Bất động sản mới nhất: Chung cư Hà Nội tăng giá; doanh nghiệp gọi vốn bằng trái phiếu lãi cao; hồ sơ công chứng thế chấp sổ đỏ cần những gì?
Kinh doanh - Ngày đăng : 08:15, 31/07/2021
Bất động sản mới nhất: Công suất phòng khách sạn Hà Nội chỉ đạt 25%. (Nguồn: Metropole HN) |
Bất chấp dịch Covid-19, chung cư Hà Nội vẫn tăng giá
Theo báo cáo của batdongsan.com.vn, thị trường chung cư tại Hà Nội trong quý II có lượng tin đăng tăng 22% so với quý trước, trong khi TP. Hồ Chí Minh (TP HCM) giảm 3%. Mức độ quan tâm chung cư tại Hà Nội cũng có sự tăng trưởng tốt với mức tăng ấn tượng 21%, trong khi TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng nhẹ với 5%.
Ngoài ra, giá bán chung cư tiếp tục tăng trong quý II với mức tăng lần lượt là 2,6% ở Hà Nội và 1,4% ở TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, giá chung cư ở TP. Hồ Chí Minh sau nhiều năm tăng cao, vượt xa mức tăng ở Hà Nội thì tới quý II năm nay, chung cư TP. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu chững giá với mức tăng không đáng kể, thấp hơn tỷ lệ tăng chung cư Hà Nội.
Cụ thể, tại các khu vực ngoại thành như Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai là các quận có mức tăng giá cao nhất ở cả 3 phân khúc bình dân, trung cấp và cao cấp, đặc biệt phân khúc cao cấp ở Long Biên có mức tăng giá tới 6%. Trong đó, riêng giá chào bán căn hộ sơ cấp ghi nhận tại Hà Nội đã tăng từ 11-13% so với năm trước.
Doanh nghiệp bất động sản tích cực gọi vốn bằng trái phiếu
Bị ngân hàng siết tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tích cực gọi vốn bằng trái phiếu với mức lãi suất cao hơn đáng kể so với bình quân thị trường.
Dù không “nóng” như trước, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021.
Báo cáo thị trường trái phiếu mới đây của Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá rằng trong qúy II/2021, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã sôi nổi trở lại.
Trong quý II, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý đạt gần 135 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với quý trước. Trong số đó, riêng nhóm bất động sản phát hành khoảng gần 29 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo cũng ghi nhận lãi suất huy động trái phiếu từ các doanh nghiệp bất động sản vẫn bình quân ở mức 10,7%/năm. Trong khi lãi suất huy động cao nhất trong số các ngành nghề thì kỳ hạn phát hành lại ngược lại, ở mức thấp nhất.
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Quỹ đầu tư DG Investment thì việc các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải sử dụng trái phiếu lãi suất cao gọi vốn là điều dễ hiểu khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp buộc các ngân hàng dự báo rủi ro tín dụng tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021.
Các chuyên gia tài chính đưa ra lời cảnh báo rủi ro và cho rằng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không nên chỉ nhìn vào lãi suất. Phần lớn các trái phiếu lưu hành trên thị trường cũng như doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chưa được định giá xếp hạng tín nhiệm tín dụng độc lập để giúp nhà đầu tư tham khảo và bổ trợ cho quyết định đầu tư.
Bất động sản mới nhất. Nguồn: Đại Đoàn Kết |
Công suất phòng khách sạn Hà Nội chỉ đạt 25%
Chịu tác động lớn từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, công suất phòng khách sạn tại thị trường Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đạt 25%, giảm 8% theo năm, giá phòng trung bình giảm 16% theo năm. Du khách tới Hà Nội trong nửa đầu năm hầu hết là khách nội địa, đạt 2,9 triệu khách, giảm 25% theo năm.
Báo cáo thị trường khách sạn 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam cho thấy, giá phòng khách sạn tại Hà Nội trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm (1,77 triệu đồng), tăng 1% theo quý nhưng giảm 9% theo năm.
Nguồn cung của thị trường vẫn ổn định theo quý với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao. Trong đó, khách sạn 5 sao chiếm tới 54% nguồn cung và đồng thời dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm (644 nghìn đồng) nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.
Tới cuối quý II năm nay, 5 khách sạn 3 sao cung cấp 315 phòng đang tạm đóng cửa do Covid-19 và để sửa chữa, ngoài ra 10 khách sạn 3-5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly.
Từ nay tới năm 2023, Savills cho biết gần 2.600 phòng dự kiến sẽ được đưa vào thị trường từ 14 dự án. Trong năm nay, ba dự án 3-5 sao được dự tính sẽ cung cấp trên 500 phòng. Khu vực nội thành sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn cung tương lai với 1.200 phòng từ 7 khách sạn, theo sau là khu phía tây với 36% nguồn cung tương lai.
Chi tiết hồ sơ công chứng thế chấp sổ đỏ năm 2021
Dù là cá nhân, tổ chức tín dụng thì khi thế chấp sổ đỏ hoặc nhận thế chấp, các bên phải công chứng, chứng thực hợp đồng.
Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rõ, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b Khoản này.
Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng 2014, hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:
Phiếu yêu cầu công chứng (khi tới phòng/văn phòng công chứng sẽ điền theo mẫu).
- Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của các bên tham gia giao dịch.
- Bản sao giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng).
- Giấy tờ chứng minh về tình trạng tài sản chung, tài sản riêng.
- Dự thảo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (nếu có).
Văn bản ủy quyền nếu được người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở ủy quyền thực hiện (phải có khi được ủy quyền).
Phí công chứng hợp đồng thế chấp sổ đỏ
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí công chứng hợp đồng thế chấp sổ đỏ được tính trên giá trị tài sản, nếu trong hợp đồng thế chấp tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay.
Ví dụ, dưới 50 triệu đồng, phí công chứng là 50.000 đồng; từ 50-100 triệu, phí là 100.000 đồng; trên 100 triệu - dưới 1 tỷ 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch;
Từ 1-3 tỷ đồng, phí công chứng sẽ bằng 1 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch; từ trên 3-5 tỷ đồng, phí công chứng là 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch;
Từ trên 5-10 tỷ đồng, phí công chứng là 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch.