Nga nói về 'ý tưởng hứa hẹn' sau tan vỡ với Mỹ liên quan Hiệp ước INF

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:01, 05/08/2021

Baoquocte.vn. Ngày 4/8, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, vẫn tồn tại khả năng nhất định cho một giải pháp chính trị và ngoại giao sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị hủy bỏ.
Nga nói về 'ý tưởng hứa hẹn' sau tan vỡ với Mỹ về Hiệp ước INF. (Minh họa của trang Latest Laws)
Nga đề xuất ngừng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn ở châu Âu và các khu vực khác, tuy nhiên, Mỹ bác bỏ sáng kiến ​​này. (Minh họa của trang Latest Laws)

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga tại kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc viết: “Chúng tôi tin tưởng vẫn còn khả năng cho giải pháp chính trị và ngoại giao đối với tình hình phát sinh từ sự chấm dứt của Hiệp ước INF, dựa trên sáng kiến của Nga nhằm đảm bảo khả năng dự đoán và kiềm chế trong lĩnh vực tên lửa”.

Bộ trên nhấn mạnh, Nga có ý định duy trì quy định đơn phương không triển khai các tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn trên đất liền ở những khu vực không có vũ khí tương tự của Mỹ.

Thông cáo viết tiếp: “Bất chấp thiếu vắng sự hồi đáp mang tính xây dựng từ phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với sáng kiến này, chúng tôi vẫn coi quy định không triển khai tên lửa là một ý tưởng đầy hứa hẹn - vốn có thể góp phần tránh khỏi ‘những cuộc khủng hoảng tên lửa’ mới".

Theo đó, Nga kêu gọi Mỹ và các đồng minh NATO đưa ra cam kết tương tự.

Mỹ chấm dứt tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước INF vào ngày 2/2/2019 với lý do Nga vi phạm Hiệp ước. Theo chính quyền Mỹ, Nga đã vi phạm các điều khoản của Hiệp ước khi chế tạo tên lửa 9M729.

Moscow bác bỏ các cáo buộc này và đưa ra một số tuyên bố phản bác, như việc Washington triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Ngày 2/8/2019, Nga ra tuyên bố Hiệp ước INF hết hạn. Vào tháng 9/2019, truyền thông đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo của một số quốc gia, bao gồm cả các thành viên NATO, với đề xuất ngừng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn ở châu Âu và các khu vực khác, tuy nhiên, Mỹ bác bỏ sáng kiến ​​này.

Việt Hà