Tin thế giới 2/8: Nga nói bị phương Tây 'ma quỷ hóa'; Tổng thống Afghanistan đổ lỗi cho Mỹ; Philippines tuyên bố về vấn đề nguồn gốc Covid-19

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:54, 02/08/2021

Baoquocte.vn. Quan hệ Nga với Mỹ, NATO, Azerbaijan, tình hình Afghanistan, vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman, bán đảo Triều Tiên, cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 là một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 2/8: Nga nói bị phương Tây 'ma quỷ hóa'; Tổng thống Afghanistan đổ lỗi cho Mỹ; Philippines ra tuyên bố về vấn đề nguồn gốc Covid-19

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Mỹ:Quan chức tình báo Nga nói phương Tây khiến Moscow trở nên tàn bạo

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh YouTube Soloviev Live, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) của Nga Sergey Naryshkin cho rằng, giới tinh hoa và các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây đã khiến Nga trở nên tàn bạo bất kể ai đang nắm quyền ở Mỹ.

Ông Naryshkin nêu rõ: “Chúng tôi hiểu rằng, Nga đã bị ma quỷ hóa ở mức độ rộng lớn thông qua giới tinh hoa phương Tây và các phương tiện thông tin đại chúng".

Về cáo buộc của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước rằng, Moscow đang tìm cách phá hoại các cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ năm 2022 - vốn sẽ bầu lại toàn bộ Hạ viện và một phần ba số ghế tại Thượng viện - thông qua việc “tung tin sai sự thật”, quan chức tình báo Nga cho rằng, ông chủ Nhà Trắng "đang cố gắng tìm cớ" cho trường hợp Đảng Dân chủ thất bại.

Ông Naryshkin bày tỏ "đã chán lắm rồi" khi nghe đi nghe lại cáo buộc trên, nhắc lại hành động của Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn lên tòa án vào đầu năm 2018, buộc tội hai công ty và hàng chục cá nhân Nga can thiệp bầu cử. (TASS)

Nga-NATO: NATO sẽ nổ súng nếu bị khiêu khích trước, Nga nói Biển Đen là 'nhà'

Ngày 1/8, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, Đô đốc Robert Burke cho biết, nếu Nga kích động tấn công và có các hành vi khiêu khích trên Biển Đen, các chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ quyết định tấn công hay không chứ không "ra đòn trước".

Trong khi đó, thành viên Ủy ban Duma quốc gia (Hạ viện) Nga phụ trách điều tra hành động can thiệp của nước ngoài Adalbi Shkhagoshev khẳng định, "những hành động khiêu khích" ở Biển Đen, theo lời ông Burke, không gì khác hơn là hành động bảo vệ biên giới của chính mình.

Ông Shkhagoshev tuyên bố: "Biển Đen là nhà của chúng tôi, chứ không phải của Mỹ hay NATO". (Sputnik)

Tình hình Afghanistan: Tổng thống Ghani đổi lỗ cho Mỹ khiến tình hình xấu đi

Ngày 2/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đổ lỗi cho việc Mỹ quyết định "đột ngột" rút quân là nguyên nhân khiến tình hình an ninh của quốc gia Tây Nam Á này ngày càng xấu đi, đồng thời cho biết, ông đã cảnh báo Washington rằng, việc rút quân như vậy sẽ để lại "nhiều hậu quả".

Bên cạnh đó, Tổng thống Ghani tiết lộ: "Chúng tôi có một kế hoạch an ninh kéo dài 6 tháng để thay đổi tình hình trên chiến trường và ổn định tình hình an ninh", tuy nhiên, ông không nêu rõ thông tin chi tiết về kế hoạch này

Taliban đang gia tăng các cuộc tấn công nhằm mở rộng phạm vi chiếm giữ các thủ phủ khiến các lực lượng Afghanistan phải nỗ lực ngăn chặn. Tính đến nay, Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan. (AFP, Sputnik)

Vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman: Mỹ quy trách nhiệm cho Iran

Ngày 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, Iran phải chịu trách nhiệu về vụ tấn công tàu chở dầu Mercer Street của Nhật Bản, treo cờ Lebanon ở Biển Arab, ngoài khơi bờ biển Oman, khiến 2 thành viên thủy thủ đoàn (gồm một người Anh và một người Romania) thiệt mạng.

Ông Blinken cho biết, nước này đang làm việc với các đối tác để cân nhắc các bước tiếp theo của chúng tôi cũng như tham vấn ý kiến của các chính phủ để có phản ứng thích hợp.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, London tin rằng, "nhiều khả năng" Tehran đứng sau vụ tấn công nói trên. (Sputnik)

Bán đảo Triều Tiên:

Triều Tiên bất ngờ công bố hình ảnh phóng ICBM từ bệ phóng di động

Ngày 31/7, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đã phát lại một đoạn video về thứ dường như là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), được cho là Hwasong-15, phóng ra từ một bệ phóng tên lửa di động (TEL).

