Sự tái xuất của "banker" Trương Lệ Hiền ở NCB
Bất động sản - Ngày đăng : 11:35, 31/07/2021
So với tân Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương, đồng sự Trương Lệ Hiền thậm chí còn nổi trội hơn hẳn về thâm niên.
Sinh năm 1965, gia nhập Vietcombank từ năm 1987, bà Hiền gắn trọn sự nghiệp với nhà băng mà thị trường đang xem là ngân hàng thương mại là số 1 Việt Nam.
Hơn 3 thập kỷ trong nghề, nghỉ hưu trên cương vị Trưởng Ban Kiểm soát Vietcombank, tân thành viên HĐQT NCB là một "banker" xịn. Bà được thừa nhận là người có đóng góp lớn cho việc đưa Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam áp dụng chuẩn mực Basel II trong hoạt động.
Ở tuối 56, bà Trương Lệ Hiền kết thúc sự nghiệp viên chức nhà nước bởi giới hạn của tuổi hưu, nhưng chắc hẳn đó chưa phải giới hạn cho khả năng cống hiến.
Kinh nghiệm dạn dày và quan hệ phong phú của bà Trương Lệ Hiền trong lĩnh vực ngân hàng sẽ hữu ích với ông chủ tư nhân đã mời bà cộng tác, trong đó có việc tham vấn về các vấn đề đối với một nhà băng thuộc diện tái cơ cấu như NCB.
Nó sẽ càng có giá trị khi ông chủ ấy cần "hiểu hơn" về NCB, trước khi đưa quyết định đầu tư lớn. Bởi với kinh nghiệm 15 năm liên tục làm trưởng phòng kiểm toán nội bộ, rồi thành viên Ban Kiểm soát, Trưởng Ban Kiểm soát ở một định chế hàng đầu như Vietcombank, bà Hiền có thế mạnh trong việc rà soát, thẩm định.
Trạng thái mới của NCB
Tương tự như cựu CEO Sun Group Bùi Thị Thanh Hương, bà Trương Lệ Hiền cũng được thị trường xem là người mà nhóm cổ đông mới gửi gắm.
Nếu vậy, nhóm này sẽ có tới 2 đại diện trong HĐQT NCB, cân bằng với số đại diện của nhóm Gami Group. Sau sự từ nhiệm của ông Vũ Mạnh Tiến và bà Trần Hải Anh tại ĐHĐCĐ bất thường (EGM) vừa rồi, nhóm đã cầm quyền ở NCB suốt thập kỷ qua coi như chỉ còn 2 đại diện trong HĐQT, là ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Phạm Thế Hiệp. Thành viên còn lại trong HĐQT 5 người của NCB - ông Kido Tamaki là thành viên độc lập.
'Tiếng nói’ của nhóm cổ đông mới, như thế, đã vượt trội so với mức độ sở hữu của họ - theo một nguồn tin của VietTimes, mới chỉ đạt trên 15% cổ phần NCB. Điều lệ NCB quy định, nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phần có quyền biểu quyết đạt từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử 01 đại diện để bầu tham gia HĐQT ngân hàng.
Mà theo kịch bản trên, nhóm cổ đông mới đã chiếm tới một nửa cơ cấu HĐQT NCB. Nhóm cũ còn thiện chí đến mức, như đã thấy, là nhường luôn cả chức vụ lãnh đạo cao nhất - Chủ tịch HĐQT - cho bà Bùi Thị Thanh Hương.
Bà Hương cũng sẽ thay thế ông Phạm Thế Hiệp trong vai người đại diện theo pháp luật của NCB, khi EGM đã thông qua việc điều chỉnh vai trò này từ Tổng Giám đốc qua Chủ tịch HĐQT.
Biên bản đại hội cho thấy, nhóm cũ - với tỷ lệ sở hữu có tính định đoạt - đã biểu quyết ủng hộ tuyệt đối cho các đại diện của nhóm mới. Có nghĩa, nhà chủ NCB - ít nhất là cho đến lúc này - đã chấp nhận theo hướng đón nhận nhóm cổ đông mới.
“Chúng tôi mời họ vào để gia tăng chất lượng quản trị cho ngân hàng” - một lãnh đạo NCB xác nhận với VietTimes.
Dĩ nhiên, các bên mới đang chỉ ở "tuần trăng mật", họ cần thêm thời gian để thực sự hiểu về nhau.
Quá trình "tìm hiểu" nếu cho kết quả tích cực, nhóm cổ đông mới có thể sẽ gia tăng sở hữu cho tương xứng với tầm ảnh hưởng của họ trong quản trị và điều hành. Không loại trừ là gia tăng cả đến mức độ “làm chủ” NCB.
Cơ cấu cô đặc
EGM 2021 của NCB tiếp tục cho thấy cơ cấu cổ đông cô đặc ở nhà băng này. Cuộc họp có sự tham dự của 16 cổ đông nhưng đại diện cho tới 343,89 triệu cổ phần, chiếm 84,53% cổ phần có quyền biểu quyết của NCB.
Trong đó, số cổ phần của cổ đông tham dự theo hình thức uỷ quyền là 303,7 triệu đơn vị, chiếm 74,67% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tính từ đầu tháng 7/2021 tới trước thềm EGM 2021, có tới 116,1 triệu cổ phiếu NVB (tương đương với 28,3% vốn điều lệ của NCB) đã được trao tay qua phương thức thoả thuận. Trong đó, như VietTimes từng đề cập, gần 62 triệu cổ phiếu NVB (tương đương 15% vốn điều lệ) được sang tay chỉ trong hai phiên giao dịch./.