Giới khoa học sốc lần đầu chứng kiến tinh tinh dàn trận tiêu diệt khỉ đột

Công nghệ - Ngày đăng : 08:30, 26/07/2021

Màn trình diễn" ngoạn mục này có thể mang lại cho chúng ta khá nhiều thông tin kỳ thú liên quan những tháng ngày sơ khai trong quá trình tiến hoá của loài người.

Một nghiên cứu mới đây đã miêu tả chi tiết hai cuộc chạm trán kinh hoàng mà trong đó những con tinh tinh hoang dã tìm cách tấn công và tiêu diệt được đối thủ khỉ đột vốn to lớn hơn nhiều lần. Đây được xem là một ví dụ khá hiếm hoi về cuộc xung đột giữa các loài vượn lớn với nhau, và các nhà khoa học lo ngại rằng biến đổi khí hậu có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới điều đó.

Trên thực tế, tinh tinh và khỉ đột là những loài hung bạo và có đặc tính bảo vệ lãnh thổ quyết liệt, nhưng những trận ẩu đả của chúng - đôi lúc cực kỳ bạo lực - hầu như chỉ diễn ra giữa các cá thể thuộc cùng một loài. Các nhà khoa học gần như chưa bao giờ nghe đến những cuộc xung đột khốc liệt giữa hai loài vượn lớn khác nhau (không tính loài người). Chính vì vậy, nghiên cứu mới được xuất bản trên tờ Scientific Reports ghi lại hai trận chiến kinh hoàng giữa tinh tinh và khỉ đột tại Công viên Quốc gia Loango ở Gabon có tầm quan trọng đặc biệt.

Lý do của những cuộc tấn công tưởng chừng vô cớ này vẫn là điều bí ẩn, nhưng nhiều khả năng có liên quan đến những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thức ăn. Theo các nhà khoa học dự đoán, tình trạng cạnh tranh thức ăn ngày càng gia tăng tại Công viên Quốc gia Loango và một số nơi khác nữa là kết quả của biến đổi khí hậu, dù cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, nếu đúng như vậy, những vụ việc đáng tiếc như thế này là một bằng chứng khác cho thấy thế giới tự nhiên đang bị đảo lộn bởi tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Các nhà khoa học trong Dự án Tinh tinh Loango đã quan sát loài vượn lớn tại công viên trong nhiều năm, và đã nắm được khá nhiều thông tin về mối quan hệ xã hội cũng như liên kết bầy đàn, hành vi săn bắt, và khả năng giao tiếp của chúng. Từ năm 2014 đến 2018, nhóm nghiên cứu đã ghi lại 9 vụ việc tinh tinh và khỉ đột chạm mặt nhau trong công viên và những nơi khác ở đông và trung Phi. Theo những gì được các nhà khoa học viết trong nghiên cứu, những vụ đụng độ như vậy "luôn diễn ra trong hoà bình, và đôi lúc chúng còn cùng nhau chia sẻ quả ngọt". Và theo nhà khoa học nhận thức Simone Pika thuộc Đại học Osnabruck, các đồng nghiệp của ông đến từ Congo thậm chí từng chứng kiến "những tương tác vui đùa giữa hai loài vượn lớn".

Do đó, họ đã cực kỳ ngạc nhiên khi, vào năm 2019, chứng kiến không chỉ một mà đến hai vụ đụng độ bao lực và đều kết thúc với cái chết của những kẻ xấu số. Trong cả hai trường hợp, lũ tinh tinh đã tập hợp lại để tấn công khỉ đột và tận dụng ưu thế về số lượng để áp đảo đối phương. Hai vụ việc diễn ra ở rìa ngoài của lãnh thổ loài tinh tinh, và những kẻ quá khích nhất là những con tinh tinh đực trưởng thành. Các nhà nghiên cứu đã quan sát được những vụ tấn công từ cách đó khoảng 30 mét, và họ đã miêu tả lại một cách chi tiết trong bản báo cáo mới.

