Tin thế giới 11/8: Mỹ có động thái bất ngờ liên quan Dòng chảy phương Bắc 2; đụng độ đẫm máu ở Đông Ukraine; Kabul sẽ sớm thất thủ ?
Đối ngoại - Ngày đăng : 19:45, 11/08/2021
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Dòng chảy phương Bắc 2: Mỹ bổ nhiệm Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng
Ngày 10/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận việc bổ nhiệm ông Amos Hochstein làm Cố vấn cấp cao về An ninh Năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Blinken cho biết: "Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của ông Hochstein là thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gây ra".
Theo nhà ngoại giao Mỹ, việc bổ nhiệm này thể hiện quyết tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc sử dụng ngoại giao năng lượng để đảm bảo an ninh nguồn cung trong thời điểm chuyển đổi năng lượng quan trọng này.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, nước này cam kết đẩy lùi việc Nga "sử dụng năng lượng như một vũ khí địa chính trị", đồng thời thúc đẩy tương lai năng lượng bền vững và an toàn hơn cho Ukraine cũng như các nước tiền tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). (TASS)
Miền Đông Ukraine: Đụng độ đẫm máu gây thương vong
Ngày 11/8, quân đội Ukraine cho hay, đã xảy ra các cuộc đụng độ ở miền Đông nước này trong 24 giờ qua, khi lực lượng ly khai sử dụng súng cối, súng phóng lựu và súng máy hạng nặng tiến hành 16 vụ tấn công vào các binh sĩ chính phủ.
Trang Facebook của quân đội Ukraine nêu rõ: "Do pháo kích của đối phương, 3 quân nhân đã bị thương do mảnh đạn. Một binh sĩ bị thương đã chết tại bệnh viện".
Trong một vụ tấn công khác, một cụ ông đã thiệt mạng do pháo kích vào làng Novoselivka Druga thuộc khu vực ly khai Donetsk. (AFP)
Bán đảo Triều Tiên: Hàn Quốc nói không có thoả thuận bí mật với Triều Tiên
Ngày 11/8, trước nghi ngờ của cựu Tổng công tố Yoon Seok-youl, ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của đảng Quyền lực Nhân dân đối lập chính, rằng, Seoul có thể đã có thỏa thuận bí mật với Triều Tiên về việc kết nối lại các kênh liên lạc trực tiếp hồi đầu tháng này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bác bỏ: "Không đúng sự thật"
Liên quan đường dây nóng liên Triều, Bình Nhưỡng tiếp tục không hồi đáp các cuộc gọi đường dây nóng từ Seoul kể từ chiều ngày 10/8.
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời quan chức cấp cao nước này Kim Yong-chol, tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ khiến Seoul "nhận ra ngay đâu là lựa chọn nguy hiểm mà nước này đã thực hiện cũng như cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng mà họ sẽ phải đối mặt bởi sự lựa chọn sai lầm này".
Trong khi đó, Mỹ khẳng định, các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc mang tính chất phòng thủ và không có ý định thù địch nhằm vào Triều Tiên. (Yonhap)
Afghanistan: Chương sử mới đẫm máu, nguy cơ Kabul thất thủ
Sáu ngày qua, Taliban tấn công mạnh vào thủ phủ các tỉnh, mở ra chương mới đẫm máu hơn tại Afghanistan trong bối cảnh các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu sắp hoàn tất rút quân sau 20 năm thực hiện sứ mệnh chống khủng bố tại quốc gia Nam Á.
Ngày 11/8, ủy viên hội đồng tỉnh Kunduz Amruddin Wali cho biết, hàng trăm binh sĩ, cảnh sát và các lực lượng nổi dậy "đã đầu hàng Taliban cùng với tất cả vũ khí, trang bị của họ".
Cùng ngày, Taliban chiếm quyền kiểm soát thủ phủ tỉnh thứ 9, nhăm nhe cô lập thủ đô Kabul, trong khi đang bao vây và tìm cách "công phá" thành phố Mazar-i-Sharif lớn nhất miền Bắc Afghanistan.
Nếu mất Mazar, đây sẽ là một "đòn thê thảm" đối với Kabul và đại diện cho sự sụp đổ hoàn toàn quyền kiểm soát của chính quyền Afghanistan đối với khu vực phía Bắc - một pháo đài của lực lượng dân quân chống Taliban.
Tờ Washington Post dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, nước này lo ngại lực lượng Taliban có thể chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan trong vòng 1-3 tháng, sớm hơn nhiều so với đánh giá tình báo đưa ra trước đó. Một nguồn thạo tin cho biết, “mọi việc đang diễn biến theo chiều hướng xấu”.
