Bộ trưởng Y tế: Phải tiết kiệm nhân lực vì cuộc chiến với dịch bệnh còn dài

Xã hội - Ngày đăng : 13:11, 02/08/2021

Phải tiết kiệm nhân lực vì cuộc chiến còn dài, tiếp tục phức tạp”, Bộ trưởng Y tế lưu ý với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Ngày 2/8, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống COVID-19 tại điểm cầu Bộ Y tế ở TP.HCM.

Tiết kiệm nguồn nhân lực

Phát biểu tại hội nghị, ông Long yêu cầu các địa phương phải rà soát, đề nghị tất cả cơ sở y tế công lập, tư nhân tham gia cuộc chiến chống COVID-19 này. Hệ thống y tế công lập phải chuẩn bị hệ thống máy thở và tập huấn sử dụng.

Đừng chuẩn bị kịch bản có ca bệnh mà phải có kịch bản cho tình huống cao hơn, xấu hơn”, Bộ trưởng Y tế nói và cho biết phác đồ điều trị COVID-19 luôn thay đổi, cập nhật. Bộ đang tiếp tục tìm kiếm thuốc có hiệu quả điều trị COVID-19.

Bộ trưởng Y tế: Phải tiết kiệm nhân lực vì cuộc chiến với dịch bệnh còn dài - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Ông Long giao Tiểu ban Điều trị cần soạn thảo phác đồ điều trị đơn giản, dễ làm, để các bác sĩ ở các chuyên ngành khác cũng điều trị được bệnh nhân COVID-19 chứ không riêng gì bác sĩ cấp cứu, hồi sức hay truyền nhiễm.

“Phải tiết kiệm nhân lực vì cuộc chiến còn dài, tiếp tục phức tạp”, ông Nguyễn Thanh Long lưu ý với các địa phương thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là biện pháp duy nhất có hiệu quả để giảm được tốc độ lây nhiễm.

Rất khó đưa số ca mắc về 0

Cũng theo Bộ trưởng Y tế, chỉ trong thời gian rất ngắn, số ca mắc tăng rất cao. Biến thể Delta lây nhanh, mạnh, lan rộng và khó kiểm soát, không những thế nó còn kéo dài.

"Chúng ta rất khó đưa con số mắc về con số không, nhất là những địa bàn đang ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này như TP.HCM hay một số địa phương khác. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị cho một trận chiến không những phải nhanh hơn mạnh hơn mà còn phải bền bỉ. Trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục công cuộc phòng chống dịch", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về trang thiết bị, Bộ trưởng Y tế đánh giá một số địa phương vẫn chưa chuẩn bị chu đáo. Máy thở cực kỳ quan trọng nhưng để vận hành phải có thêm oxy trung tâm, hệ thống khí nén. Ngoài ra, trang thiết bị y tế, dụng cụ phòng hộ, thuốc men cũng phải sẵn sàng, không để dịch xảy ra mới đi mua, đi xin.

Bộ trưởng Y tế: Phải tiết kiệm nhân lực vì cuộc chiến với dịch bệnh còn dài - 2

TP.HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng đợt 5.

Địa phương phải chuẩn bị tối đa theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Trung ương chỉ hỗ trợ trong trường hợp thực sự cần thiết, không thể tất cả trông chờ hết vào Trung ương”, ông Long nói và cho biết Trung ương sẽ tập trung hỗ trợ cho các Trung tâm Hồi sức của Trung ương trong tình huống dịch căng thẳng.

Các địa phương cũng cần chuẩn bị về điều phối các hoạt động chuyên môn để khi xảy ra không bị luống cuống như vận chuyển, tiếp nhận bệnh nhân, liên thông cơ sở. Ông yêu cầu tất cả cơ sở thực hiện khám chữa bệnh phải kết nối hệ thống Telehealth.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong ngày 1/8, TP.HCM cho 3.207 bệnh nhân COVID-19 xuất viện, 2 ngày qua thành phố chưa phát sinh ổ dịch mới.

Tính đến 6h ngày 2/8, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 97.076 người mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 94.758 ca mắc trong cộng đồng, 321 người nhập cảnh.

Trong ngày 1/8, thành phố cho 3.207 bệnh nhân COVID-19 xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu lên 37.846 người.

Hoàng Thọ

Hoàng Thọ