Đánh giá Lenovo ThinkPad X1 Nano: Chiếc ThinkPad cực mỏng nhẹ chúng ta hằng mong đợi
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 08:25, 27/07/2021
Năm nay, bên cạnh ThinkPad X1 Carbon, X1 Fold và X1 Yoga, dòng sản phẩm laptop ThinkPad X1 của Lenovo còn chào đón thành viên mới mang tên ThinkPad X1 Nano. Sở hữu màn hình kích thước 13 inch, X1 Nano không chỉ là cái tên đầu tiên của dòng sản phẩm quay trở lại với tỷ lệ 16:10 mà còn là chiếc ThinkPad nhẹ nhất từng được sản xuất xuyên suốt lịch sử hình thành từ năm 1990 với trọng lượng chỉ 907 gram, thêm nhiệt cho cuộc chơi laptop siêu mỏng nhẹ vốn đang rất nóng bỏng.
Phiên bản ThinkPad X1 Nano mà VnReview đánh giá sở hữu cấu hình gồm vi xử lý Intel Core i7-1160G7 Tiger Lake, 16GB RAM LPDDR4X, 1TB SSD PCIe với modem LTE tích hợp. Mức giá tham khảo dành cho phiên bản này là 57,99 triệu đồng (đã bao gồm VAT) với chính sách bảo hành 3 năm đi kèm gói dịch vụ Lenovo Premier Support dành riêng cho dòng Think dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, X1 Nano còn có một số biến thể như màn hình cảm ứng, mặt vân carbon, chip i5,…
Thiết kế "huyền thoại" nay nhẹ hơn, hiện đại hơn
Nếu đã từng dùng một chiếc ThinkPad, đặc biệt là ThinkPad X1 Carbon, bạn sẽ không cảm thấy xa lạ gì với thiết kế của X1 Nano. Toàn bộ thân máy phủ một màu đen, với một vài điểm nhấn đỏ nằm ở logo X1 ThinkPad, trackpoint và bàn di chuột. Các góc máy được bo cong nhẹ, nhưng về tổng thể thì X1 Nano vẫn giữ vững phong thái vuông vức, chuyên nghiệp và đẳng cấp của các laptop ThinkPad trước đây.
Để có trọng lượng siêu nhẹ nhưng vẫn đạt độ bền bỉ cần thiết, ThinkPad X1 Nano sử dụng kết hợp sợi carbon và magie cho thân máy, phần màn hình và bàn phím, kê tay không hề có hiện tượng lún (flex), nhưng chất liệu này rất dễ bám vân tay. Với trọng lượng 907 gram, ThinkPad X1 Nano nhẹ hơn LG Gram 14" (999 gram), MacBook Air M1 (1,29 kg), Dell XPS 13 (1,32 kg) nhưng vẫn nặng hơn Fujitsu UH-X (749 gram). Độ mỏng của ThinkPad X1 Nano cũng rất ấn tượng, chỉ 16,7 mm ở điểm dày nhất, nếu bạn chọn phiên bản cảm ứng thì con số này tăng lên 17,2 mm, và cộng thêm khoảng 60 gram vào trọng lượng.
Phần bản lề của ThinkPad X1 Nano được Lenovo thiết kế thông minh để có thể mở màn hình góc 180 độ so với thân máy, khá hữu ích nếu bạn muốn chia sẻ nội dung màn hình cho nhóm họp, đồng thời tạo cảm giác viền dưới màn hình mỏng hơn so với thực tế. Người dùng cũng hoàn toàn có thể mở màn hình bằng một tay.
Để có thân hình mỏng nhẹ ấy, Lenovo đã không ngần ngại loại bỏ hàng loạt cổng kết nối trên ThinkPad X1 Nano. X1 Nano chỉ có duy nhất hai cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 4, xuất hình ảnh DisplayPort 1.4a và sạc Power Delivery cùng jack 3.5mm, tất cả đều nằm bên trái, trong khi phía bên kia là nút nguồn và khe tản nhiệt. Kết nối không dây của ThinkPad X1 Nano gồm Wi-Fi 6, Bluetooth 5 và modem LTE tích hợp.
