Cập nhật Covid-19 ngày 29/7: Số ca mới cao kỷ lục ở Thái Lan; Mỹ ủng hộ WHO điều tra nguồn gốc Covid-19; biến thể Delta làm nhiều nước lao đao

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:40, 29/07/2021

Baoquocte.vn. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 196,7 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có xấp xỉ 4,2 triệu ca tử vong và hơn 178,1 triệu bệnh nhân bình phục.
Dù tỷ lệ tiêm chủng lên tới 50%, số ca Covid-19 ở Thái Lan tăng mạnh, vượt mốc 500.000 người bệnh. (Nguồn: THX)
Thái Lan ngày 29/7 đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tính theo ngày cao kỷ lục. (Nguồn: THX)

* Tại châu Á

Sự lây lan biến thể mới đã đẩy Campuchia vào làn sóng lây nhiễm thứ ba, buộc chính phủ nước này ngày 28/7 phải công bố chiến dịch toàn quốc nhằm tăng cường các biện pháp chống dịch.

Theo sắc lệnh do Thủ tướng Hun Sen ký, các biện pháp chống dịch Covid-19 kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 29/7 đến 12/8.

Toàn bộ các tỉnh và thủ đô Phnom Penh được chỉ đạo đồng loạt thực hiện các biện pháp hành chính và phòng dịch, cũng như tăng cường biện pháp pháp lý ở mỗi khu vực.

Ngày 29/7, Thái Lan đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục theo ngày là 17.669 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 561.030 ca kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm ngoái.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng có thêm 165 ca tử vong, mức cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, đến nay Thái Lan có 4.562 người không qua khỏi do dịch Covid-19.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu tỉnh trưởng của 12 tỉnh thuộc “vùng đỏ sẫm” kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện giám sát chặt chẽ giao thông liên tỉnh tối đa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ, 22.291 ca mắc mới Covid-19 đã được ghi nhận trong ngày 28/7, mức cao kỷ lục kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Số ca tử vong cũng tăng ở mức cao nhất trong 6 tuần qua với 76 ca.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết 87% số ca Covid-19 hiện nay ở nước này là những người chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Ông Koca cho rằng tình hình chưa đòi hỏi nước này phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch, nhưng ông không loại trừ khả năng này trong thời gian tới.

Cùng ngày, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết đang xem xét tiêm vaccine AstraZeneca cho đối tượng người trên 40 tuổi, theo mục tiêu “tiêm chủng tạm thời” được quy định trong Luật Tiêm chủng.

* Tại châu Âu

Anh cũng đang trong làn sóng dịch bệnh mới, lây lan nhanh do sự xuất hiện của biến thể Delta. Tuy nhiên, số ca mắc mới đã giảm trong tuần qua.

Anh đã tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho hơn 70% người trưởng thành.

Chính phủ Anh thông báo, từ ngày 2/8, những người đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ tại Mỹ và Liên minh châu Âu (ngoại trừ Pháp) sẽ được tới Anh mà không phải cách ly khi nhập cảnh.

Ngày 28/7, Ireland báo cáo thêm 1.408 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 295.000 ca, trong đó có hơn 5.000 ca tử vong.

Độ tuổi trung bình của ca mắc mới là 24 tuổi. Số liệu công bố mới nhất cho thấy hơn 65% dân số trưởng thành tại Ireland đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tại Na Uy, biến thể Delta đang khiến số ca mắc mới Covid-19 tại nước này gia tăng. Do đó, kế hoạch dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã được lùi lại tới đầu tháng 8.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết nước này có thể mở cửa hoàn toàn trong mùa Thu này khi thêm nhiều người được tiêm phòng hơn.

Hiện gần 80% dân số trưởng thành tại Na Uy đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19. Quốc gia 5,4 triệu dân ghi nhận tổng cộng 136.369 ca bệnh, trong đó có 799 ca tử vong.

Trong khi đó, liên tiếp nhiều nước châu Âu bắt đầu sử dụng Thẻ Xanh kỹ thuật số về Covid-19. Nối gót Đan Mạch và Pháp và từ ngày 6/8 tới, Italy cũng sẽ triển khai loại hộ chiếu sức khỏe này.

Hiện nay đã có 33 quốc gia nằm trong Liên minh châu Âu (EU) và ngoài EU áp dụng Thẻ Xanh về Covid-19.

Một số quốc gia EU đã tích hợp quyền quốc gia vào giấy thông hành y tế châu Âu. Điều này có nghĩa bằng cách xuất trình chứng chỉ này trên lãnh thổ quốc gia, người sở hữu có thể được vào các địa điểm khác nhau mà không cần phải tuân theo các hạn chế.

* Tại châu Mỹ

Ngày 28/7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết có tới 66,6% số các hạt ở Mỹ hiện đang có mức độ lây nhiễm Covid-19 đủ cao để người dân cần đeo khẩu trang trong các không gian kín.

CDC Mỹ cũng khuyến nghị những người đã được tiêm vaccine nên đeo khẩu trang để tăng cường phòng dịch.

Tình hình tại Canada xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại, số ca mắc mới tại nước này đang tăng trở lại.

Từ ngày 20-26/7, số ca mắc theo ngày ở nước này đã tăng 36% so với tuần trước đó, mặc dù số ca nặng tiếp tục giảm.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Canada đã có đủ vaccine để hoàn thành tiêm chủng cho những người đủ điều kiện, trước thời hạn dự kiến ban đầu hai tháng.

Hiện gần 65% số người dân từ 12 tuổi trở lên tại Canada đã được tiêm chủng đầy đủ. Canada đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 26.000 ca tử vong.

Trong khi đó, Cuba cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng với việc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong cao kỷ lục.

Chỉ trong 24 giờ qua, đảo quốc Caribbean này đã ghi nhận 9.323 ca mắc mới Covid-19 và 68 người không qua khỏi, nâng tổng số ca nhiễm kể từ đầu mùa dịch (tháng 3/2020) lên 358.378 trường hợp và tổng số người tử vong là 2.560 người.

Đáng chú ý, thủ đô La Habana sau một thời gian ghi nhận mức độ lây nhiễm giảm, trong ngày vừa qua đã lại trở thành địa phương có số người mắc Covid-19 cao nhất cả nước với 1.583 trường hợp.

* Tại châu Phi

Trong 24h qua, số ca mắc mới tại Morocco ghi nhận là 9.428 ca, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc ở quốc gia Bắc Phi này lên 597.876 ca.

Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch cũng tăng 27 ca lên 9.665 ca.

Hiện Morocco có hơn 12,9 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó hơn 10 triệu người đã tiêm đủ hai mũi.

Nước này triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine trên phạm vi toàn quốc từ ngày 28/1.

Trong khi đó, Tổng thống Tunisia Kais Saied cho biết ông đang giải quyết các vấn đề kinh tế và dịch Covid-19 trong bối cảnh khủng hoảng chính trị.

* Liên quan đến việc điều tra nguồn gốc Covid-19, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và cam kết sự ủng hộ cuộc điều tra đang tiến hành ở Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Blinken “đã nhấn mạnh tới giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra cần phải chính xác, dựa trên bằng chứng, minh bạch, do chuyên gia dẫn dắt và được phép tự do tiếp cận”.

Ông Blinken cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc đoàn kết giải quyết vấn đề này.

Duy Phương