AMM-54: Đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN là nước nào?

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:15, 02/08/2021

Baoquocte.vn. Ngày 2/8, Anh được chấp thuận trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 54 theo hình thức trực tuyến.
Anh sẽ là đối tác đối thoại thứ 11 của 'câu lạc bộ' ASEAN?
Tại AMM-54, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về quy chế của Anh, quốc gia đã nộp đơn đề nghị trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN hồi đầu năm ngoái. (Nguồn: scotsbridge)

Ngày 2/8, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 54, các bộ trưởng đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh, quốc gia đã nộp đơn đề nghị vào vị trí này từ hồi đầu năm ngoái.

Trường hợp đặc biệt

Sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) có hiệu lực, Anh lập tức thông báo với ASEAN rằng nước này muốn hợp tác cùng Hiệp hội với tư cách là một đối tác đối thoại đầy đủ.

Hiện ASEAN có 10 đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ, Canada và EU.

Trước đó, để chuẩn bị cho mối quan hệ ngày càng gia tăng với ASEAN, London đã thành lập một phái đoàn ngoại giao thường trực mới tại ASEAN ở Jakarta (Indonesia).

Xứ sở sương mù cũng đã nhanh chóng thúc đẩy các quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN. Hai bên đã tổ chức 3 cuộc họp cấp bộ trưởng kể từ tháng 4 năm ngoái để thảo luận các vấn đề kinh tế và khu vực.

Năm 1990, ASEAN đã ra quyết định tạm ngừng xem xét kết nạp các ứng cử viên làm đối tác đối thoại.

Đơn yêu cầu của Anh đã trở thành trường hợp đặc biệt và khiến các thành viên ASEAN trong 18 tháng qua phải thảo luận về việc có nên dỡ bỏ quyết định tạm dừng này trước khi thông qua việc kết nạp Anh hay không.

Tại thời điểm này, các quan chức cấp cao có các khuyến nghị khác nhau. Một số thành viên cho rằng Anh nên được kết nạp là đối tác đối thoại thứ 11 của khối như một trường hợp đặc biệt.

Xét cho cùng, Anh là thành viên cũ của EU, do đó đáp ứng tất cả các tiêu chí mà ASEAN yêu cầu để trở thành một đối tác đối thoại của khối. Ngược lại, một số quốc gia thành viên ASEAN cho rằng lệnh tạm dừng nên được dỡ bỏ trước khi kết nạp bất kỳ đối tác đối thoại mới nào.

Nối dài danh sách Đối tác đối thoại của ASEAN

Hiện có một danh sách dài các quốc gia muốn trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Ví dụ như Pakistan đã là đối tác đối thoại theo lĩnh vực từ năm 1992 và đang chờ được nâng cấp thành một đối tác đối thoại đầy đủ.

Ấn Độ đã trở thành đối tác đối thoại đầy đủ vào năm 1995 và trở thành đối tác chiến lược vào năm 2012.

Trong khi đó, Na Uy và Thụy Sỹ cũng là những đối tác đối thoại mới theo lĩnh vực vào năm 2019.

Tại cuộc họp đặc biệt của ASEAN ở Jakarta hồi tháng 4 vừa qua, nước Chủ tịch ASEAN đã kêu gọi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nạp Anh làm thành viên đối tác đối thoại.

Các thành viên EU như Pháp và Đức đã trở nên tích cực hơn trong quan hệ với ASEAN trong những năm gần đây. Pháp là thành viên EU đầu tiên ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào năm 2007, tiếp theo là Anh vào năm 2012 và Đức năm 2019. Hiện Pháp và Đức đều là đối tác phát triển của ASEAN.

ASEAN và Anh có quan hệ thương mại lâu đời. Năm 2018, thương mại hai chiều lên tới 52 tỷ USD. Hơn 3 triệu công dân Anh đến ASEAN mỗi năm, trong khi có hơn 40.000 sinh viên từ ASEAN đang học tập tại Anh.

Trước đây, Anh nhiều lần bày tỏ hy vọng có được mối quan hệ Đối tác đối thoại với ASEAN, qua đó đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và hợp tác tại khu vực Đông Nam Á, mang lại cho London thêm những cơ hội mới trong nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, khoa học và an ninh...

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab từng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh tầm quan trọng của châu Á ngày một tăng cao, một nước Anh với tầm nhìn toàn cầu sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với những người bạn tại khu vực này. Bằng cách trở thành một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, chúng tôi có thể tăng cường khả năng hợp tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như một hình mẫu tốt đẹp về tất cả các vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho tới ổn định tại khu vực".

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM 54) diễn ra từ ngày 2-7/8 theo hình thức trực tuyến.

Theo thông lệ, sẽ có một loạt cuộc gặp giữa ASEAN và các đối tác đối thoại, bao gồm cả cuộc họp các ngoại trưởng của Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cùng những cuộc họp khác.

Nhã Anh