Vì sao nhiều công trình ngầm ở Trung Quốc dễ bị nhấn chìm dưới dòng nước lũ?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:34, 29/07/2021

Sự phát triển ngầm không kiểm soát đang làm trầm trọng thêm các thảm họa thiên nhiên ở Trung Quốc như trận lụt ở tỉnh Hà Nam gần đây.

Trong tuần qua, mưa lớn đã tấn công tỉnh Hà Nam, Trung Quốc làm vỡ đập và ngập lụt đường phố.

Từ ngày 17- 20/7, thủ phủ của tỉnh Trịnh Châu đã ghi nhận lượng mưa 617,1 mm, tương đương với lượng mưa gần như cả năm chỉ trong ba ngày. Lượng mưa khoảng 200mm đã trút xuống chỉ trong vòng 1 giờ vào ngày 20/7, phá vỡ kỷ lục trước đó về lượng mưa hàng giờ trên đất liền Trung Quốc. Điều đáng nói là Hà Nam là một trong những khu vực thường xuyên hạn hán và gió mùa.

Đến trưa ngày 23/7, lũ lụt đã giết chết ít nhất 51 người, ảnh hưởng đến gần 4 triệu người khác và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp trị giá ước tính 10 tỷ USD.

Mặc dù sự kiện này khá cực đoan nhưng các vụ việc trong tuần qua ngày càng xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc. Kể từ năm 1961, Trung Quốc đã trải qua khá nhiều trận mưa bão và đa số trung bình nhiều hơn qua từng năm. Trong những năm 1960, lượng mưa cực lớn chiếm khoảng 10% đến 15% lượng mưa ở Trung Quốc mỗi năm. Nhưng kể từ năm 2000, tỷ trọng đã tăng lên 20%.

Trong những năm gần đây, ngay cả các thành phố nội địa ở phía tây bắc khô cằn cũng đã ghi nhận những trường hợp mưa lớn.

Năm 2018, thị trấn Qincheng ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây bắc đã phải hứng chịu lượng mưa 110mm trong khoảng thời gian 1 giờ. Kỷ lục trước đó về lượng mưa hàng năm trong khu vực chỉ là 52,4mm. Vì biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt hiện nay đã khiến mọi thứ trở nên bình thường và Trung Quốc, giống như mọi quốc gia khác trên thế giới cần phải đương đầu với thực tế này.

Nhưng trong khi phần lớn cơ sở hạ tầng đô thị của Trung Quốc còn tương đối mới sau quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng suốt bốn thập kỷ qua, hầu hết các thành phố vẫn chưa chuẩn bị cho kịch bản thời tiết ngày một khắc nghiệt hơn. Đặc biệt, hệ thống thoát nước ngầm bên dưới các thành phố, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ lụt thường bị bỏ quên hoặc sử dụng sai mục đích.

Cái giá của sự phát triển quá nóng và hạ tầng thoát nước không theo kịp

Trong trận mưa bão ở Trịnh Châu, nhiều không gian ngầm không chỉ không hút được lượng nước khổng lồ mà còn là nguồn gây thương vong và thiệt hại tài sản lớn nhất. Theo đó đã có hàng chục người thiệt mạng trên tàu điện ngầm Tuyến số 5 sau khi chính quyền không kịp thời đóng cửa các ga tàu điện ngầm.

Vấn đề này sẽ ngày càng cấp bách hơn khi nhiều thành phố Trung Quốc không chỉ phát triển trên mặt đất mà còn tích cực mở rộng không gian ngầm. Từ năm 2016 đến năm 2019, tổng đầu tư cho phát triển đô thị dưới lòng đất của Trung Quốc là khoảng 1,2 tỷ USD/năm.

Chỉ riêng trong năm 2019, quốc gia này đã bổ sung thêm khoảng 257 triệu m2 diện tích sàn ngầm. Tại các thành phố ở đồng bằng sông Dương Tử, không gian ngầm chiếm tới 26% tổng công trình xây dựng trong cùng thời kỳ.

