Apple lo ngại thiếu chip có thể khiến iPhone khan hàng, khó mua

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 04:15, 30/07/2021

Tình trạng thiếu chip đã khiến hoạt động sản xuất ô tô và sản phẩm điện tử gián đoạn trên toàn cầu. Và điều đó có vẻ sẽ lan tới cả Apple khi mới đây, hãng xác nhận các rắc rối về nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới iPhone.

Apple lo ngại thiếu chip sẽ khiến iPhone bị khan hàng khó mua

Tình trạng tồi tệ của năm nay bắt đầu từ việc lạnh giá đến mức đóng băng, dẫn đến mất điện trên khắp Texas, làm tê liệt các nhà máy bán dẫn ở Mỹ. Vụ hỏa hoạn sau đó ở nhà máy Naka của Renesas Electronics tại Nhật Bản đã giáng thêm một đòn nữa vào chuỗi cung ứng.

Dù các nhà máy bị ảnh hưởng hầu hết đã hồi phục sau những khó khăn đó, nhưng các kỳ vọng về việc nguồn cung chip sẽ trở lại bình thường vào cuối năm đã dần mờ nhạt đi. Vấn đề này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, từ ô tô đến điện tử.

"Chúng tôi dự đoán những hạn chế về nguồn cung trong quý tháng 9 sẽ lớn hơn những gì chúng tôi đã trải qua trong quý tháng 6", Giám đốc Tài chính Apple, Luca Maestri, cho biết trong cuộc họp báo cáo thu nhập mới đây. "Những hạn chế đó sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến iPhone và iPad."

Các nhà sản xuất ô tô lớn đến từ Nhật Bản tin rằng tình trạng thiếu hụt bán dẫn sẽ bắt đầu phục hồi sớm nhất vào mùa hè năm nay.

Nhưng "mọi công ty đang có kế hoạch bù đắp sản lượng đã mất trong nửa cuối năm nay, và các đơn đặt hàng bán dẫn đã được tích lúy khá nhiều", một giám đốc điều hành của một công ty ô tô lớn ở Nhật Bản cho biết.

Theo Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới, Thị trường thiết bị bán dẫn trên toàn cầu đã đạt 440,3 tỉ USD vào hồi năm ngoái, tăng gần 50% so với một thập kỉ trước đó. Nhu cầu về chip chủ yếu được thúc đẩy nhờ sự lan rộng của ô tô và thiết bị điện tử kết nối cũng như việc triển khai mạng viễn thông 5G.

Nhu cầu mua các cỗ máy tính cá nhân cũng như console đã tăng phi mã do đại dịch khiến mọi người buộc phải ở nhà, làm tăng thêm áp lực về nguồn cung. Theo dự báo, thị trường sẽ được mở rộng 10 – 20% mỗi năm trong khoảng thời gian 2021 – 2022. Điều đó sẽ thiết lập các kỉ lục mới.

Theo công ty phân tích Omdia đến từ Anh, trong những năm gần đây, các nhà sản xuất chip đã ưu tiên phát triển công nghệ sản xuất tiên tiến hơn là mở rộng công suất. Tuy nhiên, việc sản xuất đã bắt đầu tăng trưởng trở lại vào năm 2020 nhưng không đủ nhanh để bắt kịp nhu cầu.

Tình trạng thiếu hụt chip trở nên rõ rệt hơn đối với các con chip thế hệ cũ vốn được sử dụng trên xe ô tô. Ô tô là ngành đầu tiên chịu tác động từ tình trạng hạn chế nguồn cung hồi cuối năm ngoái.

Cắt giảm sản lượng vẫn là một thực tế của cộng sống trong lĩnh vực ô tô. Toyota Motor đã lên kế hoạch tạm ngừng một dây chuyền tại nhà máy Takaoka ở tỉnh Aichi trong 5 ngày vào tháng tới.

Các công ty sản xuất chip đã bắt đầu chuyển nhiều sản lượng hơn đến những nhà sản xuất ô tô, nhưng điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều khách hàng trong các ngành công nghiệp khác.

Nhà phân tích Akira Minamikawa tại Omdia cho biết: "Các hạn chế về nguồn cung chip cho thiết bị công nghiệp sẽ chỉ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn." Rakuten Mobile, nhà mạng lớn nhất tại Nhật Bản, đang phải chứng kiến tình trạng trì trệ trong việc lắp đặt các trạm gốc.

Apple lo ngại thiếu chip sẽ khiến iPhone bị khan hàng khó mua

Trong khi đó, Apple lại đang gặp khó khăn trong việc mua các con chip cũ hơn, bên cạnh những bộ xử lý tiên tiến của mình. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ tiết lộ, công ty đã mất gần 3 tỉ USD doanh thu trong quý 2 do không đạt mục tiêu sản xuất máy Mac và iPad. Apple dự đoán, những rắc rối đó sẽ lan sang iPhone trong quý hiện tại.

Các nhà sản xuất chip đang cố gắng tăng cường sản xuất. Theo hiệp hội công nghiệp toàn cầu SEMI, doanh số trang thiết bị sản xuất chip ước tính đạt hơn 101,3 tỉ USD vào năm tới, tăng 33% so với dự đoán được đưa ra vào hồi cuối năm 2020, đánh dấu năm kỉ lục thứ 3 liên tiếp.

Mặc dù vậy, CEO của Intel, Pat Gelsinger, đã cảnh báo rằng sẽ phải mất "1 hoặc 2 năm" trước khi nguồn cung chip trở lại bình thường. Tình hình nghiêm trọng đến mức những bán dẫn được sử dụng trong thiết bị sản xuất chip có thể bị thiếu hụt.

Vấn đề tồi tệ hơn là nhiều khách hàng đã phải đối phó với sự thiếu hụt đó bằng cách đặt hàng chồng chéo từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối thực hiện các đơn đặt hàng ở mức độ mà khách hàng mong muốn", một giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất bán dẫn cho biết. "Những công ty mua đoán trước đơn đặt hàng đó nhiều hơn những gì học cần."

Không chỉ nhu cầu thực tế khó có thể giảm xuống, mà các nhà sản xuất chip còn phải đối với với viễn cảnh nhu cầu ở nhà giảm xuống khi nhiều nền kinh tế mở cửa. Ngành công nghiệp chip vốn khá nổi tiếng với sự suy thoái thị trường sau khi các công ty cam kết đầu tư mạnh mẽ.

Lê Hữu(theo Nikkei Asia)