Với việc chúng ta sẽ thường phải dành một cổng USB-C cho việc sạc, sự thiếu vắng hàng loạt cổng kết nối có thể là vấn đề gây đau đầu dành cho người dùng ThinkPad X1 Nano. Chuột Bluetooth chắc chắn sẽ là phụ kiện cần thiết, và một giải pháp docking bổ sung như Lenovo USB-C Mini Dock (giá khoảng 3,5 triệu đồng) sẽ giải quyết được triệt để những vấn đề này mà còn là cổng xuất màn hình phụ 4K và sạc cho thiết bị khác.
Màn hình 13 inch "nhỏ mà có võ"
ThinkPad X1 Nano sở hữu màn hình 13 inch với độ phân giải khá "dị" 2160 x 1350 pixel, tỷ lệ 16:10, tấm nền IPS độ sáng 450 nit với lớp phủ chống lóa. Tỷ lệ màn hình này tăng diện tích hiển thị theo chiều dọc, giúp người dùng lướt web, đọc tài liệu và lập trình dễ dàng hơn nhưng sẽ phải đánh đổi bằng hai dải màu đen khi xem các nội dung tỷ lệ 16:9. Là laptop doanh nhân, không tập trung nhu cầu chơi game, nên không ngạc nhiên khi tần số quét màn hình của ThinkPad X1 Nano chỉ dừng lại ở 60Hz.
Trải nghiệm hiển thị của ThinkPad X1 Nano ở mức tốt nhờ độ sáng cao, hình ảnh sắc nét do mật độ điểm ảnh cao, màu sắc sống động và dải tương phản rộng. Với công việc chỉnh sửa ảnh và video, ThinkPad X1 Nano bao phủ 100% gam màu sRGB và 72% DCI-P3. Viền màn hình của chiếc laptop này không phải mỏng nhất thị trường, nhưng đó là vì viền trên phải hy sinh diện tích cho cụm camera hồng ngoại mở khóa nhận diện khuôn mặt.
Đó là phần "nhìn", nhưng phần "nghe" của ThinkPad X1 Nano cũng được Lenovo chăm chút với việc trang bị tổng cộng 4 loa (2 trên, 2 dưới) cho trải nghiệm stereo trọn vẹn. Chúng mang đến âm lượng lớn, không bị rè khi đẩy lên cao, chất âm sáng và trong trẻo, tuy nhiên dải âm trầm có thể làm tốt hơn nữa.
Nếu có nhu cầu, bạn có thể nâng cao trải nghiệm nghe nhìn trên ThinkPad X1 Nano hơn nữa, khi chiếc laptop hỗ trợ cả Dolby Atmos lẫn Dolby Vision, tinh chỉnh thông qua ứng dụng Dolby Access đi kèm sẵn trong máy. Trong khi Dolby Atmos tối ưu hóa thể loại âm thanh đang phát, cho phép chỉnh EQ, thì Dolby Vision sẽ điều chỉnh hiển thị dựa trên ánh sáng không gian phòng.
Bàn phím chấp nhận đánh đổi nhưng vẫn giữ chất ThinkPad
Với thân hình nhỏ gọn, không ngạc nhiên khi ThinkPad X1 Nano có bàn phím nhỏ hơn hẳn so với người anh em X1 Carbon: Hàng phím function nhỏ hơn (8mm so với 10mm); các phím ký tự (15x15 mm so với 16x16 mm), một vài phím ở phía bên phải thậm chí chỉ là 12mm. Tuy vậy, việc làm quen với bàn phím cũng không quá khó khăn, chỉ mất từ 1-2 ngày mà thôi. Bên dưới các phím vẫn là đèn LED trắng với hai mức độ sáng để tiện làm việc trong phòng tối, và ThinkPad X1 Nano có bàn phím chống tràn nước giống các laptop ThinkPad khác.