Theo phó giáo sư Kong Feng cho biết khi có mưa lớn, phần đất bên dưới các thành phố có chức năng trữ nước, hấp thụ lượng mưa và ngăn lượng lớn nước mưa tích tụ trên mặt đất và gây ra lũ lụt. Tuy nhiên, khi mạng lưới đường dây điện, tàu điện ngầm và các phố thương mại ngầm của Trung Quốc ngày càng dày đặc, đất sẽ khó có thể kịp hấp thụ lượng nước khổng lồ.

Lượng mưa hấp thụ càng ít thì dòng chảy tích tụ càng nhanh, lẽ dĩ nhiễn dẫn tới những trận lũ quét có sức tàn phá kinh hoàng và dữ dội trong thời gian ngắn.

Nếu được quy hoạch tốt, các không gian ngầm đô thị có thể được tái sử dụng để chứa nước, cống rãnh có thể được sử dụng để thoát nước lũ, các quảng trường hoặc bãi đậu xe trũng có thể giúp ngăn dòng chảy. Tuy nhiên nó hiếm khi được ứng dụng và phần lớn là do các nhà quy hoạch thường chỉ xem xét mục đích dân dụng và thương mại của không gian ngầm thay vì các chức năng phụ trợ như lưu trữ nước.

Trong nhiều trường hợp, họ thậm chí còn không tính đến tác động của lượng mưa đối với các tòa nhà của họ. Mưa lớn kéo dài và lũ lụt có thể làm thoái hóa đất xung quanh các công trình ngầm, khiến mặt đất sụt lún, thậm chí sụp đổ công trình một lúc nào đó.

Một trong những trở ngại chính đối với việc kiểm soát lũ lụt ở các thành phố của Trung Quốc là hệ thống thoát nước ngầm không đủ năng lực xử lý. Các nhà quy hoạch thành phố thường tập trung vào các dự án cao cấp trên mặt đất, trong khi các công trình ngầm "ẩn" thường ít được quan tâm hơn.

Ví dụ nhiều thành phố của Trung Quốc vẫn sử dụng hệ thống thoát nước theo mô hình của hệ thống thoát nước ở Mỹ. Do đó, hệ thống thoát nước chỉ được thiết kế để chống chọi với lượng mưa bình thường và những trận mưa bão trong thời gian ngắn.

Tại Trung Quốc, các hệ thống này đã được đưa vào các khu vực có khí hậu ôn đới gió mùa, đặc trưng bởi lượng mưa lớn tập trung vào mùa hè.

Ngoài ra, hầu hết các đường ống ngầm ở các thành phố của Trung Quốc có rất ít công năng, điều này càng làm trầm trọng thêm nguy cơ thảm họa ở các thành phố trong thời kỳ mưa đặc biệt lớn. Các đường ống thoát nước ngầm và các công trình thoát nước khác cũng dễ bị bỏ quên lâu ngày, dẫn tới bị tắc nghẽn do lá cây hoặc cặn nước thải sinh hoạt.

Thảm kịch tàu điện ngầm Trịnh Châu chắc chắn sẽ là lời cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách xem xét vai trò và an ninh của không gian ngầm trong các thảm họa tương lai.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ cách tiếp cận tự do đối với phát triển hạ tầng dưới lòng đất, vốn khiến các dự án ngầm bị chồng chéo và đan xen. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nước này sẽ phải bắt đầu đánh giá và phát triển các kế hoạch nhằm tối đa hóa tiện ích và an toàn của không gian ngầm. Điều này góp phần chấm dứt tình trạng phát triển quá mức, dẫn tới thiếu không gian ngầm để trữ nước mưa.

Các nhà quy hoạch đô thị cũng nên xem xét việc tăng không gian xanh trong các thành phố để tăng khả năng trữ nước.

Việc xây dựng thêm các khu cây xanh đô thị, vườn thấm nước mưa, vườn trên mái có thể giúp phân tán, hấp thụ và giảm lượng nước mưa chảy xuống mặt đường, giảm tải cho hệ thống thoát nước ngầm.

Thảm họa ở Trịnh Châu cũng phần nào nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cấp và mở rộng các hệ thống thoát nước quy mô lớn, nhằm đối phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng. Bên cạnh đó cần thiết phải có các hệ thống cảnh báo sớm và khẩn cấp khi có các trận lũ đổ về.

Tiến Thanh (Theo Sixthtone)