Sinh viên thực tập hay chỉ cần con dấu để tốt nghiệp?

Xã hội - Ngày đăng : 14:22, 24/05/2021

Thực tập luôn là một giai đoạn cần thiết với các bạn sinh viên. Tuy nhiên nhiều sinh viên cho rằng thực tập rất phí thời gian vì khi thực tập chẳng được giao việc gì, vậy nên chỉ đi tìm một con dấu xác nhận cho xong kỳ thực tập.

Thực tập hay chỉ là người giúp việc’’ ?

Quá trình thực tập sẽ rơi vào khoảng 2 đến 3 tháng tùy theo quy định của mỗi trường. Tuy nhiên nhiều trường hợp thực tập chỉ mang ý nghĩa hình thức, khi nhiều doanh nghiệp nhận thực tập rồi không giao công việc phù hợp mà hầu như chỉ lăng xăng chạy việc vặt.

Với Dũng, sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nộp đơn thực tập tại một công ty truyền thông ở Quận 3 thì kỳ thực tập lại là nỗi thất vọng lớn. Hào hứng ban đầu bao nhiêu thì rốt cục, suốt kỳ thực tập, Dũng chỉ  được giao những công việc vặt như in tài liệu, pha trà,…

221855211_881398935921031_7322889393745987430_n.jpg
Ảnh minh họa

“Vào chỗ thực tập, người ta cho  em làm những thứ ngoài rìa thôi chứ không được tham gia các công việc mà em được học. Nói chung là  không học được thêm gì bao nhiêu”. – Dũng tâm sự . Sau cùng Dũng phải xin công ty số liệu để có thể hoàn thành bài báo cáo khi kết thúc khoảng thời gian 3 tháng thực tập tại đây.

Trong khi đó, không phải vất vả tìm kiếm chỗ thực tập, cô bạn Mỹ Uyên, học ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng một trường Đại học lớn tại TP. HCM  được nhận thực tập tại phòng sản phẩm của một công ty kính mắt ở Quận 1. Tuy nhiên, cứ tưởng rằng vào thực tập sẽ có người hướng dẫn làm việc nhưng thực tế thì Uyên suốt ngày chỉ dán mắt vào màn hình máy tính chỉ để xem số liệu, chứng từ của công ty.

“Những ngày đầu đi làm còn nhiệt tình, thế nhưng càng về sau công việc ngày càng nặng lại không có người hướng dẫn, nên mình bắt đầu thấy nản, công việc thực tập đã không có lương lại không bổ ích, nên lại xin nghỉ và tìm kiếm một công việc khác.’’ – Uyên chia sẻ.

Chỉ cần một con dấu là xong

Ở chiều ngược lại, nhiều sinh viên lại đi tìm một con dấu đỏ của doanh nghiệp để giải quyết cho xong thủ tục mà không cần phải đi thực tập thực tế. Đến thời hạn thì chỉ cần xin số liệu, nhận xét kèm chữ kí rồi lên mạng tìm tài liệu có sẵn copy vào là xong.

Theo Thanh Huyền, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, vốn có người quen, Huyền chỉ cần nhờ đóng dấu mộc và kí giấy thế là xong kỳ thực tập. Thay vào đó, cô dành thời gian để đi học chứng chỉ tiếng anh, tin học và học thêm một ngoại ngữ khác.

“Thời buổi bây giờ, đi thực tập làm gì tốn thời gian lắm bạn ơi. Mình có người quen ở doanh nghiệp chỉ cần nhờ đóng dấu là có thể nộp báo cáo cho trường. Thời gian không đi thực tập thì đi học những kỹ năng khác chứ thực tập nhiều khi công cốc’’ –  Thanh Huyền đánh giá.

225823944_545446899941806_5704664286674016736_n.jpg
Ảnh minh họa

Ngay cả khi không quen biết với doanh nghiệp nào để xin dấu mộc, nhiều sinh viên cũng chỉ cần bỏ ra 5 phút lên mạng là có thể tìm được những nơi bán dấu mộc. Không dễ nhìn thấy những dòng quảng cáo ấn tượng: “Chỉ cần nhắn tin để lại tên, mã số sinh viên, ngành, trường và số điện thoại liên lạc thì sẽ có ngay trong ngày”. Và những dấu mộc này có giá khá rẻ tầm 100.000 – 800.000 nghìn là có thể mua được ngay.

Theo L. sinh viên tại một trường đại học tư thục tại TP.Hồ Chí Minh, để tìm một con dấu chứng nhận cho kỳ thực tập,  L. liên hệ đến một số điện thoại chuyên nhận làm dịch vụ do người quen giới thiệu. Khi nói cần con dấu xác nhận thực tập cho ngành quản trị kinh doanh thì L. được ra giá “dịch vụ” là 400.000 đồng.

“Họ cam kết rằng chỉ có con dấu ngân hàng, bệnh viện là không có, chứ mấy ngành nghề khác bao nhiêu cũng có đủ. Vào mùa thực tập, có nhiều sinh viên cũng tìm mua con dấu chứ không chỉ riêng mình đâu. Bởi vậy, mình cũng an tâm làm.’’ – L chia sẻ về trường hợp của mình.

Thực tập có thực sự cần thiết không?

Từ góc độ doanh nghiệp, Ông Bùi Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Nam Việt, Q.Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ  trong một kỳ thực tập, ngoài việc trang bị kỹ năng giao tiếp tốt, tự tin thì các bạn sinh viên phải có tính tự giác cao.

“Đó là bạn phải tự giác nhận việc để được làm. Việc gì các bạn nhắm thấy khả năng mình làm được thì phải làm ngay. Kể cả những việc mà bạn cho là nhỏ nhặt, như: photo, scan, fax công văn giấy tờ phụ giúp sếp hoặc nhân viên nơi bạn thực tập. Chẳng hạn, nghe sếp bảo giao hồ sơ cho phòng này, chuyển hồ sơ kia cho chỗ nào đó thì phải đến xin nhận việc mà làm...”.

Theo ông  Huỳnh Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bình Long (Q.Gò Vấp, TP.HCM) , công ty ông rất khắt khe với những sinh viên về chuyện thực tập tại công ty mình. Trước khi nhận sinh viên vào thực tập, bao giờ công ty cũng có tổ chức một buổi họp chung với nhân viên và giới thiệu cho các SV có cái nhìn tổng quan về công ty.

“Tại buổi họp ấy chúng tôi phổ biết những nội quy, quy định và buộc các em phải tuân thủ trong suốt quá trình thực tập. Theo suy nghĩ của riêng tôi, thực tập là quá trình học việc, cho nên đây là thời gian các em phải cố gắng làm sao tiếp cận để học được từ môi trường thực tế càng nhiều càng tốt”. – Ông Phương nhận xét.

Còn ở góc độ người làm cầu nối tuyển dụng nhân sự, ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên TP.HCM, cho rằng trong quá trình thực tập, sinh viên phải tận dụng tối đa khoảng thời gian này để trau dồi về các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình...

“Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm cũng rất quan trọng cho nên các bạn cần phải học hỏi. Có thể bạn sẽ nằm trong nhóm làm chung với người mình không thích trước đó nhưng phải biết kiềm chế cái tôi vì công việc chung, đó là những bài học bổ ích mà một kỳ thực tập mang lại”. – Ông Sang đưa ra lời khuyên.

Diệu Linh