Tư duy chiến lược với góc nhìn toàn diện về phát triển du lịch nội địa

Xã hội - Ngày đăng : 11:42, 09/08/2021

PGS.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) đã có bài viết gửi tới báo Điện tử Tổ Quốc về tư duy chiến lược với góc nhìn toàn diện về phát triển du lịch nội địa.

Phát triển du lịch nội địa từ góc nhìn chiến lược

Đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Phát triển du lịch ở Việt Nam từ năm 2020 đến nay cũng không phải là ngoại lệ.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80%; khách du lịch nội địa giảm 34%; thu nhập du lịch giảm gần 59%, gần 60% lao động mất việc làm hoặc giảm việc làm so với năm 2019. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%.

Dự báo tác động này, đặc biệt đối với dòng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021 và chỉ dừng lại khi có được trạng thái miễn dịch cộng đồng đồng thời ở Việt Nam và các quốc gia là thị trường du lịch mục tiêu của du lịch Việt Nam.

Khi phân tích sâu hơn về những con số thống kê trên thì có thể thấy lượng khách quốc tế "đến Việt Nam" trong năm 2020, hiểu theo đúng khái niệm được đưa ra trong Luật Du lịch, thực chất là khách nội địa bởi phần lớn trong số 3,7 triệu khách quốc tế được ghi nhận trong năm 2020 là người nước ngoài sống, làm việc và học tập tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc trong năm 2020, chính nhờ du lịch nội địa mà du lịch Việt Nam vẫn còn có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cho dù bị tác động rất nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Thực trạng trên là minh chứng về sự đúng đắn của tầm nhìn chiến lược được thể hiện tại "Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 theo đó một trong những quan điểm phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và xa hơn đến năm 2030 là "Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế".

Tư duy chiến lược với góc nhìn toàn diện về phát triển du lịch nội địa - 1

PGS.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam.

Như vậy với quan điểm này, ngay từ những năm đầu của Thập niên 2010, du lịch nội địa đã được coi trọng đứng từ góc độ định hướng chiến lược và đây là điểm khác biệt lớn so với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010, theo đó "Lấy du lịch quốc tế là hướng chiến lược", hay nói một cách khách du lịch quốc tế được ưu tiên hơn trong giai đoạn phát triển đến năm 2010.

Nhãn quan chiến lược đối với việc coi trọng phát triển du lịch nội địa được hình thành dựa trên lý luận và những bài học thực tiễn ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Về lý luận thì có thể dễ dàng nhận thấy phát triển du lịch nội địa có vai trò đặc biệt quan trong ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện bởi:

Thứ nhất, thị trường du lịch nội địa thuận lợi trong khai thác bởi không bị phụ thuộc vào chính sách nhập cảnh của Việt Nam, chính sách xuất cảnh của các quốc gia là thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam và hạ tầng giao thông kết nối quốc tế, đặc biệt là đường hàng không.

Thứ hai, mặc dù về tổng thể khách nội địa có mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình thấp hơn so với khách du lịch quốc tế, tuy nhiên nếu có chiến lược sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường cùng các biện pháp đồng bộ thì hiệu quả kinh tế từ khai thác thị trường nội địa ít nhất sẽ không thua kém, thậm chí vượt trội so với thị trường quốc tế do số lượng khách nội địa luôn lớn hơn nhiều lần lượng khách quốc tế.

Thứ ba, với số lượng áp đảo tuyệt đối, việc phát triển thị trường nội địa có tác động lan tỏa đến phát triển các ngành kinh tế liên quan như giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp, v.v... sẽ lớn hơn nhiều so với du lịch quốc tế.

Thứ tư, phát triển du lịch nội địa chính không chỉ là cơ hội để mọi người dân Việt Nam được hưởng thụ các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, về văn hóa, lịch sử của đất nước và được giao lưu văn hóa giữa các vùng miền mà còn là cách tiếp cận tốt nhất để thực hiện quyền được phát triển về tinh thần của mỗi công dân Việt Nam.

Đứng từ góc độ thực tiễn thì phát triển du lịch Việt Nam đã có được nhiều bài học từ việc thiếu chú trọng đối với phát triển du lịch nội địa, cụ thể:

Năm 1998, khủng hoảng tài chính khu vực đã làm lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 11,4% và tổng thu nhập từ du lịch giảm 8,6% so với năm 1997.

Năm 2003, dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã ảnh hưởng làm lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 7,6%, qua đó tổng thu nhập từ du lịch cũng giảm 4,3% so với năm 2002.

Năm 2009, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng làm lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,9% và tổng thu nhập từ du lịch giảm 3,3% so với năm 2008.

Năm 2014-2015, chính sách visa của Trung Quốc đối với điểm đến Việt Nam có sự thay đổi theo hướng "thắt lại" do ảnh hưởng của những căng thẳng trên Biển Đông đã làm cho tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm (chỉ tăng 4% so với 10,6% trước năm 2013). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam và thu nhập từ du lịch năm 2015 hầu như không có sự thay đổi so với năm 2014. Những điểm đến du lịch, nơi khách du lịch Trung Quốc chiếm thị phần chi phối như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang,.. đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách này.