Thứ bạn cần quan tâm hơn là hành trình phím. Lenovo đã cắt giảm hành trình phím trên X1 Carbon từ 1.8mm xuống 1.5mm cách đây hai thế hệ. Với ThinkPad X1 Nano, con số này chỉ là 1.35mm. Cảm giác gõ "đầm" và phản hồi tactile chắc nịch đặc trưng của bàn phím ThinkPad cũng bị giảm đi đôi chút.
ThinkPad X1 Nano vẫn giữ lại nút TrackPoint "thần thánh" và các nút click vật lý phía trên touchpad, rất tiện lợi cho những ai có thói quen dùng laptop không cần chuột, nhưng phải đánh đổi là kích thước touchpad vốn đã nhỏ nay lại nhỏ hơn. Trải nghiệm di tay trên touchpad của chiếc laptop rất mượt mà nhờ được phủ nhung, hỗ trợ đầy đủ các thao tác vuốt với Windows Precision.
Đầy ắp những tiện ích bảo mật
Trên các dòng ThinkPad 2021 nói chung và X1 Nano nói riêng, Lenovo đã trang bị thêm một số tiện ích bảo mật để trải nghiệm sử dụng của người dùng được an toàn, riêng tư hơn. Một trong những tiện ích mà người viết đánh giá cao nhất chính là cảm biến hiện diện (Human-Presence Detection sensor), khi máy sẽ tự động tắt khi không thấy bạn ngồi trước máy tính và mở lại khi bạn quay trở lại. ThinkPad X1 Nano không phải laptop doanh nhân đầu tiên tích hợp công nghệ này, nhưng chúng hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả trong thời gian người viết trải nghiệm. Với chip bảo mật dTPM 2.0, ThinkPad X1 Nano cũng sẽ đủ điều kiện cập nhật lên Windows 11 nếu bạn có nhu cầu.
Về bảo mật sinh trắc học, ThinkPad X1 Nano sử dụng cả cảm biến vân tay lẫn nhận diện khuôn mặt bằng hồng ngoại qua Windows Hello. Đáng chú ý, với cảm biến vân tay, toàn bộ quá trình nhận diện đều được thực hiện bên trong cảm biến (Match-on sensor) và ThinkPad X1 Nano cũng sử dụng AI để có thể phân biệt ngón tay thật và giả. Ngoài ra, với thanh gạt ThinkShutter, bạn cũng có thể đóng webcam lại khi không có nhu cầu sử dụng để tránh bị quay lén.
Đi kèm với máy là phần mềm Commercial Vantage (trước là Lenovo Vantage), đây là cổng thông tin giúp bạn tra cứu cấu hình máy, thông tin bảo hành, điều chỉnh một vài tính năng bảo mật và cập nhật phần mềm khi cần. Nhìn chung, đây là phần mềm đặc biệt hữu ích với máy ThinkPad, bạn nên giữ lại chứ đừng gỡ cài đặt.
Khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, ThinkPad X1 Nano cũng được trang bị một tính năng có tên Lenovo Quick Clean. Đây là tính năng khi kích hoạt sẽ vô hiệu hóa toàn bộ các nút bấm vật lý và thao tác chuột trong khoảng thời gian chọn sẵn, để bạn có thể dễ dàng vệ sinh cỗ máy mà không cần phải tắt nguồn hay khóa máy.
Hiệu năng cao với chip Tiger Lake, SSD dung lượng dồi dào
Với ThinkPad X1 Nano, Lenovo mang đến hai tùy chọn vi xử lý Tiger Lake của Intel, nhưng thay vì dùng CPU UP3 "tiêu chuẩn" như nhiều laptop khác trong phân khúc, cỗ máy lại sử dụng CPU UP4 tiết kiệm năng lượng hơn, cụ thể là Core i5-1130G7 và Core i7-1160G7 với cấu hình TDP thấp hơn (trên lý thuyết). Phiên bản VnReview trải nghiệm sử dụng chip Core i7-1160G7, cùng 16GB RAM LPDDR4X bus 4266 (hàn chết, không nâng cấp được hơn nữa) và 1TB SSD M.2 PCIe.
