”.

Bên cạnh đó, còn phải vì cha mẹ mà làm những điều phúc thiện, lòng biết ơn không chỉ với đấng sinh thành, mà còn mở rộng ra là thầy cô, bè bạn, chúng sinh quốc gia dân tộc.

Phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng phòng chống dịch”

Năm nay, mùa Vu Lan lại tới trong tâm thức của những người con Hiếu, nhưng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Từ tinh thần tri ân, báo ân, từ tình thương truyền thống của dân tộc, đông đảo tăng ni, Phật tử đã tham gia tuyến đầu phòng chống dịch, trong đó phải nói tới phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng phòng chống dịch”.

Mới đây, trong lễ xuất quân dành cho 299 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến (đợt 1), có 80 tăng ni và Phật tử, trong số đó có 2 đại đức và 13 sư cô đã tham gia. Tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đã có hàng trăm tăng ni sinh nộp đơn được tham gia tuyến đầu phòng chống dịch.

Trong đơn phát nguyện, ni sinh Thích Nữ Minh Nghĩa, lớp HV4 viết: “Chúng con là những tăng ni sinh trẻ, những người con của Như Lai, noi theo hạnh nguyện của Ngài với tinh thần từ bi, xin phát nguyện được tham gia phòng chống dịch COVID-19, góp phần nhỏ bé của mình sẻ chia những khó khăn với y, bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chúng con nguyện cầu hồng ân Tam bảo, mong sao dịch bệnh sớm tiêu trừ để người dân trở lại cuộc sống bình thường. Nếu được tham gia vào đội tình nguyện chống dịch, là niềm vinh hạnh của chúng con, nguyện làm hết sức mình để giúp đỡ người bệnh”.

Đại đức Thích Tâm Quang (Phan Trương Thanh Luận), đang tham gia tình nguyện tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19 (TP.Thủ Đức) chia sẻ: “Tham gia chống dịch thì vui có, buồn có, lo lắng có, sợ cũng có… Đối diện với dịch bệnh hàng ngày ai cũng sợ. Nhưng nhiệt huyết cống hiến, phụng sự lớn hơn nỗi sợ trong lòng, để rồi ta cứ vậy mà bước đi, mà tiến tới … Cuộc đời đẹp nhất là khi được dâng hiến đời mình cho đất nước, cho nhân dân... Đó là lý tưởng, là lẽ sống của người con Phật: Phụng sự chúng sinh".

Mùa Vu Lan với

Đại đức Thích Tâm Quang (Phan Trương Thanh Luận), đang tham gia tình nguyện tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19

Ở nơi tuyến đầu, thầy nhắn gửi gắm mọi người: “Muốn gửi triệu lời yêu thương tới mọi người ngoài kia. Ước mong duy nhất là mọi người đừng để bản thân bị nhiễm bệnh, đừng trở thành F0. Mọi người khổ, xã hội khổ theo, lực lượng tuyến đầu lại thêm phần lo lắng, thao thức. Hãy bảo về chính mình. Cố lên, chúng ta xẽ quyết thắng đại dịch”.

Nếu như ở bên trong kia là những đội ngũ y bác sĩ, đang ngày đêm chăm sóc cho các bệnh nhân. Thì bên ngoài, những đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên cũng đang tham gia tại các chốt kiểm dịch, để bảo vệ vùng xanh cho xóm làng, tổ dân phố cả ngày lẫn đêm, chẳng quản mưa gió hay nắng gắt.

Chưa bao giờ thấy cuộc sống thường nhật thay đổi nhiều đến vậy, nhưng cũng trong những lúc như thế này mới thấy tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta thật bao la rộng lớn.

Một trận đại dịch trải qua, chúng ta càng nhận rõ về sự vô thường mỏng manh của cuộc sống. Cũng có những người không may đã qua đời, sự ra đi của họ mà bên cạnh không có người thân, không có bạn bè, chỉ lặng lẽ cô đơn, được các đội ngũ y tế thực hiện nghi tức tẩm niệm giản đơn nhất và đem đi hỏa táng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức những buổi lễ cầu siêu cho những nạn nhân tử vong vì COVID-19. Nhiều chùa ở TP.HCM được lựa chọn làm nơi thờ tạm tro cốt của người mất vì Covid như chùa Long Hoa, chùa Tường Nguyên, Pháp viện Minh Đăng Quang...

Thầy Thích Đạo Tâm khẳng định, từ lòng hiếu với mẹ cha, đã trở thành lòng biết ơn Tổ quốc, lòng phục vụ vị nhân sinh, và những khi như thế này, những người đệ tử Phật đã thực hiện “Mệnh lệnh từ trái tim”, để phụng sự nhân sinh. Vì Kinh dạy rằng: Hết thảy người nam, người nữ trong nhiều kiếp sống, họ đã từng là cha ta, là mẹ ta, anh chị em, người thân của ta. Chính vì vậy hết thảy đều là thân bằng quyến thuộc. Từ đây mỗi người con Hiếu, đã biến cái hiếu nhỏ bé, thành hiếu đạo - tình thương bao la rộng lớn, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, cùng đưa nhau qua những ngày khó khăn.

P.V