Khám phá tàu ngầm đầu tiên được Nga chế tạo 3 thế kỷ trước

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:24, 03/08/2021

QĐND Online – Chiếc tàu ngầm này phải trở thành vũ khí “màu nhiệm” và đảm bảo cho Đế quốc Nga sự thống trị ở vùng Biển Baltic trong thế kỷ XVIII.

Đầu thế kỷ XX, tàu ngầm đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của lực lượng vũ trang các quốc gia hàng đầu thế giới. Tuy nhiên ít ai biết rằng, Nga đã từng thử nghiệm tàu ngầm từ 200 năm trước đó, dưới thời Sa hoàng Pyotr Đại đế.

Ý tưởng chế tạo tàu ngầm

Tác giả ý tưởng chế tạo tàu ngầm có khả năng di chuyển “ẩn mình trong nước bên dưới các tàu chiến” là Efim Nikonov sống vào thế kỷ XVIII. Là một thợ mộc bình thường tại xưởng đóng tàu, ông không có bất kỳ trang thiết bị kỹ thuật đặc biệt nào. Hơn nữa, ông cũng không biết chữ, nhưng lại rất có khả năng trong lĩnh vực đóng tàu.

Bản vẽ tàu ngầm của Efim Nikonov. Ảnh tư liệu

Người thợ này nhiều lần nhờ người khác viết giúp những bản đề xuất tấu trình lên Sa hoàng Pyotr Đại đế về ý tưởng chế tạo tàu ngầm. Ông cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu ý tưởng của mình thất bại.

Năm 1719, Sa hoàng Pyotr Đại đế cuối cùng cũng đã lưu ý đến dự án này và cho mời thợ mộc Efim Nikonov đến trò chuyện riêng. Mặc dù ý tưởng này hoàn toàn không mới (trước đó gần 100 năm, năm 1620, trên sông Thames, kỹ sư người Hà Lan Cornelis Drebbel đã từng thử nghiệm chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới), nhưng nó đã hoàn toàn chinh phục và làm cho Sa hoàng thích thú. Pyotr Đại đế đã sắc phong Efim Nikonov là “thợ cả tàu ngầm”, cấp cho ông một nhà xưởng tại Saint-Petersburg và được quyền lựa chọn những người giúp việc cho mình.

13 tháng sau, một nguyên mẫu tàu ngầm loại nhỏ đã được đưa ra thử nghiệm trên sông Neva. Con tàu di chuyển dưới mặt nước từ giữa sông và nổi lên gần bờ bên kia. Lần lặn thử thứ hai diễn ra không suôn sẻ, do tàu không nổi lên được. Đích thân Sa hoàng đã tham gia vào việc đưa con tàu nổi lên mặt nước với sự hỗ trợ của dây thừng, sau đó ra lệnh chế tạo một mô hình tàu khác có giá trị hơn.

Đặt nhầm tên tàu thành “Morel”

Năm 1724, việc chế tạo tàu ngầm của Efim Nikonov đã hoàn tất. Tuy nhiên, nhân viên văn thư đã viết nhầm một chữ cái, lẽ ra viết là “Model” thì viết thành “Morel”. Vì vậy, con tàu này đã đi vào lịch sử với tên gọi này.

Hình dạng chiếc tàu ngầm đầu tiên của Nga giống như một cái thùng gỗ lớn dài 6m và cao 2m. Nó được gia cố bởi các đai thùng bằng sắt và được bọc da.

Bên trong thân tàu được lắp 10 tấm thiếc có lỗ xuyên qua với đường kính tối thiểu. Nước ngoài mạn tàu được đưa vào các túi da thông qua những chiếc lỗ đó. Đây được gọi là nước dằn có tác dụng làm cho tàu lặn xuống. Khi nổi lên, nước sẽ được bơm pit-tông bằng đồng hút ra ngoài mạn tàu. Tàu ngầm này di chuyển bằng mái chèo với thủy thủ đoàn gồm 5 người.

Vũ khí chính trên tàu “Morel” là súng phun lửa, đó là những ống phun lửa làm bằng đồng. Ngoài ra, dự tính sẽ lựa chọn một thợ lặn ra bên ngoài và người này sử dụng những công cụ đặc biệt để phá hỏng thân tàu địch. Chính vì vậy, Efim Nikonov đã chế thêm bộ quần áo nữa cho thợ lặn.

Mô hình tàu ngầm làm bằng gỗ tại thị trấn Sestroretsk, Saint-Petersburg, Nga. Ảnh: Serguei Fadeev (CC BY-SA 3.0)

Chấm dứt dự án

Mùa xuân năm 1724, tàu ngầm đã trải qua các cuộc thử nghiệm trên sông Neva dưới sự chứng kiến của Sa hoàng và các sĩ quan Hải quân. Con tàu đã lặn thành công xuống độ sâu 3-4 m, nhưng nó bất ngờ va chạm với đáy sông. Điều đó khiến cho độ kín nước của tàu “Morel” bị rò rỉ, nên thủy thủ đoàn lúc đó cần được giải cứu ngay lập tức. Mặc dù liên tiếp bị thất bại, nhưng Sa hoàng Pyotr Đại đế không những không tỏ ra thất vọng, mà còn ra lệnh để không ai cảm thấy bối rối và đổ lỗi cho người thợ cả.

Tuy nhiên, dự án đầy tham vọng này đã bị chấm dứt do Sa hoàng Pyotr Đại đế qua đời sau đó không lâu. Không còn người bảo trợ, thợ cả Efim Nikonov bắt đầu ngày càng có ít nhân lực và vật lực để tiếp tục nghiên cứu chế tạo.

Những cuộc thử nghiệm tàu ngầm cuối cùng đã diễn ra vào năm 1727. Dự án kết thúc thất bại, Efim Nikonov bị hạ cấp từ thợ cả xuống làm công nhân tàu bè, rồi sau đó rời khỏi Saint-Petersburg đến vùng Astrakhan xa xôi. Cuối cùng, phải mất thêm gần hai thế kỷ sau, nước Nga mới chính thức xuất hiện hạm đội tàu ngầm của mình.

QUỐCKHÁNH (theoRBTH)