Người đàn ông Nga 6 năm phượt xe máy khắp Việt Nam
Du lịch online - Ngày đăng : 18:02, 27/07/2021
"Trước đây tôi không kỳ vọng gì nhiều, tôi nghĩ Việt Nam không có gì ấn tượng và có thể cũng giống khuôn mẫu về du lịch như nhiều nơi khác. Tuy nhiên tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ sau chuyến đi và tôi muốn nói với cả thế giới biết về sự thú vị và thu hút của Việt Nam", Ivan cười khi nhớ về các chuyến đi.
Ivan cho biết vì bố mẹ là nhà địa chất học nên từ nhỏ anh đã du lịch nhiều nơi. Ảnh: NVCC.
Ivan tới Việt Nam từ năm 2015 và sinh sống, làm việc ở tỉnh Bình Thuận cho tới nay. Ấn tượng đầu tiên của anh về mảnh đất hình chữ S là sự bí ẩn, không dễ dàng gì để có thể thích nghi ngay với lối sống, văn hóa, ẩm thực hay thậm chí là giao thông. Dù trước đó đã đi xe phân khối lớn ở các quốc gia châu Á khác, anh cho biết việc tập đi máy ở Việt Nam cũng mất nhiều thời gian hơn. Những chiếc xe ở đây khá nhỏ so với anh nhưng lại rất tiết kiệm nguyên liệu, bền bỉ, điều đó khiến anh ngạc nhiên.
Những năm đầu tiên, anh dành thời gian khám phá những cồn cát, bãi biển, chùa chiền ở Bình Thuận. Sau đó là các thành phố, làng quê lân cận như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang. Những chuyến hành trình của anh ngày càng dài hơn, theo anh là vì càng hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam thì lại càng thấy cuốn hút. Đây cũng là tiền đề cho chuyến xuyên Việt của anh.
Mùa hè năm 2020, anh Ivan độc hành trên chiếc xe Wave, từ Mũi Né (Bình Thuận) đi Đà Lạt, dọc các tỉnh thành ven biển Việt Nam như Phan Thiết, Khánh Hòa, Đà Nẵng... tới các tỉnh miền Bắc như Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai... Trong 3 tháng ròng, anh đã lái xe đến cả những vùng núi phía Bắc xa xôi nhất và lấp đầy bản đồ Google bằng những mốc đánh dấu, tổng cộng khoảng 7.000 km. Tuy nhiên anh vẫn chưa được tới khu vực phía nam đồng bằng sông Cửu Long.
Anh tới các vùng biển, miền núi để ngắm nhìn cảnh đẹp tự nhiên hay những bản làng để xem người địa phương làm nghề dệt thủ công. Nơi anh yêu thích nhất là Mù Cang Chải (Yên Bái), với những ruộng bậc thang uốn lượn, nền văn hóa đậm bản sắc của người dân tộc địa phương.
Anh cho biết, trong chuyến đi anh cũng gặp phải những sự cố như bị tai nạn nhẹ, khiến máy quay phim, chụp ảnh bị hư hỏng hay hỏng xe máy. Với anh những điều đó không đáng kể, ngược lại còn là kỷ niệm để ghi nhớ.
"Thật khó khi phải nói kỷ niệm nào là ấn tượng nhất, vì ở đâu tôi cũng có những trải nghiệm, gặp những con người dễ mến. Việt Nam có thiên nhiên đa dạng, đặc biệt là nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc vẫn đang được gìn giữ. Có lẽ vì thế tôi đã yêu đất nước này - Việt Nam giống như quê hương thứ hai của tôi", Ivan nói.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Thác Bản Giốc, Cao Bằng
Những người dân thân thiện vẫy chào Ivan
Sống lưng khủng long ở Tà Xùa
Ivan đã đi trên nhiều loại xe máy khác nhau
Về ẩm thực theo lời Ivan thì miền Bắc đã chiếm trọn tâm trí anh khi nghĩ đến những món ngon. Dù là những món ăn đường phố đơn giản nhưng mỗi khu vực lại chế biến và thêm gia vị khác nhau. Phở, bánh mì, hải sản, bia Việt Nam đều là món tủ của anh. Trên đường, anh cũng được mời những "đặc sản" như thuốc lào, nhưng phải khéo léo từ chối vì sợ bị say.
So với các địa điểm anh từng ghé thăm ở Nga, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Philippines thì Việt Nam có khí hậu khá dễ chịu. Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy một nơi mát mẻ để xóa tan mọi buồn phiền, căng thẳng như những bãi biển ngập nắng, vùng cao nguyên với sương mù bao phủ.
Hiện nay Ivan có lập một tài khoản Instagram và một tài khoản Youtube với hơn 20.000 người theo dõi, để chia sẻ hình ảnh, video về cảnh đẹp của mảnh đất hình chữ S. Ngoài ra anh cũng lập những hội nhóm mạng xã hội để tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm du lịch Việt Nam với người dân ở quê hương anh.
Vẻ đẹp mũi Kê Gà, Phan Thiết. Video: NVCC.
Ivan cho biết, những chuyến đi của anh đang phải tạm ngưng khi Covid-19 đang bùng phát trở lại. Vì thế, anh dành thời gian để làm phim tài liệu về Việt Nam qua những đoạn phim anh đã thu lại trong các chuyến đi.
"Việt Nam là một đất nước đang phát triển nhanh chóng nhưng tôi vẫn hy vọng khi công nghiệp hóa mở rộng, tự nhiên sẽ không bị xâm chiếm, những kỹ năng thủ công truyền thống của người dân tộc sẽ không bị mai một. Dù không phải việc dễ dàng nhưng việc giữ gìn truyền thống và phát triển kinh tế như Việt Nam đang làm sẽ tạo sức hút cho khách du lịch", anh nói.