Thổ Nhĩ Kỳ: Tour trải nghiệm cuộc sống của bộ lạc cuối cùng duy trì lối sống du mục thời 4.0 hút khách du lịch
Du lịch online - Ngày đăng : 06:34, 06/08/2021
Sarıkeçili Yörüks được coi là bộ lạc cuối cùng ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì lối sống du mục. (Ảnh: Wikipedia)
Hạnh phúc du mục giản đơn bên đàn gia súc của người Yörüks
Bộ lạc Sarıkeçili Yörüks (Sarıkeçili có nghĩa là Dê Vàng, Yörüks là dân du mục Thổ Nhĩ Kỳ - thường được gọi là người Yörüks) được coi là bộ lạc cuối cùng ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì lối sống du mục, bất chấp đà suy giảm các bộ lạc du mục trên thế giới do quá trình công nghiệp hóa và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Họ chăn nuôi dê, cừu, lạc đà và đôi khi cả một số gia súc khác.
Người phụ nữ cưỡi ngựa dẫn đầu một gia đình Yörüks bắt đầu hành trình du mục mùa Hè hôm 4/5/2021, từ Mersin lên vùng cao nguyên mát mẻ hơn. (Ảnh: DHA)
Hơn nửa thế kỷ trước có khoảng 1.000 gia đình Yörüks du mục trên thảo nguyên Anatolia, nhưng ngày nay số hộ gia đình Yörüks đã giảm đi rất nhiều. Người Yörüks hiện sống chủ yếu tại tỉnh Mersin ở trung tâm phía đông vùng bờ biển Địa Trung Hải thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phụ nữ đi bộ hôm 4/5, dẫn đàn gia súc di chuyển lên Konya và Karaman tránh nắng nóng mùa Hè. (Ảnh: DHA)
Anatolia còn được gọi là "Tiểu Á", là một bán đảo lớn ở vùng Tây Á và là phần nhô ra ở cực tây của lục địa châu Á. Anatolia chiếm phần lớn diện tích của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Sarıkeçili Yörüks được coi là bộ lạc duy nhất đại diện cho sự di cư của người Thổ Nhĩ Kỳ từ Trung Á, với động vật là nguồn sống chính của họ. Ngay cả vật liệu làm Kara fadir - loại lều bằng nỉ và len màu đen độc đáo của họ cũng được làm từ lông cừu hoặc lông dê.
Tại những nơi chăn thả gia súc trên cao nguyên, người Yörüks ngày nay vẫn sống trong những chiếc lều len tối màu truyền thống gọi là Kara fadir. (Ảnh: theblacktentproject)
Bữa ăn của người Yörüks ngoài lúa mì và rau xanh thì thịt, bơ, pho mát và sữa chua đều là những sản phẩm do vật nuôi đem lại. Người Yörüks còn bán dê, cừu cùng các sản phẩm chế biến từ sữa của chúng tại những nơi có chợ để mua các vật phẩm dự phòng cho mùa Đông.
Hành trình du mục giúp trẻ em Yörüks có không gian thoáng đãng hơn để tận hưởng kỳ nghỉ Hè trên cao nguyên, trong khi phụ nữ Yörüks làm được loại pho mát, sữa chua…thơm ngon hơn. (Ảnh: dailysabah)
Theo tục lệ du mục, vào mùa Đông người Yörüks sống trong khu trại ở tỉnh Mersin nơi có khí hậu ấm áp hơn. Mùa Hè họ di chuyển đàn gia súc tới chăn thả tại những đồng cỏ quanh Konya và Karaman ở vùng cao nguyên miền Trung Anatolia mát mẻ hơn để tránh nắng nóng.
Phụ nữ tạo nên "phong cách sống Yörük" độc lạ, rất hấp dẫn khách du lịch thời 4.0
Một nét quan trọng trong văn hóa truyền thống được bộ lạc Sarıkeçili Yörüks gìn giữ là "Boğaz Havası" (hay còn gọi là "Boğaz Çalma", giống như kiểu "trò chơi bằng cổ họng"), được thực hiện bằng cách ấn ngón tay vào cổ họng khi hát để tạo ra âm thanh khác lạ.
Nét đẹp văn hóa truyền thống "Boğaz Havası" (hay còn gọi là "Boğaz Çalma") được 2 phụ nữ đại diện cho 2 thế hệ người Yörüks thể hiện. (Ảnh: researchgate.net)
Trọng tâm của mỗi bộ lạc là các đơn vị gia đình, với truyền thống kết hôn chỉ trong bộ tộc. Các chàng trai trẻ sống cùng cha mẹ cho tới khi kết hôn mới dọn ra lều riêng sống cùng vợ.
Những đứa trẻ sinh ra được cả bộ tộc nuôi dưỡng nên ai cũng được coi như cha mẹ của bé. Mặc dù cuộc sống du mục rất khó khăn và thường ở những nơi xa xôi, khó tiếp cận nhưng phần lớn trẻ em Yörüks vẫn được đi học.
Cô dâu cùng tham gia vũ điệu hôn lễ của người Yörük. (Ảnh: stampsy)
Phụ nữ có vai trò nổi bật trong lối sống của người Yörük, được ví như "xương sống" của mỗi gia đình. Họ là những nhân vật chính tạo nên "phong cách sống Yörük" tuy vất vả nhưng đem lại niềm hạnh phúc giản đơn gắn với thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành… rất cuốn hút khách du lịch thời 4.0.
Trong khi đàn ông lo việc chăn nuôi gia súc thì phụ nữ đảm trách mọi phần việc còn lại như: dệt lều và túi yên ngựa, chăm sóc gia đình may quần áo, vắt sữa động vật, làm pho mát và sữa chua.
Hạnh phúc giản đơn của những người phụ nữ Yörüks giữa thiên nhiên hoang sơ, bên gia đình và đàn gia súc. (Ảnh: dailysabah)
Trước hành trình du mục có lịch sử từ hơn 1.000 năm trước, thường kéo dài khoảng từ 20-25 ngày vòng theo chân dãy núi Taurus, phụ nữ Yörüks cũng là những người bận rộn nhất. Trong khi đàn ông dỡ lều chất lên lưng lạc đà thì họ lo chuẩn bị thực phẩm, đóng gói đồ đạc, chăm sóc đàn gia súc…
Khách du lịch thời 4.0 sau khi tới thành phố Istanbul, thường đi tiếp theo các tour trải nghiệm cuộc sống du mục của người Yörüks. (Ảnh: Pinterest)