Giáo dục - một 'bến đỗ' trong hợp tác của Đài Loan (Trung Quốc) với Ấn Độ

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:51, 28/07/2021

Baoquocte.vn. Đài Loan (Trung Quốc) tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với Ấn Độ, từ đó phát huy vai trò 'sức mạnh mềm' trong hợp tác giữa hai bên.

Quan hệ giữa Ấn Độ với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) những năm gần đây đã có nhiều bước tiến triển mới. Việc phát huy vai trò “sức mạnh mềm” trong chính sách đã kéo hai bên xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Ấn Độ tìm gì khi hợp tác giáo dục với Đài Loan (Trung Quốc)?
Sinh viên Ấn Độ tại Đài Loan (Trung Quốc).

Mũi nhọn “sức mạnh mềm”

Hội nhập giáo dục quốc tế đã đem đến những cơ hội hợp tác mới. Do đó, trong hợp tác giữa Ấn Độ với Đài Loan, giáo dục đóng vai trò như một công cụ “quyền lực mềm” hiệu quả trong việc thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn.

Tính đến năm 2021, số lượng sinh viên Ấn Độ đang học tập tại Đài Loan lên đến 2.398 sinh viên (tăng 56%). Con số này đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa Ấn Độ với vùng lãnh thổ này trong lĩnh vực giáo dục.

Về phía Đài Loan, kể từ năm 2016, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn chính thức tiến hành chính sách “Hướng Nam mới” (NSP) nhằm đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, Nam Á trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là giáo dục.

Tại Hội nghị An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bà Thái Anh Văn tái khẳng định NPS sẽ cung cấp nền tảng hợp tác với các quốc gia phía Nam và cam kết liên kết NPS với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

Tuy nhiên, NSP không chỉ bao hàm nội dung kinh tế mà còn chú trọng các mối liên hệ xã hội, mà trọng tâm là liên kết con người nhằm thúc đẩy “quyền lực mềm” của Đài Loan.

Đặc biệt, Đài Loan lên kế hoạch tạo ra một chương trình học thuật lưu động, một mặt để thúc đẩy môi trường giao lưu tri thức, mặt khác nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ, một quốc gia với vị thế chiến lược quan trọng trong chính sách của Đài Loan.

Ấn Độ cũng bày tỏ thiện chí “có đi có lại” khi mời các học giả xuất sắc của Đài Loan tới làm việc trong thời gian từ 6 tháng đến một năm.

Tiềm năng hơn thách thức

Xuất phát từ chiến lược tăng cường giao lưu nhân dân, việc giữ vững và củng cố mối quan hệ Ấn Độ-Đài Loan cơ bản được xúc tiến dựa trên mối quan tâm của sinh viên với nền văn hóa của cả hai bên.

Dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn, Đài Loan đang tận dụng triển vọng kinh tế để chuyển mình thành “trung tâm giáo dục” cấp khu vực. Do đó, giáo dục có thể trở thành một phương thức để gia tăng ảnh hưởng của Đài Loan trong khu vực, đặc biệt là với Ấn Độ.

Tuy nhiên, chiến lược này phải đối mặt với thách thức đến từ nhiều phía. Theo ghi nhận, số lượng sinh viên Ấn Độ theo học tại Mỹ đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, và chiếm khoảng 18% tổng số du học sinh trong năm 2019-2020.

Anh, Singapore, hay Hàn Quốc cũng là những điểm đến tiềm năng của du học sinh Ấn Độ.

Mặc dù môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng Đài Loan vẫn có cơ hội thu hút nhân tài đến từ Ấn Độ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, hỗ trợ chi phí sinh hoạt và cơ hội việc làm.

Không chỉ vậy, 16 trường đại học Đài Loan nằm trong Bảng xếp hạng Đại học (QS) thế giới năm 2021 và 35 trường đại học Đài Loan nằm trong Top 300 của bảng xếp hạng QS châu Á có thể là một lợi thế để thu hút sự chú ý của sinh viên Ấn Độ.

Bên cạnh đó, việc duy trì sự cân bằng giữa hai ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên của Đài Loan cũng là một chiến lược tiềm năng. Ông Peters Ly Chen, Trưởng phòng Giáo dục, Trung tâm Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc ở New Delhi cho rằng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội cần được thúc đẩy nhiều hơn để thu hút sinh viên từ Ấn Độ.

Theo ông Peters Ly Chen, các sinh viên theo học chuyên ngành khoa học xã hội tạo khả năng kết nối và thúc đẩy trao đổi văn hóa lớn hơn so với sinh viên khoa học tự nhiên. Những sinh viên này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy “quyền lực mềm”, đồng thời vẫn mang lại lợi ích về mặt kinh tế.

Do vậy, đây được đánh giá là chiến lược khôn ngoan nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ với Đài Loan trong thời gian tới.

Mặt khác, Đài Loan cũng nên khai thác nhân sự giảng dạy tiếng Anh đến từ Ấn Độ theo chương trình hợp tác tới năm 2030 nhằm hiện thực hóa kế hoạch “Đài Loan song ngữ”.

Ngày nay, thế giới có tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau rất cao và giáo dục đóng vai trò như một chất xúc tác trong tiến trình củng cố hợp tác Ấn Độ - Đài Loan trên các bình diện trao đổi văn hóa hay giao lưu nhân dân.


Bài viết của Sadia Rahman - nghiên cứu sinh tại Đại học Chung Hsing ở Đài Loan (Trung Quốc) và TS. Namrata Hasija - nghiên cứu viên tại Trung tâm Chiến lược và Phân tích Trung Quốc ở New Delhi (Ấn Độ) đăng trên trang web của Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF), Ấn Độ.

Mỹ Lệ