Cập nhật Covid-19 ngày 5/8: Indonesia vượt mốc 100.000 ca tử vong; biến thể Delta lây lan diện rộng; Chile chuẩn bị sản xuất vaccine Trung Quốc

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:01, 05/08/2021

Baoquocte.vn. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 201 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có xấp xỉ 4,27 triệu ca tử vong và gần 181 triệu bệnh nhân bình phục.
Một công nhân phản ứng khi nhận được vắc-xin coronavirus trong chương trình tiêm chủng hàng loạt tại Benoa Harbour, Denpasar, Bali, Indonesia ngày 6 tháng 7 năm 2021. Antara Foto / Fikri Yusuf / via Reuters
Một công nhân tiêm vaccine Covid-19 trong chương trình tiêm chủng hàng loạt tại Bali, Indonesia ngày 6/7. (Nguồn: Reuters)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, với 36.176.445 ca mắc và 631.299 ca tử vong.

Tiếp đó là Ấn Độ với 31.810.782 ca mắc và 426.321ca tử vong; Brazil với lần lượt 20.026.533 và 559.715 ca.

Dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp do biến thể Delta lây lan trên diện rộng.

* Tại châu Mỹ

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta chiếm tới khoảng 93,4% số ca mắc mới Covid-19 ở nước này trong hai tuần cuối của tháng 7.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết biến thể Delta hiện đã xuất hiện tại 22 quốc gia châu Mỹ, trong đó có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Caribbean.

Giám đốc PAHO Carissa Etienne báo động con số tử vong do Covid-19 tại lục địa châu Mỹ đã vượt quá 2 triệu người.

PAHO đã yêu cầu tài trợ khẩn cấp thêm vaccine ngừa Covid-19 cho các khu vực này và vùng Caribbean, nơi các ca nhiễm bệnh đang tiếp tục gia tăng trong khi chỉ có 18% dân số của khu vực này được tiêm phòng đầy đủ.

Theo số liệu của WHO, Mỹ Latinh và Caribbean, khu vực chịu tác động nặng nề nhất do dịch Covid-19 trên thế giới, tới nay đã ghi nhận trên 41 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 1,5 triệu ca tử vong.

Argentina thông báo những người đã được tiêm phòng Covid-19 mũi thứ nhất bằng vaccine Sputnik V có thể sẽ được hoàn tất quy trình tiêm chủng mũi thứ 2 bằng các loại vaccine của hãng AstraZeneca hoặc Moderna.

Chính sách tiêm phối hợp các loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau sẽ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, song sẽ ưu tiên cho những trường hợp đã tiêm mũi thứ nhất lâu hơn, cũng như những người trên 50 tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ.

Ngoài ra, Argentina cũng đang quan tâm tới một nghiên cứu khác của Anh trong việc phối hợp 2 mũi tiêm giữa 2 loại vaccine của AstraZeneca và Moderna.

Ngày 4/8, Chile thông báo nước này sẽ xây dựng hai nhà máy sản xuất và đóng gói vaccine ngừa Covid-19 có tên Coronavac do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc bào chế và phát triển.

Với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, hai cơ sở trên dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào quý 1/2022 với công suất khoảng 60 triệu liều vaccine mỗi năm.

Phần lớn số vaccine được sản xuất ra sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại Chile. Ngoài ra, nước này cũng lên kế hoạch xuất khẩu vaccine sang các quốc gia Mỹ Latinh khác.

Theo thống kê chính thức, đến nay Chile đã ghi nhận hơn 1,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 35.600 trường hợp tử vong.

Quốc gia Nam Mỹ này cũng đã hoàn tất việc tiêm chủng ít nhất là 1 mũi cho gần 13,2 triệu người trong tổng số hơn 19 triệu dân.

* Tại châu Phi

Algeria gia hạn lệnh giới nghiêm từng phần, đối với 37 tỉnh thành thêm 10 ngày, kể từ 5/8.

Cụ thể, Algeria đã gia tăng giới nghiêm thêm 2 tỉnh thành, so với 35/58 tỉnh thành được áp đặt kể từ ngày 26/7. Lệnh giới nghiêm này được áp dụng từ 20h hôm trước đến 6h giờ sáng hôm sau.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp ngăn ngừa khác cũng được gia hạn bao gồm đóng cửa các bãi biển và địa điểm giải trí, các quán cà phê; nhà hàng chỉ bán mang đi,…

Kể từ đầu tháng 7/2021, Algeria đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc mới, đặc biệt do sự lây lan của biến thể Delta.

Trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.495 ca mắc mới và thêm 34 ca tử vong .

Cho đến nay, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 176.724 ca mắc Covid-19 và 4.404 ca tử vong, trong khi đó 118.409 người đã hồi phục.

* Tại châu Âu

Ngày 4/8, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đưa ra tuyên bố nhấn mạnh việc tiêm phòng đầy đủ vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống Covid-19, trong đó có cả biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta đang gia tăng trong Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA).

EU đã đạt mục tiêu đảm bảo ít nhất 70% số người trưởng thành trong khối này tiêm ít nhất 1 liều vaccine vào cuối tháng 7.

Tuy nhiên, các nước thành viên EU hy vọng tỉ lệ này cao hơn nhằm kiểm soát sự lây lan của các biến thể mới.

* Tại châu Á

Ngày 4/8, Indonesia đã ghi nhận mốc buồn khi tổng số ca tử vong do Covid-19 từ đầu dịch đã vượt 100.000 ca. Với 1.474 ca tử vong mới được công bố cùng ngày, tổng số ca tử vong lên tới 100.636 ca.

Mặc dù số ca mắc mới Covid-19 tại Indonesia ít hơn so với Mỹ, nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn và hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải đã dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao đột biến. Hiện nay, chỉ có 8% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Từ đầu tháng 7 đến nay, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) nghiêm ngặt nhất trên toàn đảo Java và Bali, nhưng đến nay các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đang lan rộng.

Trong khi đó, Malaysia không chỉ ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất từ trước tới nay, mà còn cả số ca tử vong cao chưa từng thấy do căn bệnh này.

Trong ngày 4/8, nước này có thêm 19.819 ca mắc Covid-19 - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 1.183.110 ca mắc Covid-19.

Malaysia ghi nhận 257 ca tử vong vì Covid-19, một mức cao chưa từng thấy. Trong 6 ngày qua, số ca tử vong vì Covid-19 ở Malaysia đều trên 130 ca.

Tới nay, Malaysia có tổng cộng 9.855 ca tử vong vì Covid-19, chiếm 0,83%.

Thuốc kháng virus Favipiravir dạng lỏng do Thái Lan bào chế sẽ được sử dụng để điều trị miễn phí cho trẻ em và người cao tuổi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Chulabhorn ở thủ đô Bangkok từ ngày 6/8.

Favipiravir là một loại thuốc kháng virus lần đầu tiên được sử dụng trong điều trị bệnh cúm ở Nhật Bản và hiện được sử dụng điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế Thái Lan đã lên kế hoạch mua thêm 40 triệu viên Favipiravir trong tháng 9 tới.

Ngày 5/8, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục là 20.920 ca cùng 160 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 693.305, trong đó có 5.663 người không qua khỏi.

Số liệu của Trung tâm thông tin Covid-19 cho thấy 28% dân số nước này đã được tiêm vaccine, trong đó 4,05 triệu người được tiêm mũi thứ hai.

Huyền Trâm