"Những gì chúng tôi quan sát được là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự hiện diện của tinh tinh có thể gây tác động chết người cho khỉ đột" - theo Tobias Deschner, nhà linh trưởng học tại Viện Max Planck về Nhân chủng học Tiến hoá và là đồng tác giả của nghiên cứu. "Chúng tôi muốn điều tra những yếu tố đã kích thích những xung đột dữ dội đáng ngạc nhiên này".

Cuộc chạm trán đầu tiên, kéo dài 52 phút, diễn ra vào ngày 6/2/2019 và "nổ ra sau một cuộc tuần tra lãnh thổ mà trong đó những con khỉ đột đực lấn sâu vào lãnh thổ tinh tinh kế cận" - nghiên cứu cho biết.

"Trong cuộc chạm trán đầu tiên, khi chúng tôi nghe thấy lũ tinh tinh gào thét, chúng tôi đã nghĩ chúng đụng độ một bầy tinh tinh khác" - theo Lara Southern, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Viện Max Planck về Nhân chủng học Tiến hoá, tác giả của nghiên cứu. "Chỉ khi chúng tôi nghe thấy tiếng vỗ ngực, một âm thanh mà chỉ lũ khỉ đột tạo nên thôi, chúng tôi mới biết có điều gì đó khác thường sắp diễn ra"

Một nhóm 27 con tinh tinh đã tấn công 5 con khỉ đột - hai con lưng bạc đực, hai con cái trưởng thành, và một con con. Những con khỉ đột đã cố tự vệ bằng sức mạnh thể chất, những động tác cơ thể đầy doạ nạt, và những cử chỉ đe doạ, nhưng không có kết quả. Bốn con trưởng thành may mắn trốn thoát được, nhưng con con, bị chia tách khỏi con mẹ, không may không thể qua khỏi. Nhiều con tinh tinh đã bị thương sau trận chiến, bao gồm một vết thương nghiêm trọng trên cơ thể một con cái mới trưởng thành.

Cuộc chạm trán thứ hai, diễn ra vào ngày 11/12/2019, kéo dài gần 80 phút và rất giống vụ đầu tiên, cũng bao gồm những con tinh tinh đến từ cộng đồng như trước. Trong vụ tấn công này, 27 con tinh tinh đã phủ đầu một nhóm 7 con khỉ đột, khiến một con khỉ đột con khác thiệt mạng. Trong vụ đụng độ đầu tiên, con con xấu số đã được bỏ lại, nhưng "con con trong vụ thứ hai gần như đã bị xơi tái hoàn toàn bởi một con tinh tinh cái trưởng thành" - theo nghiên cứu.

"Trong cả hai trường hợp, một khi con tinh tinh đầu tiên phát hiện ra khỉ đột và gầm lên hoặc kêu gào để báo động, đại đa số các thành viên khác trong bầy sẽ phản ứng ngay lập tức và cùng gầm vang với nhau" - theo Southern. "Bầy tinh tinh lúc đó sẽ phối hợp để chia cắt những con khỉ đột khỏi nhau, và trong cả hai vụ việc, chúng đã có thể tách rời những con khỉ đột con khỏi mẹ của chúng"

Jessica Mayhew, nhà nhân chủng sinh học tại Đại học Central Washington, cho biết loài linh trưởng áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau để đáp trả cả những cuộc xung đột nội bộ trong bầy và giữa các bầy khác nhau, và tinh tinh và khỉ đột thể hiện những hướng tiếp cận rất khác nhau liên quan vấn đề này.

