"Đỏ, vàng, xanh" và tuyến bố dứt khoát của Chủ tịch Bình Dương

Tin Y tế - Ngày đăng : 07:00, 05/08/2021

Tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19, riêng trong ngày 4/8 là 1.876 ca, Bình Dương làm thế nào để giữ chặt "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ"? PV Báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

PV:Thưa ông, tình hình dịch ở Bình Dương đang diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ bảo vệ và mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ" như thế nào?

Ông Võ Văn Minh:Căn cứ theo số ca mắc COVID-19 trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố,Bình Dươngđã chia thành 3 vùng để dễ dàng kiểm soát, dập dịch.

Cụ thể "vùng đỏ" gồm thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên; "vùng vàng" là thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng; "vùng xanh" gồm các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng.

Bình Dương đang tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh".

Bình Dương có số ca nhiễm COVID-19 cao. Chủ tịch tỉnh nói gì? - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Đến nay, địa phương đã hoàn thành xong xét nghiệm sàng lọc đợt 1 cho gần 1,3 triệu người, qua đó phát hiện hơn 12.000 người nghi ngờ (chiếm 0,98%). Bình Dương sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 để tách sạch F0 ra khỏi cộng đồng.

Tỉnh đang thực hiện quyết liệt để giữ vùng xanh thông qua việc xét nghiệm diện rộng. Hiện nay đã cơ bản xét nghiệm xong. Tiếp tục sàng lọc để làm sạch, mở rộng vùng xanh... để đời sống nhân dân đi vào ổn định.

Bình Dương có số ca nhiễm COVID-19 cao. Chủ tịch tỉnh nói gì? - Ảnh 2.

Khu điều trị dã chiến của tỉnh Bình Dương tại TX Bến Cát đã hoàn thành

Hiện nay, "vùng xanh" và "vùng vàng" cơ bản đã hoàn thành xét nghiệm diện rộng. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, phong tỏa để chuyển vàng thành xanh và giữ chặt "vùng xanh" an toàn. 4 địa phương "vùng đỏ" tiếp tục thực hiện các bước nhằm làm sạch F0, hướng đến dập dịch

Bình Dương tiếp tục thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về thứ tự các bước tiến hành xét nghiệm. Ưu tiên người đủ từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên "vùng đỏ" trước. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine là phù hợp trong chiến lược hiện nay.

Ông vừa nói về tiến độ tiêm vaccine, tốc độ tiêm của tỉnh dường như đang quá chậm?

Đoàn công tác của Bộ Y tế trong các buổi làm việc cũng đã khuyến cáo cho tỉnh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bình Dương tiêm được cho 92.694 người.

Chúng tôi có đã nhận ra điều này. Và vừa rồi, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu ngành y tế và các địa phương, đơn vị tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện nhanh và tăng tốc hơn nữa việc tiêm hết vaccine theo chỉ tiêu đã được phân bổ, phải bảo đảm hoàn thành kế hoạch trong tuần.

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã yêu cầu, chỉ tiêu tiêm vaccine phải đạt tối thiểu tiêm 100.000 liều/ngày.

Ngành y tế phải tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, bố trí đầy đủ lực lượng tiêm ngừa, đồng thời xã hội hóa thêm cho các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở y tế tư nhân có đủ điều kiện tiêm chủng.

Trong tuần này chúng tôi sẽ thực hiện tiêm vaccine cho người lao động trong toàn bộ các khu công nghiệp.

Nếu có điều kiện, tiếp tục tiêm vaccine cho người lao động ngoài khu công nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ

Ở làn sóng dịch lần thứ 4 này, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 21.556 ca mắc COVID-19. Địa phương đã chuẩn bị chiến lược điều trị ra sao?

Về công tác điều trị, Bộ Y tế đã cử PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội giúp đỡ, đào tạo và trực tiếp hội chẩn những ca bệnh nặng cho ngành y tế. Chúng tôi cũng đã đón nhận nhiều đoàn thầy thuốc của các địa phương đến trực tiếp tham gia hỗ trợ.

Tỉnh Bình Dương đang thực hiện mô hình tháp 3 tầng (bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng). Riêng đối với trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng, địa phương đang thí điểm cách ly tại nhà và có nhân viên y tế theo dõi thường xuyên để giảm tải cho bệnh viện, cơ sở điều trị.

Với những nỗ lực của ngành y tế, đến nay Bình Dương có gần 2.000 bệnh nhân xuất viện. Số lượng bệnh nhân còn nhiều và khả năng tăng cao nhưng tỉnh chỉ có 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng, cùng 166 nhân viên y tế hỗ trợ cho nên công tác điều trị đang gặp nhiều khó khăn.

Bình Dương liên tục kiến nghị với Bộ Y tế hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng để chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân; đồng thời vận động y bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia công tác phòng, chống dịch.

Số lượng công nhân ngoại tỉnh ở Bình Dương và người lao động ở các vùng cách ly, phong tỏa khá lớn, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính quyền tỉnh Bình Dương đã làm gì để hỗ trợ họ?

Đối với lao động tự do, người bán vé số tỉnh đã dùng nguồn của tỉnh để hỗ trợ, cơ bản là ổn định. Đồng thời, rút ngắn các thủ tục hỗ trợ người lao động không có việc. Bình Dương đã có chủ trương hỗ trợ một phần nhà trọ, điện nước cho người lao động.

Bên cạnh đó các đội phản ứng nhanh của phường, xã đã đi vào hoạt động, rất mong nhân dân nếu có khó khăn liên hệ ngay với chính quyền sở tại để được hỗ trợ kịp thời. Bình Dương dứt khoát không để tình trạng thiếu đói trong người lao động do thiếu thông tin, hay do sự hỗ trợ không kịp thời của chính quyền địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông.


Anh Văn