CPU Core i7-1160G7 gồm 4 nhân (8 luồng) với cả 4 nhân có thể đạt xung nhịp 3.6 GHz, 1 nhân active 4.4 GHz. TDP mà Intel đưa ra là 7-15W cho chip UP4, nhưng Lenovo đã nâng giới hạn này lên 40W đối với ThinkPad X1 Nano. Do đó, nhiệt độ của chip sẽ là nhân tố quyết định tới hiệu năng tổng thể của máy.
PCMark 10 đo hiệu năng tổng thể, ThinkPad X1 Nano đạt điểm trung bình 4.515
Trong bài benchmark Cinebench R20, con chip Core i7-1160G7 của ThinkPad X1 Nano đạt 439 điểm đơn nhân và 1662 điểm đa nhân
6.185 điểm đơn nhân và 19.742 điểm đa nhân...
...cùng 53.263 điểm hiệu năng đồ họa trên GeekBench 4
3D Mark Night Raid bài đo hiệu năng CPU và GPU DX12 dành cho laptop, ThinkPad X1 Nano đạt 5.897 điểm CPU và 19.643 điểm đồ họa, kết quả cuối cùng là 14.554 điểm
Về lưu trữ, ThinkPad X1 Nano trang bị SSD WD SN530 1TB, chuẩn M.2 2242 với tốc độ đọc/ghi (tuần tự) lần lượt 2400 MB/s và 1950 MB/s. Đo nhanh bằng công cụ Crystal Disk Mark cho kết quả nhỉnh hơn một chút so với công bố. Việc trang bị SSD tốc độ cao, dung lượng dồi dào giúp luồng công việc được đảm bảo, khởi chạy Windows và ứng dụng nhanh chóng cho phép bạn sớm bắt tay vào công việc.
Sẽ không ai mua những laptop như ThinkPad X1 Nano về để chơi game, nhưng nếu bạn có nhu cầu giải trí sau một ngày làm việc mệt mỏi, chip đồ họa tích hợp Intel Iris XE trên CPU Core i7-1160G7 có thể đáp ứng tốt việc chơi game online nhẹ nhàng như Liên Minh Huyền Thoại hay CS:GO:
Sở hữu thân hình nhỏ gọn nhưng ThinkPad X1 Nano hoạt động khá mát mẻ, khi benchmark với Cinebench R20 thì nhiệt độ CPU cũng chỉ lên khoảng 80 độ C. Bên cạnh việc dành hẳn một khoảng bên phải máy để tản nhiệt, tính năng điều tiết nhiệt thông minh Intelligent Cooling của Lenovo cũng hoạt động hiệu quả để cân bằng giữa hiệu năng và nhiệt tỏa ra, giữ cho xung nhịp CPU ở mức cao được lâu hơn.
Thời lượng pin của ThinkPad X1 Nano ở mức trên trung bình, với thời gian on-screen khoảng hơn 7 tiếng với các tác vụ không quá đòi hỏi nhưng độ sáng ở mức cao (70-80%). Xét viên pin dung lượng 48 Whr của X1 Nano, đây là con số chấp nhận được. Với củ sạc Slim 65W đi kèm máy, chỉ mất khoảng hơn 40 phút là máy đã sạc được 60% pin.
Tổng kết
Dòng laptop doanh nhân ThinkPad vốn đã được yêu thích nay càng trở nên hấp dẫn hơn khi X1 Nano sở hữu thân hình mỏng nhẹ không thua kém bất kỳ thương hiệu nào trên thị trường. Thiết kế bền bỉ, màn hình đẹp, hiệu năng cao và trang bị nhiều tiện ích bảo mật là những điểm mạnh khác của X1 Nano, nhưng Lenovo cũng buộc phải đánh đổi số lượng cổng kết nối và trải nghiệm gõ phím mang tính thương hiệu của ThinkPad.
Hoàn Đặng