Đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn là đột phá trong kinh tế số

Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:09, 11/08/2021

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT là bước đột phá trong phát triển kinh tế số nông nghiệp và đề nghị các địa phương phối hợp với doanh nghiệp bưu chính để xây dựng phương án chi tiết.

Nỗ lực đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT

Sáng ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã chủ trì “Hội nghị trực tuyến phổ biến và hướng dẫn triển khai Kế hoạch 1034 về đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.

Cuối tháng 7, Bộ TT&TT phê duyệt Kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”. Kế hoạch hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản.

Đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn là đột phá trong kinh tế số
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị trực tuyến hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. (Ảnh: Đức Huy)

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Bộ TT&TT xác định rõ 2 nhiệm vụ khi triển khai kế hoạch đó là: Tuyên truyền đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT và hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản trên tất cả các kênh; chỉ đạo doanh nghiệp bưu chính tập trung đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Việt Nam có khoảng 9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp và 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Toàn bộ các hộ này sẽ được đưa lên sàn. Đây sẽ là định hướng lâu dài để bà con hoạt động và kinh doanh. "Đây là bước đột phá đầu tiên trong phát triển kinh tế số nông nghiệp". 

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) lý giải rõ hơn, chuyển đổi số cho hộ sản xuất nông nghiệp là bước phát triển đột phá được nêu ra trong kế hoạch bởi đây là lực lượng chính để triển khai kinh tế số nông nghiệp. Bộ TT&TT chọn bước đột phá vào con người bởi con người là yếu tố khó khăn nhất trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Bằng cách đưa bà con lên sàn TMĐT để họ thấy rõ lợi ích trong việc bán hàng và mua hàng trên sàn TMĐT.

Bộ TT&TT sẽ đưa 12-13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể lên các sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kinh doanh. Đây là mục tiêu lớn của Bộ TT&TT trong thời gian tới. Đến hết năm nay, Bộ sẽ cố gắng đưa khoảng 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói.

Các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ

Theo ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh, hiện nay tỉnh có khoảng 160 sản phẩm OCOP, VietGap và bước đầu đã đưa một số sản phẩm lên các sàn TMĐT, nhưng con số này còn rất ít và mới  manh nha, chưa mang lại hiệu quả lớn hay tạo bước đột phá trong TMĐT.

Đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn là đột phá trong kinh tế số
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ TT&TT. (Ảnh: Đức Huy)

Cũng như nhiều địa phương khác, Hà Tĩnh gặp trở ngại bởi bà con nông dân chưa tạo được thói quen bán sản phẩm theo phương thức mới. Bên cạnh đó là hạ tầng chưa cho phép, khó khăn từ việc truy xuất nguồn gốc để tạo thói quen cho người tiêu dùng hay các vấn đề logistic, nhất là đối với sản phẩm tươi sống.

Còn theo số liệu từ ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đến nay có 7.987 hộ nông dân và 14.594 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn TMĐT. Tổng giá trị giao dịch nông sản là 944 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Toàn nhận định rằng: “Nếu so với mức tiêu thụ trực tiếp và mô hình kinh doanh truyền thống thì vẫn cần bước tiến lâu dài”.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đánh giá: Sản lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT hiện chưa nhiều. Ngay như ở Bắc Giang, trong vụ vải 2021, sản lượng tiêu thụ trên các sàn chỉ chiếm 5%. Nhưng Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng ngoài việc xây dựng thêm được một kênh tiêu thụ sản phẩm, sàn TMĐT hỗ trợ được rất nhiều cho các hộ nông dân, giúp bà con biết thông tin, giá cả các nơi, thêm kênh truyền thông tạo thành nguồn lực mạnh để tiêu thụ sản phẩm.

"Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì kinh doanh trên sàn TMĐT, kinh doanh online là việc cấp bách nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch”, Thứ trưởng nói.

Dưới sự chỉ đạo, điều phối của Bộ TT&TT, hai sàn TMĐT của các doanh nghiệp bưu chính là Postmart (VietnamPost) và Vỏ Sò (ViettelPost) đã lập tức vào cuộc.

Đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn là đột phá trong kinh tế số
Các điểm cầu trực tuyến ở nhiều địa phương

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị Sở TT&TT các tỉnh nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh, cùng các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết trên cơ sở khung kế hoạch của Bộ TT&TT và dựa vào đặc thù địa phương. Từ kế hoạch chi tiết này mới nhìn ra được các điểm thuận lợi, khó khăn và hướng đề xuất cụ thể.

Quan trọng nhất là các địa phương phải cùng với 2 doanh nghiệp xây dựng phương án. Coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để làm sao cho bà con có hình thức kinh doanh mới, làm giàu trên chính sản phẩm và đôi tay của mình”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Duy Vũ