AMM-54: ASEAN và các đối tác EAS đề cao cách tiếp cận đa phương trong giải quyết các thách thức

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:47, 04/08/2021

Baoquocte.vn. ASEAN và các đối tác EAS nhất trí cần tiếp tục đề cao cách tiếp cận đa phương, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong giải quyết các thách thức nổi lên, ứng phó hiệu quả Covid-19 và chung tay thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững.
AMM-54: ASEAN và các đối tác EAS đề cao cách tiếp cận đa phương trong giải quyết các thách thức
AMM-54: ASEAN và các đối tác EAS đề cao cách tiếp cận đa phương trong giải quyết các thách thức. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tối ngày 4/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11.

Đây là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao các nước đối tác EAS gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ và Tổng Thư ký ASEAN cùng dự Hội nghị này.

Các nước nhất trí cần phối hợp chặt chẽ triển khai tích cực kết quả Hội nghị cấp cao EAS lần thứ 15 năm 2020, nhất là triển khai Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS. Trong giai đoạn phát triển mới, các nước nhấn mạnh EAS cần phát huy hơn nữa vai trò, giá trị chiến lược và nâng cao khả năng ứng phó trước những khó khăn, thách thức phức tạp và khó lường trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN và các đối tác EAS nhất trí cần tiếp tục đề cao cách tiếp cận đa phương, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong giải quyết các thách thức nổi lên, ứng phó hiệu quả Covid-19 và chung tay thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững.

ASEAN với các đối tác EAS nhất trí nỗ lực tập trung hoàn tất Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo trên cơ sở các ưu tiên phù hợp với tình hình mới, đóng góp tích cực cho các nỗ lực phục hồi và tăng trưởng.

Các nước đối tác EAS cam kết hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu và phát triển vaccine, bảo đảm phân phối vaccine an toàn, hiệu quả và đồng đều, hỗ trợ thiết bị y tế cần thiết. ASEAN đề nghị các nước đối tác EAS ủng hộ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể.

Các nước nhất trí duy trì và thúc đẩy liên kết kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư, ổn định kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, phối hợp xem xét từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các nước trong điều kiện cho phép, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng xanh và bền vững.

Nhiều đối tác EAS với thế mạnh của mình khẳng định sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong thúc đẩy phục hồi bền vững, mở rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu…

Các nước nhất trí phối hợp chuẩn bị Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16 vào tháng 10/2021, trong đó soạn thảo các văn kiện kết quả chính của Hội nghị về các chủ đề hợp tác sức khỏe tinh thần, tăng trưởng xanh và thúc đẩy tăng trưởng thông qua phục hồi du lịch.

Trao đổi về các thách thức phức tạp đang nổi lên, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, tình hình Myanmar…, các nước khẳng định cần tiếp tục phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định là lợi ích chung, nhất là trong bối cảnh các nước tập trung ứng phó dịch bệnh và nỗ lực phục hồi; nhấn mạnh EAS cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng, đóng góp tích cực cho các nỗ lực này.

Trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, các nước nhấn mạnh cần phối hợp bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác; kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS năm 1982.

Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Các đối tác hoan nghênh vai trò và những nỗ lực của ASEAN thời gian qua nhằm thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ ASEAN triển khai thành công Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021.

AMM-54: ASEAN và các đối tác EAS đề cao cách tiếp cận đa phương trong giải quyết các thách thức
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kêu gọi các đối tác EAS, với thế mạnh của mình, hỗ trợ cung ứng vaccine đồng đều cho các nước ASEAN và nâng cao tự cường vaccine tại khu vực. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, trải qua 15 năm, EAS đã phát huy hiệu quả vai trò và giá trị của mình, đóng góp quan trọng thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng tại khu vực, trên cơ sở chia sẻ lợi ích và định hướng bởi các nguyên tắc về quan hệ cùng có lợi; đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc định hướng quan trọng này nhằm bảo đảm EAS là cơ chế đối thoại, hợp tác và giảm thiểu các phức tạp về chiến lược.

Nhấn mạnh cần tập trung ứng phó Covid-19, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kêu gọi các đối tác EAS, với thế mạnh của mình, hỗ trợ cung ứng vaccine đồng đều cho các nước ASEAN và nâng cao tự cường vaccine tại khu vực thông qua tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ và hình thành các chuỗi sản xuất vaccine tại khu vực.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các nước EAS phối hợp thúc đẩy phục hồi, củng cố kết nối chuỗi cung cứng khu vực và toàn cầu, duy trì mở cửa thị trường, tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư và tận dụng hiệu quả thoả thuận liên kết kinh tế khu vực như các Hiệp định FTA giữa ASEAN với đối tác, Hiệp định RCEP và Hiệp định CPTPP.

Chia sẻ các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN và Việt Nam về Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và không gây nguy hại đối với môi trường biển. Mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982. Bộ trưởng kêu gọi các bên nỗ lực hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Bộ trưởng tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương. Bộ trưởng nhấn mạnh quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển được qui định trong UNCLOS 1982 phải được tôn trọng. Bộ trưởng chỉ rõ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kết thúc Hội nghị, Brunei, Chủ tịch EAS sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị.

Bảo Chi