Lầm tưởng và sự thật về nguy cơ lây nhiễm nCoV qua thực phẩm đông lạnh

Tin Y tế - Ngày đăng : 22:27, 05/08/2021

Theo các chuyên gia, nCoV không thể tồn tại trên thực phẩm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nguy cơ lây nhiễm nếu thiếu tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19.

Hà Nội vừa phát hiện chùm ca bệnh phức tạp liên quan Công ty Thực phẩm Thanh Nga (Hai Bà Trưng), chuyên cung cấp thịt bò. Nhiều người lo ngại nguy cơ bị lây nhiễm virus khi mua thực phẩm tươi sống, đông lạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu đúng về con đường lây nhiễm của SARS-CoV-2 để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

SARS-CoV-2 không lây qua thực phẩm

Virus có thể sống trên bề mặt các thực phẩm?

Không.


Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định nCoV không thể sống, sinh sôi trong thực phẩm. Chúng cần vật chủ (động vật hoặc con người) để sinh sôi và tồn tại.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng nhấn mạnh virus không thể phát triển trong các thực phẩm đông lạnh.

Nguy cơ lây nhiễm chỉ có thể xảy ra khi người chế biến, nhân viên giao hàng mắc bệnh và phát tán virus qua các vật dụng như túi, hộp đựng... Lúc này, người dân khi chạm vào, vô tình đưa lên mặt có thể dẫn đến mắc bệnh. Tuy nhiên, xác suất này khá thấp.

meat_fresh_categories_1_1.jpg
Các chuyên gia nhận định nguy cơ lây nhiễm virus nCoV qua thực phẩm là rất thấp. Ảnh: Freepik.

Tôi có thể bị lây nCoV khi sử dụng thực phẩm nhiễm SARS-CoV-2?

Không.


Covid-19 là bệnh đường hô hấp và đường lây truyền là qua tiếp xúc giữa người với người; tiếp xúc trực tiếp với các giọt đường hô hấp tạo ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hiện tại, không có bằng chứng cho thấy mọi người có thể nhiễm SARS-CoV-2 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nguy cơ mắc Covid-19 do ăn hoặc xử lý thực phẩm (bao gồm cả sản phẩm đông lạnh) là rất thấp.

CDC cũng khuyến cáo một người có thể bị nhiễm nCoV khi chạm vào bề mặt hoặc vật thể (bao gồm thực phẩm, bao bì thực phẩm) có virus. Nhưng nguyên nhân là sau đó chúng ta chạm tay vào miệng, mũi, mắt, virus theo đường này xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, đây không phải con đường lây lan chính của SARS-CoV-2.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhận định: “SARS-CoV-2 không thể tồn tại trong thực phẩm. Chúng chỉ có khả năng xuất hiện tạm thời trên bề mặt của thực phẩm nếu nhân viên sản xuất, giao hàng ho, hắt hơi và khiến các giọt bắn dính lên đó”.

Tôi có cần phun khử khuẩn bao bì thực phẩm trước khi sử dụng không?

Không.


WHO nhấn mạnh chúng ta không cần phải khử trùng vật liệu đóng gói thực phẩm. Tuy nhiên, bạn cần rửa sạch tay và đúng cách sau khi cầm gói thực phẩm, trước khi ăn.

times_zing2.jpg
Người dân không nên đổ xô đi mua thực phẩm, cần tuân thủ 5K và nguyên tắc ăn chín uống sôi. Ảnh: Phương Lâm.

Virus có thể tồn tại bao lâu trên bề mặt thực phẩm?

Hiện tại, giới chuyên gia có rất ít thông tin về cách SARS-CoV-2 tồn tại bên ngoài cơ thể con người. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) công bố bản tóm tắt của nhà khoa học Van Doremalen và các cộng sự cho thấy nCoV có thể tồn tại ở bên ngoài môi trường không khí lên đến 3-4giờ sau khi phun khí dung.

Trên các bề mặt bìa cứng, virus có thể tồn tại đến 24 giờ và thậm chí tới 2-3 ngày với nhựa và thép không gỉ.

Tuy nhiên, WHO và ECDC cũng nhấn mạnh các phát hiện thu được trong các thí nghiệm ở môi trường được kiểm soát, cần rất thận trọng khi sử dụng nó ngoài thực tế.

Virus có tồn tại trên tiền mặt không?

Có.


Tuy nhiên, theo AP, tương tự thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ lây nhiễm nCoV từ tiền mặt sang người là rất thấp.

Ăn chín, uống sôi, tuân thủ 5K

Hình thức giao hàng online có an toàn không?

Có.

Nếu nhà cung cấp tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm, nguy cơ lây nhiễm khi nhận hàng online là rất thấp. Bạn nên đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách khi nhận hàng, thực phẩm online. Ngoài ra, sau khi nhận hàng, chúng ta nên rửa sạch tay với xà bông và nước.

SARS-CoV-2 có bị tiêu diệt khi đun, nấu thức ăn không?

Có.


WHO cho hay nCoV là virus không có khả năng chịu nhiệt tốt như các chủng thường có trong thực phẩm. Khuyến cáo từ tổ chức này cho thấy chúng ta cần vệ sinh tốt, nấu chín kỹ thực phẩm ở nhiệt độ >70 độ C.

Sau khi mua sắm, trước khi sơ chế, chế biến thực phẩm hoặc trước khi ăn, điều đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm virus là rửa sạch tay bằng xà bông và nước trong ít nhất 20 giây; sát khuẩn tay bằng cồn trên 60%.

Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy SARS-CoV2 lây sang người qua đường ăn uống hay nước uống. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn khác.

3_39_1024x683.jpg
Khử khuẩn tay trước trong và sau khi đi siêu thị giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV. Ảnh: Freepik.

Tôi nên làm gì để bảo vệ bản thân khi đi chợ, siêu thị?

Người tiêu dùng nên duy trì khoảng cách an toàn ít nhất 1 m với tất cả người mua sắm, nhân viên tại siêu thị, chợ trong suốt quá trình chọn, mua, thanh toán.

Nếu sử dụng xe đẩy hoặc giỏ hàng, bạn cần vệ sinh tay trước và sau khi sử dụng. Ngoài ra, trước khi vào siêu thị, chợ, chúng ta nên sát khuẩn tay bằng cồn >60 độ.

Khi ho, hắt hơi trong quá trình mua, người dân cần dùng cánh tay hoặc khăn, giấy để che miệng. Sau đó, các khăn, giấy này phải được thải bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy.

Trong suốt quá trình mua, bạn tuyệt đối không chạm tay vào miệng, mũi, mắt. WHO cũng khuyến cáo người dân nên giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa tay với thực phẩm. Ngoài ra, chúng ta nên thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản thay vì tiền mặt để giảm sự tiếp xúc.