Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 25-31/7: Mỹ-Trung Quốc họp cấp cao ở Thiên Tân; Hàn Quốc-Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:44, 01/08/2021
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ngày 26/7. (Nguồn: THX) |
Hội đàm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - Trung ở Thiên Tân
Trong hai ngày 25-26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thăm Thiên Tân (Trung Quốc) và có cuộc hội đàm với các quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh tại đây gồm Bộ Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong.
Đây là lần đầu tiên hai bên gặp nhau kể từ cuộc gặp tại Alaska, trong bối cảnh quan hệ song phương chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trong tuyên bố sau khi kết thúc chuyến đi, bà Sherman cho biết, bà và ông Vương Nghị đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn về một loạt vấn đề, thể hiện tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở giữa hai nước. Hai bên đã thảo luận cách thức nhằm quản lý quan hệ Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm.
Bà Sherman nhấn mạnh, Mỹ chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nước và sẽ tiếp tục gia tăng sức cạnh tranh của Mỹ, xong không có ý định tìm kiếm xung đột với Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng ngay lập tức việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, ngừng gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, không nên bước qua “giới hạn đỏ” và tiến hành các hành động khiêu khích.
Tàu M/T Courageous bị phía Mỹ cáo buộc vận chuyển dầu khí cho Triều Tiên. (Nguồn: AFP) |
Mỹ bắt giữ tàu vận chuyển dầu khí tới Triều Tiên
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/7 cho biết nước này đã bắt giữ một con tàu được cho là vận chuyển nhiên liệu bất hợp pháp tới Triều Tiên. Con tàu có tên M/T Courageous được đăng ký tại Malta và thuộc sở hữu của Kwek Kee Seng, công dân Singapore.
Một thẩm phán của tòa án liên bang ở New York đã phê duyệt vụ bắt giữ tàu. Con tàu M/T Courageous được cho là tham gia vào một vụ vận chuyển nhiên liệu có giá trị hơn 1,5 triệu USD.
Ngoài ra, tàu còn vận chuyển hàng trực tiếp đến Nampo, cảng thường xuyên được sử dụng để Triều Tiên nhận hàng hóa cứu trợ từ nước ngoài.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8 - 12/2019, tàu M/T Courageous đã tắt hệ thống định vị toàn cầu. Hình ảnh vệ tinh cho thấy con tàu này chuyển lượng dầu có giá trị hơn 1,5 triệu USD cho tàu Saebyol thuộc sở hữu của Triều Tiên.
Chính quyền Campuchia đã bắt giữ con tàu vào tháng 3/2020 theo đề nghị của Mỹ. Hiện M/T Courageous vẫn neo đậu tại Campuchia.
Quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đang rơi vào tình trạng căng thẳng. Vào tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này sẽ hủy bỏ tất cả các cuộc đàm phán nào với Mỹ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Dudeter tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tối 29/7. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ-Philippines khôi phục hiệp ước quan trọng
Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 30/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ đồng ý khôi phục lại Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA) với phía Mỹ.
Manila từng gửi thư cho Washington để thông báo về việc chấm dứt VFA sau 6 tháng. Tuy nhiên, thời hạn đã được gia hạn thêm.
VFA có hiệu lực từ năm 1999. Theo đó, binh sĩ Mỹ được phép tập trận trên lãnh thổ Philippines.
“Bức thư chấm dứt đã được rút lại và coi như chưa có gì xảy ra. VFA có hiệu lực trở lại hoàn toàn”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết.
Ông Austin cảm ơn ông Duterte và cho rằng quyết định tiếp tục VFA là "rất đáng hoan nghênh". Động thái này có thể làm ổn định lại mối quan hệ đồng minh, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tang sức ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến? (Nguồn: VN Explorer) |
Hàn Quốc-Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc
Ngày 27/7, Hàn Quốc và Triều Tiên đã mở lại đường dây nóng sau một năm cắt đứt liên lạc, đánh dấu bước chuyển biến tích cực đầu tiên trong quan hệ hai nước kể từ sau một loạt hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in năm 2018.
Kể từ tháng 4/2021, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thư cá nhân nhiều lần và chia sẻ quan điểm về việc thúc đẩy hòa giải liên Triều.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí “đạt bước tiến lớn” trong việc khôi phục lòng tin lẫn nhau, đồng thời cho rằng việc khôi phục các kênh liên lạc với Hàn Quốc “sẽ tác động tích cực đến việc cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều”.
Tuy nhiên, về khả năng có thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4 hay không, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, chưa có cuộc thảo luận nào về việc gặp trực tiếp hay trực tuyến giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước.
Người đàn ông chạm vào chân dung của cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise bên ngoài một nhà thờ lớn ở Cap-Haitien, nơi tổ chức lễ tưởng niệm vị tổng thống bị ám sát. Ông Moise đã bị ám sát hồi đầu tháng 7 tại nhà riêng bởi một nhóm sát thủ. (Nguồn: AP) |
Haiti xác định nghi phạm ám sát Tổng thống là cựu thẩm phán
Cảnh sát Haiti hôm 30/7 đã đưa ra những cáo buộc mới đối với bà Wendelle Coq-Thelot, một cựu thẩm phán Tòa án Tối cao liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise đầu tháng 7/2021.
Theo người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Haiti, một số lính đánh thuê Colombia và người Mỹ gốc Haiti bị bắt sau sự kiện trên đã khai bà Wendelle Coq-Thelot, người từng bị Tổng thống Jovenel Moise sa thải đã hai lần gặp họ. Những người này đã cung cấp cho cảnh sát chi tiết về các tài liệu nhận được tại nhà bà Coq-Thelot.
Trước đó, ngày 26/7, cảnh sát đã phát lệnh truy nã bà Coq-Thelot. Hồi tháng 2 năm nay, bà Wendelle Coq-Thelot cùng 2 thẩm phán khác bị cách chức khi Tổng thống Moise cáo buộc họ lên kế hoạch tổ chức đảo chính lật đổ ông.
Đến nay, chủ mưu vụ ám sát Tổng thống Haiti Moise và cách thức những kẻ ám sát xâm nhập tư gia tổng thống vẫn đang được làm rõ.
Một quan chức an ninh hàng đầu của Tổng thống Jovenel Moise cũng đã bị bắt ngày 24/7 vì tình nghi có liên quan đến âm mưu ám sát.