Đoạn video được chiếu lần đầu trong một buổi hòa nhạc dành cho những người tham gia hội thảo đầu tiên của các chỉ huy quân sự Triều Tiên từ 24-27/7.

Giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng đoạn video này có thể chỉ là sản phẩn dàn dựng, vì Triều Tiên đã phóng thử ICBM Hwasong-15 một lần duy nhất vào tháng 11/2017. Khi đó, tên lửa được bắn đi từ bệ phóng cố định dưới mặt đất.

Theo giới quan sát, bất kỳ vụ phóng thử nghiệm bổ sung nào đều không thể không thu thút sự chú ý. (Yonhap)

Phủ Tổng thống Hàn Quốc: Nên giữ các đường dây nóng liên Triều

Ngày 2/8, một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay: "Các đường dây liên lạc giữa hai miền Triều Tiên, được khôi phục theo thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo hai bên cần được duy trì vì sự ổn định và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên".

Đây là phản ứng đáp lại lời cảnh báo đưa ra ngày 1/8 của bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó thúc ép Hàn Quốc hủy bỏ cuộc tập trận quân sự chung mùa Hè thường niên với Mỹ dự kiến bắt đầu vào tuần tới.

Liên quan các cuộc tập trận này, cũng trong ngày 2/8, người đứng đầu đảng Dân chủ (DP) cầm quyền Hàn Quốc Song Young-gil khẳng định cần phải tiến hành theo đúng kế hoạch, cho rằng bản chất của cuộc tập trận là tập trung vào mục tiêu bảo vệ và gìn giữ hòa bình quốc gia. (Yonhap)

Covid-19: Philippines, Trung Quốc phản đối chính trị hóa nguồn gốc Covid-19

Ngày 2/8, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque nói: "Chúng ta phải biết nguồn gốc của Covid-19, nhưng hãy để việc đó cho các nhà khoa học cần tìm kiếm lời giải đáp khoa học chứ không phải là lời giải đáp bằng chính trị".

Theo ông Roque, Covid-19 là "kẻ thù chung của toàn nhân loại. Thế giới phải hợp sức chống lại đại dịch này. Nếu chúng ta chính trị hóa việc điều tra nguồn gốc Covid-19, nó sẽ trở thành trở ngại cho những nỗ lực trong việc chống lại đại dịch".

Trước đó, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh cũng tuyên bố, kế hoạch điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 giai đoạn 2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bị chính trị hóa và thiếu tinh thần hợp tác.

Trong khi đó, Reuters đưa tin, ngày 2/8, các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ công bố một báo cáo cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 bị rò rỉ từ một cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc, tuy vậy điều này chưa được các cơ quan tình báo Mỹ kết luận. (Reuters, THX)

Azerbaijan triệu Đại biện lâm thời Nga trao công hàm phản đối

Ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã mời Đại biện lâm thời của Nga tại nước này lên để trao công hàm phản đối bình luận của Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) Nga Vladimir Zhirinovsky rằng, Moscow cần “quay trở lại” Nam Caucasus và gọi khu vực này là "vùng ảnh hưởng của Nga".

Bộ Ngoại giao Azerbaijan nêu rõ: “Quan ngại sâu sắc cùng với sự phản đối tuyên bố thiên vị và xúc phạm của Nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) kiêm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga, Vladimir Zhirinovsky”.

Thông cáo đã mô tả hành vi của ông Zhirinovsky là không phù hợp với "tinh thần hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”, lưu ý rằng, các tuyên bố "bất cẩn và khiêu khích" nhằm gây tổn hại các mối quan hệ này. (Menafn)

Khủng hoảng Israel: Nội các đạt thỏa thuận về ngân sách sau 3 năm bế tăcs

Sáng 2/8, chính phủ Israel đã thông qua được ngân sách hoạt động cho năm 2021-2022 sau 3 năm bế tắc do khủng hoảng chính trị.

Sau một cuộc họp căng thẳng kéo dài suốt đêm, nội các Israel đã nhất trí được khoản ngân sách bổ sung trị giá 2 tỷ NIS (618 triệu USD) cho Bộ Y tế, bên cạnh khoản ngân sách cố định 13,3 tỷ USD, trong bối cảnh dịch Covid-19 đe dọa xuất hiện làn sóng mới.

Ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng cũng được tăng thêm 4,17 tỷ USD, lên 19 tỷ USD cho tài khóa này. (Times of Israel)

ASEAN họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao

Ngày 2/8, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhóm họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 54 (AMM-54) theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình Myanmar và vấn đề Biển Đông.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982, kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Về tình hình Myanmar, các nước nhấn mạnh cần triển khai toàn diện và kịp thời Đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021. Các nước cũng dành nhiều thời gian trao đổi về việc cử Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN tới Myanmar.

Hoàng Hà