"Nếu bạn nghiên cứu tinh tinh, bạn phải sẵn sàng tinh thần rằng bất kỳ vụ xung đột nào cũng có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm chết người - một bằng chứng không chỉ cho khả năng dễ bị kích động mà còn tốc độ lẫn sức mạnh đáng kinh ngạc của chúng" - Mayhew nói. "Tuy nhiên, biết trước như vậy cũng không giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn khi chứng kiến kết cục chết chóc. Cuộc sống của một con khỉ đột con là khá nguy hiểm - khả năng tử vong của con con rất cao - và nghiên cứu này một lần nữa cho thấy tính dễ tổn thương của chúng trong một bầy khỉ đột, kể cả khi có bố là một con lưng bạc đáng gờm"

Những con khỉ đột đực lưng bạc cỡ lớn có thể nặng đến 270kg, nhưng tinh tinh lại có sức mạnh thô tàn bạo. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy tinh tinh khoẻ gấp 1,5 lần con người khi thực hiện các hành động kéo giật và nhảy.

"Xét những con khỉ đột cái phương tây có thể nặng gần gấp đôi một con tinh tinh đực thông thường, vốn khoảng 45kg, trong khi những con khỉ đột đực có thể nặng gấp 3 đến 4 lần một con tinh tinh đực, việc tinh tinh có thể cướp khỉ đột con từ mẹ nó quả là đáng nể" - theo Richard Wrangham, một nhà sinh vật học tiến hoá tại Đại học Harvard, cho biết. "Theo các nhà nghiên cứu, tinh tinh có ưu thế là sống theo bầy đông đúc hơn, giống như linh cẩu thỉnh thoảng đi săn sư tử vậy. Sự dẻo dai và khả năng phối hợp mang lại cho chúng thêm sức mạnh" - Wrangham giải thích.

Cả Mayhew và Wrangham đều khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu mới này đối với quá trình nghiên cứu linh trưởng về lâu về dài.

Như đã nói ở trên, tinh tinh tiến hành tuần tra biên giới lãnh thổ để tìm kiếm dấu hiệu của những con tinh tinh khác, hoặc để xâm lăng các cộng đồng lân cận. Các nhà khoa học tin rằng những cuộc xâm nhập này có liên hệ với hệ thống xã hội phân tách - hợp nhất, trong đó các cá nhân sẽ rời một bầy để tham gia vào bầy khác. Hành vi này của tinh tinh cho thấy "sự tương đồng về chức năng và sự tiếp nối về tiến hoá giữa xu hướng bạo lực của tinh tinh với hành vi đột kích, vây bắt đầy bạo lực giữa các nhóm người với nhau" - theo nghiên cứu. Do đó, theo Southern thì những gì quan sát được từ loài vượn lớn cho thấy một mô hình sinh động mà các nhà khoa học có thể nghiên cứu trong thời gian thực.

"Bằng cách tìm hiểu những áp lực hiện hữu mà hai loài phải đối mặt, cả trong môi trường và trong cách chúng tương tác xã hội với nhau, chúng ta có thể biết thêm một chút về cách mà con người chúng ta vươn lên đỉnh cao của chuỗi tiến hoá" - cô viết. "Hơn bao giờ hết, việc chúng ta tìm cách bảo vệ những loài đang gặp nguy hiểm, vốn là cánh cửa để chúng ta nhìn vào quá khứ và xứng đáng có được một vị trí trong tương lai, là rất quan trọng"

Một con tinh tinh đực trưởng thành tại Loango, Gabon

Về lý do tại sao tinh tinh lại tấn công khỉ đột trong hai trường hợp nêu trên, các nhà khoa học vẫn chưa rõ. Khỉ đột có họ hàng khá xa với tinh tinh, giống như quan hệ giữa chúng với con người vậy. Tuy nhiên, theo Wrangham, việc tinh tinh tấn công khỉ đột không phải là điều quá ngạc nhiên, xét sở thích giết chóc của chúng.

"Tinh tinh rõ ràng thích săn và tiêu diệt các loài linh trưởng khác, từ khỉ đến tinh tinh và thậm chí là con người (chủ yếu là trẻ em). Tinh tinh lùn cũng giết chóc nhiều loài khác nhau để lấy thịt, và thậm chí người ta từng thấy chúng đánh cắp khỉ con từ mẹ chúng sau đó đưa chúng đi loanh quanh, có vẻ để chơi đùa, cho đến khi chúng chết đi. Ngược lại, khỉ đột rất ít hứng thú với việc giết chóc các loài khác, dù là trong môi trường hoang dã hay bị giam cầm.