Cũng trong giai đoạn này, do khủng hoảng kinh tế, đồng Rup Nga mất giá dẫn đến lượng khách du lịch từ thị trường Nga, đến Việt Nam nói chung và một số địa phương như Bình Thuận, Khánh Hòa,.. sụt giảm mạnh.

Ví dụ, Bình Thuận nói chung và Phan Thiết - Mũi Né luôn là điểm đến ưu thích của khách Nga với thị phần luôn chiếm từ 30-40% khách quốc tế, tuy nhiên do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trong nước, lượng khách đến đây giảm mạnh và chỉ đạt khoảng 16% năm 2015. Hậu quả đã ảnh lớn đến tăng trưởng du lịch Bình Thuận 2015-2016. Tình trạng tương tự xảy ra đối với Nha Trang - Khánh Hòa và nhiều điểm đến khách ở khu vực miền Trung.

Năm 2020 và diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy vai trò của du lịch nội địa khi khả năng tự phục hồi sẽ thuận lợi hơn so với du lịch quốc tế.

Những "rủi ro" xảy ra trên đây có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của du lịch các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung nếu như phát triển du lịch nội địa được quan tâm "đúng tầm chiến lược" với những chính sách mang tính tổng thể về chiến lược chứ không phải là những chính sách "kích cầu nội địa" mang tính "chữa cháy" nhất thời như thường được áp dung khi du lịch quốc tế bị tác động mạnh.

Như vậy có thể thấy vai trò đặc biệt quan trọng của du lịch nội địa từ góc nhìn chiến lược tổng thể phát triển du lịch.

Thực trạng phát trển du lịch nội địa

Với những phân tich dựa trên cơ sở lý luận và những bài học kinh nghiệm thực tiễn, một trong những "điểm" mới của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chính là quan điểm về phát triển du lịch nội địa như đã đề cập.

Quan điểm này cũng đã được khẳng định tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo đó một trong những quan điểm chính là "Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường".

Tư duy chiến lược với góc nhìn toàn diện về phát triển du lịch nội địa - 2

Du lịch nội địa cần được nhìn nhận lại. Ảnh minh họa

Cho dù chiến lược đã được đưa ra, xác định rõ vai trò của du lịch nội địa với thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân và GDP bình quân đầu người ngày một tăng, tuy nhiên trong thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, ở nhiều địa phương và thâm chí ở cả bình diện quốc gia, du lịch nội địa vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Điều này được "biện minh" bởi lý do mức chi tiêu và ngày lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế vẫn cao hơn. Thực tế số liệu giai đoạn 2015 - 2019 được công bố bởi Tổng cục Du lịch cho thấy tỷ lệ tổng thu từ khách quốc tế và khách nội địa hầu như không thay đổi với 55,7% là từ du lịch quốc tế và khoảng 44,3% là từ du lịch nội địa, mặc dù về số lượng, khách nội địa cao gấp 4,5 - 4,7 lần số lượng khách quốc tế.

Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch nội địa với mục tiêu tăng hiệu quả kinh doanh du lịch nội địa đã không được chú nghiên cứu đề xuất ở quy mô quốc gia cũng như địa phương. Chính vì vậy, cho dù số lượng khách nội địa luôn tăng, song hiệu quả đem lại về kinh tế - xã hội lại không được như mong muốn, thậm chí trong nhiều trường hợp phát triển du lịch nội địa còn được xem là nguyên nhân của tình trạng "quá tải" ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và xã hội ở nhiều điểm đến du lịch.

Với tư duy và cách nhìn như vậy, nên cho dù đã có nhiều bài học từ thực tiễn, song cho đến nay du lịch nội địa vẫn chưa thực sự được coi trọng "đúng tầm" không chỉ ở cấp độ địa phương mà còn ở cấp độ quốc gia.

Chính vì vậy khi lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm mạnh tới hơn 80% cùng với trên 90% công ty doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động thì vai trò của du lịch nội địa mới có được sự "quan tâm" của cơ quan QLNN về du lịch từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp du lịch. Điều này cho thấy còn tồn tại một khoảng cách khá lớn từ tư duy, định hướng chiến lược đến việc triển thực hiện chiến lược trong thực tiễn.

Thực trạng phát triển du lịch nội địa nếu không có được sự thay đổi về nhận thức và hành động thì sẽ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.

Đã đến lúc cần có những "khoảng lặng" để nhìn lại một cách nghiêm túc và cầu thị đối với phát triển du lịch nội địa, để du lịch Việt Nam trước mắt vượt qua được "khủng hoảng" tác động của đại dịch Covid-19 và lâu dài có được những phương thức quản trị rủi ro đối với những biến động của du lịch quốc tế để đảm bảo sự phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn và sự kỳ vọng của Đất nước./.

PGS.TS. Phạm Trung Lương - Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (Báo Tổ quốc)