Trong khi đó, cùng ngày, nhật báo Kommersant (Thương nhân) của Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergei Shoigu cho biết, lực lượng Taliban đã kiểm soát vùng biên giới phía Bắc của Afghanistan với các nước láng giềng Tajikistan và Uzbekistan, làm gia tăng lo ngại về an ninh đối với Moscow.
Giữa những diễn biến tồi tệ, ngày 11/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bay tới thành phố Mazar-i-Sharif để tập hợp lực lượng. (Reuters, Washington Post)
Belarus: Tổng thống Lukashenko đề xuất đàm phán, EU nói chỉ xem xét hành động
Ngày 11/8, ông Peter Stano, người phát ngôn của Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, EU chỉ xem xét các hành động chứ không phải lời nói của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko liên quan bất kỳ đề xuất đối thoại nào với phương Tây.
Trước đó, tại một cuộc họp ngày 9/8, ông Lukashenko đã đưa ra đề xuất đàm phán với phương Tây, đồng thời tuyên bố rằng ông có thể sớm từ chức.
Theo ông Stano: "Điều quan trọng bây giờ không phải là những gì ông ấy nói mà là những gì ông ấy làm".
Người phát ngôn này cho rằng, nhiệm vụ và nghĩa vụ cấp bách nhất trước mắt của nhà lãnh đạo Belarus là "ngăn chặn sự đàn áp, bắt đầu đối thoại với người dân và khởi động một cuộc đối thoại toàn quốc để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại".
Bên cạnh đó, EU kêu gọi Belarus tổ chức các cuộc bầu cử "tự do và công bằng phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của Belarus để người dân Belarus thực sự có thể quyết định ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo của đất nước họ". (TASS)
Anh-Đức: Đức bắt giữ nhà ngoại giao Anh tình nghi làm gián điệp cho Nga
Ngày 11/8, các công tố viên thông báo, cảnh sát Đức đã bắt giữ một người đàn ông làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Berlin một ngày trước đó vì tình nghi chuyển tài liệu cho cơ quan tình báo Nga để lấy tiền mặt.
Cảnh sát Anh đã xác nhận thông tin trên.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết, cơ quan này đang xem xét rất nghiêm túc và sẽ giám sát chặt chẽ cuộc điều tra của các công tố viên về vụ việc, đồng thời nhấn mạnh, hoạt động do thám các quốc gia đồng minh trên đất Đức là không thể chấp nhận được. (Reuters)
Trung Đông:
Tổng thống Iran giới thiệu nội các mới, được mời dự Thượng đỉnh khu vực
Ngày 11/8, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã giới thiệu nội các mới để lấy phiếu tín nhiệm tại quốc hội. Danh sách nội các sẽ được công bố chính thức tại quốc hội vào ngày 14/8 tới.
Theo danh sách các thành viên nội các được truyền thông nhà nước công bố, Tổng thống Raisi đã chọn ông Hossein Amirabdolahian làm Ngoại trưởng và ông Javad Owji làm Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ.
Trong một tin khác, ngày 10/8, Văn phòng Tổng thống Iran cho biết, ông Raisi đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực dự kiến diễn ra tại thủ đô Baghdad (Iraq) vào cuối tháng này, tuy nhiên không xác nhận ông Raisi có nhận lời tham dự hay không. (Reuters)
Nổ lớn trên tàu neo đậu tại cảng Syria gây thương vong
Ngày 10/8, một vụ nổ lớn xảy ra trên một tàu thương mại được cho là của Iran đang neo đậu tại cảng Latakia của Syria, gây thương vong và thiệt hại lớn về tài sản".
Một số thông tin sau đó cho rằng 2 người đã bị thương nhẹ trong vụ việc. Hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ nổ nói trên. (Reuters)
Thủ tướng Israel và Giám đốc CIA thảo luận tình hình Trung Đông
Ngày 11/8, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns đang ở thăm Tel Aviv, trong đó thảo luận về tình hình an ninh tại Trung Đông, đặc biệt là vấn đề Iran.
Theo kế hoạch, ông Burns sẽ làm việc với Giám đốc cơ quan tình báo Israel (Mossad) David Barnea để thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran và “những thách thức khác trong khu vực”.
Ông Burns dự kiến cũng sẽ gặp giới chức Palestine, trong đó có Tổng thống Mahmoud Abbas, tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây. (Times of Israel)
Mỹ sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ
Ngày 11/8, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo từ các quốc gia dân chủ vào ngày 9-10/12.
Theo thông báo, Hội nghị thượng đỉnh này "sẽ tập hợp các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo xã hội dân sự, tổ chức từ thiện và khu vực tư nhân" thảo luận "những thách thức mà nền dân chủ phải đối mặt để cùng nhau củng cố nền tảng cho đổi mới dân chủ"
Mỹ cũng lên kế hoạch cho một phiên họp trực tiếp tiếp theo dự kiến diễn ra một năm sau đó. (Reuters)