Nhưng khỉ đột không phải là những con thú khổng lồ từ tốn, bởi một con lưng bạc từng khiến một con tinh tinh cái chấn thương nghiêm trọng. Điều đó cho thấy việc tinh tinh tấn công khỉ đột là có rủi ro, khiến chúng ta khó hiểu về sự bạo dạn của chúng. Theo Southern, các nhà khoa học cần phải quan sát thêm, tốt nhất là quan sát những con khỉ đột không bị con người săn tìm, để hiểu liệu tinh tinh có được lợi ích gì từ việc tàn sát khỉ đột hay không ngoài thú vui giết chóc?"

Về các khả năng khác, Southern cho biết họ "chỉ có thể đoán tại sao điều này lại xảy ra", nhưng có một số giả thuyết. Một giả thuyết khả thi là tinh tinh muốn săn khỉ đột con như con mồi, nhưng khi thấy chỉ có một con tinh tinh bày tỏ sự hào hứng với việc này, và xét những rủi ro đi kèm, giả thuyết này không thực sự hợp lý.

"Cũng có thể ở một vài thời điểm nhất định trong năm, những loại cây trái yêu thích của tinh tinh và khỉ đột bước vào trạng thái chín tươi nhất, do đó dẫn đến những cuộc cạnh tranh cấp độ siêu cao giữa hai loài khỉ" - Southenrn giải thích. "Nếu cuộc cạnh tranh này đủ căng thẳng, nó có thể dẫn đến những hành động bạo lực mà chúng tôi đã quan sát được"

Về vấn đề này, cô nói thêm: "Chúng tôi nghĩ tại Loango, khỉ đột được tinh tinh xem là những đối thủ mạnh mẽ, cả về không gian sống lẫn lượng thức ăn tiêu thụ, giống như cách mà nhóm chúng tôi tại Loango nhìn nhận những bầy tinh tinh kẻ thù khác"

Đó là một luận điểm thú vị. Nếu đúng, thì tinh tinh có vẻ không nhìn nhận khỉ đột như thành viên của những chủng loài khác, bởi chúng xem khỉ đột như một mối đe doạ đối với khả năng tiếp cận thức ăn của chúng.

Theo báo cáo của Viện Max Planck, cây trái trong rừng nhiệt đới của Gabon không còn nhiều như trước đây, và tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra có lẽ có liên quan đến vấn đề này. Điều đó có thể dẫn đến cuộc xung đột giữa hai loài vượn lớn. Các nhà nghiên cứu sẽ cần quan sát nhiều hơn, đặc biệt là tìm kiếm những cuộc xung đột lặp đi lặp lại giữa tinh tinh và khỉ đột (cả ở Loango và nơi khác) và những cuộc điều tra cho thấy hệ quả của phá rừng, biến đổi khí hậu, và các yếu tố khác có thể làm thay đổi cách những loài khỉ này sử dụng không gian sống trong rừng và tương tác với những loài khác. Theo Mayhew, những áp lực như vậy có thể thúc đẩy dân cư khỉ tiến lại gần nhau hơn, dẫn đến nhiều cuộc chạm trán thường xuyên hơn và tăng cuộc cạnh tranh tìm thức ăn.

"Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ đây là một sự kiện bất thường, nhưng như các tác giả đã chỉ ra, có một số thứ cần tìm hiểu tại nơi đây liên quan đến những loại áp lực đang đè lên hai loài khỉ kia" - Mayhew nói. "Biến đổi khí hậu nhiều khả năng đóng một vai trò nhất định, nhưng rất khó để nói vai trò đó cụ thể đến mức nào nếu không nghiên cứu kỹ càng hơn".

Minh.T.T (Theo Gizmodo)